'Thị trưởng' của thành phố sáng tạo

08/02/2016 07:14 GMT+7

Có một Hà Nội trong khu sáng tạo mang tên Hanoi Creative City. Ở đó, kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh như một thị trưởng.

Có một Hà Nội trong khu sáng tạo mang tên Hanoi Creative City. Ở đó, kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh như một thị trưởng.

Một lớp học nghệ thuật đương đại ở Hanoi Creative CityMột lớp học nghệ thuật đương đại ở Hanoi Creative City
Hoàng tử Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland Andrew lật một lượt sổ bằng giấy dó truyền thống trong gian hàng Zó tại triển lãm sáng tạo ở Hanoi Creative City. Ông chọn hai cuốn bìa màu nâu nhẹ, một trong hai cuốn có bản đồ Việt Nam. Chưa kịp hết lâng lâng, chủ doanh nghiệp Zó Trần Hồng Nhung đột nhiên thấy mình cầm trong tay 260.000 đồng. “Thực ra là tôi muốn tặng, nhưng hoàng tử nhất định trả tiền. Ông còn nói những sản phẩm thế này hoàn toàn có thể bán tại thị trường Anh”, Nhung nhớ lại. Chỉ vài ngày sau, cơ hội kinh doanh cũng mở ra - một hợp đồng sản xuất sổ có in biểu tượng của Hoàng gia Anh.
Hút cộng đồng theo cách vui vẻ
Nhưng Hanoi Creative City không chỉ có Zó. Ở đó, ngay từ cửa ra vào đã có hàng loạt doanh nghiệp khác nhau để hút cộng đồng theo cách vui vẻ trẻ trung, giống sân chơi nhất. Bàn nặn miễn phí với bột mì ngào màu, hoàn toàn không độc hại và thoang thoảng mùi… bánh. Chuỗi hàng thời trang Bò sữa thiết kế Việt, giá Việt dễ chịu. Doanh nghiệp Tò he bán sản phẩm in tranh của trẻ tự kỷ.
“Thị trưởng” của thành phố sáng tạo 2Hoàng tử Anh chọn sổ tại gian hàng của doanh nghiệp Zó
Và ở Hanoi Creative City càng không chỉ có doanh nghiệp. Nó còn hàng loạt cái tên sáng tạo khác. Nhà sàn Collective vẫn mở các dự án mỹ thuật để giao lưu với cộng đồng. Khu vui chơi cho trẻ với đồ chơi từ làng nghề của dự án Nghĩ về sân chơi cho trẻ do kiến trúc sư Kim Đức vận hành nhiều năm. Cũng chính dự án này đã được giải thưởng sáng tạo của Hội đồng Anh cách đây hơn 1 năm. Còn có cả khu làm việc giá rẻ để người trẻ mới khởi nghiệp đến thuê.


Không còn cách nào khác cả. Phải sáng tạo mới có thể sống được trong toàn cầu hóa


Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh


Họ tổ chức các không gian làm việc kết nối cộng đồng (coworking space). Các bạn có thể ngồi cùng với nhau và chỉ phải đóng tiền văn phòng khoảng 1 triệu đồng/tháng. Người trẻ khởi nghiệp muốn đến ngồi không gian này lúc nào thì ngồi, sử dụng mọi tiện ích văn phòng. Bàn ghế, mạng, cơ hội gặp gỡ. Quan trọng hơn họ được cung cấp thêm các tư vấn kế toán, pháp lý, truyền thông. “Khi bạn mới khởi nghiệp, làm sao đã có thể trả tiền kế toán, tư vấn pháp luật. Và kể cả có tiền thì em cũng có thể trả tiền đó cho việc khác, chứ tiền đâu mà trả cho PR truyền thông. Thông thường, người tổ chức không gian cộng đồng như vậy thường lỗ. Bù lại, họ có cơ hội đầu tư cho các ý tưởng mới. Lãi từ đó mà ra”, ông Thanh nói.
Mở sàn giao dịch sáng tạo
Tổ chức lại khu sáng tạo, Kỳ Thanh cũng phải tổ chức lại cơ cấu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp dịch vụ ăn uống, giải trí được dành chỗ ở các tầng thấp. Chính khu dịch vụ này sẽ tạo lượng người qua lại cho khu sáng tạo. Những doanh nghiệp này không chỉ giúp bù giá thuê mà còn cung cấp thêm công chúng cho các đơn vị nghệ thuật. Như thế, nên dù bề ngoài có rất nhiều doanh nghiệp ăn chơi nhảy múa, về thực chất Hanoi Creative City vẫn nuôi các dự định sáng tạo lâu dài. “Chúng tôi thực sự muốn nuôi một sàn sáng tạo”, ông Thanh chia sẻ.
“Thị trưởng” của thành phố sáng tạo 3Đoàn Kỳ Thanh giới thiệu với hoàng tử Anh về khu sáng tạo Hanoi Creative Hub - Ảnh: nhân vật cung cấp
Một sàn sáng tạo như vậy, theo ông Thanh là con đường phải tới. “Bạn sản xuất lọ nên thuê về 2 ông thiết kế giỏi. Các ông này giỏi lắm nghĩ được 10 mẫu. Trong khi nếu kết nối được cộng đồng sáng tạo thì còn có nhiều mẫu hơn. Đấy cũng là cách mà Hermes đã làm. Họ phát triển sáng tạo trên cơ sở kết nối mẫu. Mẫu của Việt Nam cũng được chọn vào đó”, ông Thanh nói, và cho biết thêm: “Tạo ra sàn cho sáng tạo quan trọng lắm. Các bạn trẻ phải nhìn thấy cơ hội cho mình ở đó, rồi mới có động lực. Thứ nữa là phải có môi trường cho các bạn ấy. Và đặc điểm thời đại bây giờ là các sáng tạo khác ngành cần ngồi cạnh nhau, kết hợp với nhau về mặt vật lý. Công nghệ và nghệ thuật sánh bước, đó là bài học từ các khu sáng tạo (creative hub) trên thế giới, kể cả thung lũng Silicon”.
“Không còn cách nào khác cả. Phải sáng tạo mới có thể sống được trong toàn cầu hóa”, ông Thanh nói. Các doanh nghiệp bắt đầu dần có lãi. Tuy nhiên, các nhà đầu tư dự án tòa nhà sáng tạo, trong đó có ông vẫn đang bù lỗ cho khu sáng tạo này. Nhưng, theo “thị trưởng” Đoàn Kỳ Thanh, đó chính là chi phí cơ hội cho tương lai, không còn cách nào khác.
Bọn Zone 9 “biến thái”
Nhưng sáng tạo ở tòa nhà cao tầng này không phải lúc nào cũng được hiểu đúng. “Mọi người vẫn hiểu chúng tôi chỉ là khu ăn chơi. Tệ hơn, khi Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân dự định tới đây thăm, đã có ý kiến từ địa phương báo cáo lên, đấy chính là bọn Zone 9 biến thái”, Đoàn Kỳ Thanh nói. Hanoi Creative City đã ra đời sau khi Zone 9 bị đóng cửa vì một vụ mất an toàn lao động. Khu sáng tạo đầu tiên ấy thậm chí còn bị hiểu như một khu ăn chơi lộn xộn. Zone 9 biến thái hẳn còn tệ hơn. Tất nhiên, ông Nhân vẫn tới thăm khu sáng tạo, sau chuyến thăm của hoàng tử Anh chừng nửa tháng.
Giờ đây, Hanoi Creative City đang kín dần người thuê chỗ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.