Ngày 8.2, trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Đoàn Trung, Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM, cho biết tình hình lao động trên địa bàn TP.HCM ổn định, tỷ lệ người lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp từ 80% trở lên. Dự kiến, sau ngày 15.1 âm lịch, người lao động sẽ trở lại đầy đủ.
Lãnh đạo Công đoàn các KCX-KCN TP.HCM cũng thông tin, trên địa bàn TP.HCM có 17 KCX-KCN với gần 1.500 doanh nghiệp (DN) hoạt động và hơn 273.000 lao động. Qua thống kê sơ bộ từ ngày 5.2 đến nay, hầu hết các DN đã hoạt động lại. Đồng thời, tỷ lệ người lao động (NLĐ) quay trở lại sản xuất khoảng từ 82 - 85%, một số lao động dự kiến sẽ trở lại TP.HCM làm việc vào ngày 9 - 10.2 do quê ở xa.
Tỷ lệ người lao động trở lại làm việc ở các doanh nghiệp tại TP.HCM sau Tết Nguyên đán 2022 đạt từ 80% trở lên |
NGỌC DƯƠNG |
Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, thị trường lao động sau tết chuyển biến tích cực, nhờ một lượng lớn lao động từ các tỉnh quay lại cũng như những giải pháp đẩy mạnh nền tảng công nghệ thông tin, tăng cường hoạt động sàn giao dịch việc làm trực tuyến... Dự kiến nhu cầu nhân lực sau tết cần khoảng 44.800 - 55.600 chỗ làm, tập trung ở các ngành như: dệt may - giày da; sản xuất, chế biến thực phẩm; cơ khí; hóa chất - dược - cao su; kiến trúc; xây dựng; bán buôn và bán lẻ; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống...
Lãnh đạo Công đoàn KCX-KCN TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục tăng cường công tác chăm lo thường xuyên cho NLĐ.
Thần tốc đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 mùa Xuân |
Chính sách cần sớm đưa vào thực tiễn
Vấn đề chính sách an sinh cho NLĐ quay trở lại làm việc được đặc biệt quan tâm. Khảo sát tại một số DN và công đoàn tại TP.HCM cho thấy, các đơn vị bày tỏ mong muốn những chính sách này sớm đưa vào thực tiễn, thực chất để hỗ trợ nhanh nhất cho NLĐ và DN. Đồng thời, có những hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục cũng như điều kiện cho người thụ hưởng.
Phía Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho hay hiện chưa có phản hồi về thông tin cụ thể về những chính sách mới của Chính phủ. Theo một lãnh đạo của sở này, TP.HCM có hơn 4,7 triệu lao động (trong đó gồm 2,4 triệu lao động chính thức và hơn 2,3 triệu lao động tự do).
Dưới góc độ chuyên gia, PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội (Viện SocialLife), phân tích, hiện vẫn còn có sự pha trộn giữa mô hình nhà nước phúc lợi và dịch vụ phúc lợi (gồm các chi phí xã hội như lương hưu, bảo hiểm xã hội, y tế... cho NLĐ); và thực tế nhà nước đang rất nỗ lực để thúc đẩy các chính sách, hạ tầng phúc lợi ngày càng tốt hơn cho NLĐ.
Tuy nhiên, ông Lộc cũng nhìn nhận sự hỗ trợ NLĐ phải đi vào thực tiễn. Đơn cử, với chính sách hỗ trợ 3 tháng tiền trọ cho NLĐ, thì phải tính đến tính khả thi, bởi thực tế cho thấy việc triển khai là không dễ dàng, từ công cụ, phương tiện, nhân lực thực hiện đến việc tính toán hỗ trợ sau 3 tháng đó thì NLĐ sẽ ra sao.
Ông Lộc cho rằng thời điểm sau Tết Nguyên đán cũng là cơ hội để chính quyền thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ cho NLĐ bền vững hơn. Đơn cử, nhà nước có thể tận dụng đòn bẩy và có cơ chế quản lý, giám sát chính sách ưu đãi về thuế, tài chính, vay ưu đãi... cho những DN xây dựng các nhà lưu trú, hay cho chủ nhà trọ đảm bảo bình ổn giá thuê, xây dựng hay cải thiện không gian sống cho NLĐ, không thu phí điện, nước cao hơn mức bình thường... Bởi lẽ, các DN cũng như chủ nhà trọ cũng là một loại dịch vụ phúc lợi và NLĐ hoàn toàn có thể được hưởng lợi từ những chính sách đòn bẩy đó.
Bình luận (0)