Cổ phiếu giao dịch tỉ USD
Kết thúc phiên giao dịch cuối tháng 8, các chỉ số chứng khoán đồng loạt tăng điểm. Cụ thể, VN-Index tăng 10,89 điểm lên 1.224,05 điểm; HNX-Index tăng 1,79 điểm lên 249,75 điểm và UPCoM cũng tăng 0,64 điểm lên 93,32 điểm. Tăng cao trước kỳ nghỉ lễ 2.9 dài ngày là một điểm tích cực của thị trường chứng khoán (TTCK), nhất là khối lượng và giá trị giao dịch cũng tăng hơn phiên trước đó. Cụ thể, tổng giá trị giao dịch đạt trên 24.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 1 tỉ USD.
Tính chung cả tháng 8, chỉ số VN-Index chỉ tăng nhẹ gần 2 điểm. Dù vậy, nếu như so với mức thấp sau cơn lao dốc đầy bất ngờ vào ngày 18.8 khi VN-Index mất hơn 55 điểm chỉ trong một phiên thì chỉ số này đã hồi phục và tăng gần 4% chỉ sau 2 tuần. Tổng cộng sau 8 tháng, VN-Index đã tăng 21,5% và HNX-Index cũng tăng 21,6%. Riêng giá trị giao dịch của thị trường đã tăng gấp 3 lần và duy trì ở mức giao dịch trị giá cả tỉ USD mỗi phiên hay thậm chí lên đến 1,2 tỉ USD.
Có nhiều yếu tố tác động tích cực giúp cho nhà đầu tư (NĐT) đang có xu hướng tìm đến TTCK. Đó là lãi suất tiền gửi ngân hàng liên tục giảm, kinh tế vĩ mô dù chưa tăng trưởng mạnh nhưng cũng bắt đầu có nhiều dấu hiệu tốt, vốn đầu tư công vẫn đang được Chính phủ thúc đẩy giải ngân mạnh hơn… Hơn nữa, trong các kênh đầu tư truyền thống thì hiện nay chỉ có chứng khoán là dễ giao dịch hơn. Bởi thị trường bất động sản vẫn còn khá trầm lắng; giá vàng hầu như không còn quá hấp dẫn với nhiều người, nhất là với những NĐT trẻ.
Theo ông Nguyễn Nhật Khánh, Trưởng phòng tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Mirae Asset, lãi suất tiền gửi đã bắt đầu giảm từ cuối tháng 3 đến nay. Từ đó nhiều người gửi tiết kiệm đến kỳ đáo hạn không muốn để tiền trong ngân hàng nữa vì lãi đã xuống quá thấp và họ muốn tìm kiếm kênh đầu tư có lãi cao hơn. Không chỉ thế, hàng loạt chính sách từ Chính phủ đã thực hiện như tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án bất động sản; giảm thuế giá trị gia tăng, giảm phí… để hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng. Nhìn chung, chính sách tiền tệ và tài khóa đều hướng đến mục tiêu hỗ trợ kinh tế phát triển đã bắt đầu có tác dụng đến nhiều nhóm ngành.
"TTCK là thị trường kỳ vọng. Khi NĐT nhìn thấy mục tiêu của chính sách, đặc biệt là lãi suất giảm giúp cho nhiều doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hoạt động thì họ sẽ bắt đầu mua cổ phiếu trước mà không chờ đến khi có kết quả kinh doanh thật sự. Ví dụ như nhóm cổ phiếu bất động sản thời gian qua đã tăng mạnh trở lại và đóng góp tích cực vào sự hồi phục của TTCK nói chung, dù kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp cần phải có thêm thời gian nữa mới hồi phục", ông Nguyễn Nhật Khánh chia sẻ thêm.
