Thị trường đất nền Củ Chi nóng trở lại

21/11/2019 17:00 GMT+7

Gần đây, thị trường đất nền Củ Chi đang có dấu hiệu nóng trở lại sau một thời gian hạ nhiệt. Nguyên do hàng loạt dự án hạ tầng giao thông đang chuẩn bị được đầu tư, thu hút các nhà đầu tư quay trở lại.

Nhu cầu ở thực ngày càng cao

Theo khảo sát, hiện nay có khoảng 476.000 hộ gia đình chưa có nhà ở, hoặc đang sống chung với người thân, chiếm gần 1/4 tổng số hộ gia đình tại TP HCM. Hiện nay giá đất tại TP.HCM liên tục tăng trong những năm trở lại đây, nhất là tại các quận trung tâm, khiến cho những người có thu nhập thấp khó có thể mua được nhà ở. Nhiều cặp vợ chồng đã quyết định chọn mua nhà đất tại vùng ngoại thành, nơi có giá đất mềm hơn như huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh…
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Huyền chia sẻ, trong suốt nửa đầu năm 2019 vừa qua, với mong muốn an cư lạc nghiệp và tâm lý lo ngại bất động sản (BĐS) ngày càng tăng. Với số tiền tiết kiệm được khoảng 400 triệu đồng, cùng với thu nhập của hai vợ chồng khoảng 25 triệu đồng/tháng (dự kiến có thể vay ngân hàng), vợ chồng chị Huyền quyết tâm tìm căn hộ hoặc mảnh đất trong nội đô thành phố với giá khoảng 1,3 tỉ đồng, tuy nhiên “đỏ mắt tìm” không ra. Sau khi tính toán kỹ, chị Huyền quyết định lên Củ Chi tìm một căn nhà rộng 50 m2 (1 trệt, 1 lầu), tổng diện tích sử dụng 100 m2 với giá gần 1,3 tỉ đồng. Chị Huyền kỳ vọng thời gian tới, quá trình đô thị hóa nhanh, Củ Chi sẽ phát triển nhanh và vợ chồng chị có thể tìm kiếm các công việc gần nhà hơn.
Năm 2017, anh Phạm Văn Tuân cùng gia đình từ Thanh Hóa vào TP.HCM lập nghiệp. Sau khi bán hết tài sản ngoài quê được hơn 1 tỉ đồng, anh Tuân chọn mua lại một mảnh đất của người dân tại Củ Chi với số tiền 800 triệu đồng để an cư. Do mảnh đất đã có nhà của chủ cũ nên anh Tuân chỉ sửa sang lại để ở, tiết kiệm được chút tiền chi phí. Hiện tại, qua thăm dò môi giới, mảnh đất anh Tuân mua đã có giá trị hơn 1,2 tỉ đồng.
Trong xu thế tăng giá BĐS của TP.HCM những năm gần đây, đất tại Củ Chi cũng tăng giá theo, tuy nhiên, biên độ tăng không nhanh bằng các quận gần trung tâm. Bên cạnh đó, với giá đất hiện nay, BĐS tại Củ Chi được cho là rất phù hợp với nhu cầu ở thực của người dân, đa dạng các mức giá, tùy theo diện tích, có thể dưới 1 tỉ đồng, hoặc trên dưới 2 tỉ đồng. Hơn nữa Củ Chi là vùng đất cao, nền ổn định nên chi phí xây dựng không tốn kém nhiều, phù hợp với thu nhập của người dân.

Nguy cơ tăng giá đất

Anh Nguyễn Thế Hưng, Giám đốc một doanh nghiệp xây dựng tư nhân, đồng thời cũng là một nhà đầu tư trong lĩnh vực BĐS nhận định: Thị trường BĐS TP.HCM hiện có xu thế hướng ra vùng ven rất rõ nét, một phần do quỹ đất ở khu vực trung tâm không còn nhiều, giá thành cao. Hiện nay, thành phố cũng hạn chế trong việc cấp phép xây dựng cho các dự án BĐS trung tâm để giãn dân về các đô thị vệ tinh lân cận.
Anh Hưng cho biết, trước kia, chưa dám xuống tiền vì còn e ngại về hạ tầng khu vực này. Tuy nhiên, khi thấy dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sắp được triển khai với sự vào cuộc của Bộ Giao thông vận tải và các địa phương TP.HCM, Tây Ninh, vị giám đốc trẻ này càng quyết tâm đi trước, đón đầu cơ hội đầu tư.
Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, giá đất tại Củ Chi sẽ tăng trở lại và có thể tăng mạnh vào giữa năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu khiến giá đất tăng là do hạ tầng giao thông khu vực của ngõ Tây Bắc thành phố được đầu tư xây dựng, trong đó có tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và hầm chui nút An Sương sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, nguyên nhân khiến giá đất tăng là do các nhà đầu tư đang có xu hướng quay trở lại Củ Chi. Vì so với nhiều địa phương khác, Củ Chi và Cần Giờ đang có giá đất thấp, hiện tại giá đất trung bình ở Củ Chi chỉ từ 10 - 20 triệu đồng/m2. Bên cạnh đó, trong quy hoạch sử dụng đất, từ nay đến năm 2020 thành phố được chuyển đổi hơn 26.000 ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, trong đó có số lượng lớn ở huyện Củ Chi.
Theo các chuyên gia kinh tế, không phải ngẫu nhiên, hàng loạt tập đoàn lớn chuyển hướng rót vốn vào khu đô thị Tây Bắc. Việc quy hoạch lại định hướng phát triển từ phía Nam thành phố (quận 7, Nhà Bè) sang khu Tây Bắc là nền móng vững chắc để các doanh nghiệp đón đầu cơ hội đầu tư.
Một chuyên gia BĐS cũng cho rằng, sự điều chỉnh hướng quy hoạch phát triển đô thị chủ đạo sang phía bắc thành phố nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng trong tương lai gần, mà thành phố là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong điều kiện phần lớn diện tích thành phố nằm trên khu vực thấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.