Vấn đề và Giải pháp: Giải pháp khôi phục thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Thị trường trái phiếu bắt đầu nhúc nhích
Trong khi thị trường cổ phiếu hồi phục mạnh từ đầu quý 2/2023 đến nay thì thị trường trái phiếu cũng có những dấu hiệu tan băng. Ước tính trong tháng 8 đã có 18 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thành công với lượng phát hành hơn 21.500 tỉ đồng, tăng 70% so với tháng 7. Trong đó, các ngân hàng phát hành chiếm hơn 50% như ACB huy động thành công 6.500 tỉ đồng; OCB phát hành 2.000 tỉ đồng, MSB phát hành 1.000 tỉ đồng. Song song đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng tăng phát hành trái phiếu trở lại.
Dù vậy, theo số liệu từ Bộ Tài chính, từ đầu năm đến hết tháng 7 có 36 doanh nghiệp thực hiện phát hành TPDN riêng lẻ với trị giá 62.300 tỉ đồng, giảm 77,8% so với cùng giai đoạn năm 2022. Những đợt phát hành này đưa dư nợ TPDN riêng lẻ chạm mức 1,02 triệu tỉ đồng (tính đến ngày 28.7), bằng 10,8% GDP năm 2022 và bằng 8,2% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Lý giải kết quả trên, cơ quan này cho biết bối cảnh thị trường biến động khiến nhiều doanh nghiệp chủ động thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn để tái cơ cấu nguồn vốn với khối lượng mua lại trước hạn là 135.300 tỉ đồng, tăng 56,3% so với cùng giai đoạn năm 2022.
Nếu kết quả kinh doanh quý 3/2023 của nhiều doanh nghiệp tốt hơn, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào VN vẫn tăng trưởng và tình hình giải ngân đầu tư công theo đúng kế hoạch thì TTCK sẽ tích cực hơn và kéo dài sang quý 1/2024. Điều này giúp cho các doanh nghiệp có kế hoạch huy động vốn thông qua cổ phiếu sẽ dễ thực hiện hơn khi giao dịch nhộn nhịp. Riêng thị trường TPDN vẫn cần thêm thời gian nữa bởi vẫn có nhiều đơn vị phát hành đang gặp khó khăn trong vấn đề thanh toán nợ gốc hay lãi trái phiếu khiến NĐT còn e dè.
Ông Nguyễn Nhật Khánh, Trưởng phòng tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Mirae Asset
TS Nguyễn Hữu Huân (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) nhận định TTCK hồi phục chủ yếu nhờ dòng tiền "rẻ" khi lãi suất liên tục giảm. Nhiều NĐT cũng kỳ vọng các chính sách thúc đẩy hỗ trợ kinh tế phát triển sẽ hồi phục và hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp cũng từng bước đi lên. Nhờ vậy dòng vốn nhanh chóng tìm đến kênh cổ phiếu do dễ mua, dễ bán và khả năng sinh lời cao. Điều này sẽ tích cực hơn và từ đó cũng sẽ lan tỏa đến việc huy động vốn của các công ty qua TTCK. Thông thường sau khi chứng khoán tăng cũng sẽ góp phần kích thích lan sang thị trường bất động sản. Hiện tại thị trường bất động sản cũng bắt đầu có dấu hiệu hồi phục. Nhưng ông Huân cũng cho rằng chính sách tiền tệ cần áp dụng "đúng liều" và cẩn trọng để tránh hiện tượng dòng vốn giá rẻ chảy mạnh vào hoạt động đầu cơ khiến TTCK chỉ hồi phục ngắn hạn.
Riêng với kênh trái phiếu, TS Huân đánh giá thị trường bị khủng hoảng về niềm tin nên hiện tại chưa thể hồi phục nhanh như cổ phiếu. Số lượng doanh nghiệp huy động vốn qua trái phiếu thành công vẫn còn khá ít. Vì vậy Chính phủ vẫn cần xem xét có thêm nhiều giải pháp. Đó là tiếp tục giải quyết những vấn đề nội tại, có những chính sách khuyến khích NĐT tham gia thị trường. Thực tế cho thấy mức độ rủi ro của thị trường TPDN tại VN còn cao hơn cổ phiếu, dù ở các nước thì ngược lại. Vì vậy cần các giải pháp để lấy lại niềm tin cho NĐT như có thị trường bảo hiểm vốn trái phiếu theo thông lệ quốc tế.
Bình luận (0)