Dù cổ phiếu Nga gặp khó vì lệnh trừng phạt và giá dầu, thị trường nước này vẫn đang là “món hời thế kỷ”. Đây là nhận định của nhà đầu tư hàng đầu Mark Mobius, chủ tịch hãng Templeton Emerging Markets.
Chủ tịch hãng Templeton Emerging Markets Mark Mobius - Ảnh: Bloomberg |
Theo CNBC, nhà đầu tư thị trường mới nổi Mark Mobius cho rằng “Nga đang rất rẻ”. Ông nói: “Vấn đề là các biện pháp trừng phạt. Nhiều người trong số chúng ta không thể đầu tư vào vì các biện pháp trừng phạt. Một khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ thì thị trường sẽ thể hiện rất tốt”.
Chỉ số MSCI Nga đã tăng khoảng 20% trong năm nay, nhưng vẫn giảm khoảng 36% so với đầu năm 2014. Kinh tế Nga chật vật từ khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của họ hồi tháng 3.2014 và bị cho là có liên quan đến bất ổn ở Ukraine. Đây là nguyên nhân đất nước bị áp đặt lệnh trừng phạt từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Việc xem xét dỡ bỏ hay tiếp tục trừng phạt sẽ được tiến hành vào tháng 7 sắp tới.
Sự cô lập kinh tế cùng với giá cả dầu thô thấp đã gây áp lực lên đồng rúp. Hãng thông tấn Tass của Nga cho hay GDP nước này giảm 3,7% trong năm 2015. Tuy vậy, ông Mark Mobius không phải là người duy nhất nhìn thấy giá trị ở nước Nga.
“Khi bạn đề cập kinh tế Nga, điều tồi tệ ở phía sau chúng ta”, giám đốc điều hành Karine Hirn của hãng East Capital nói trên kênh CNBC, lưu ý rằng người tiêu dùng Nga đã phục hồi mạnh mẽ.
“Người Nga tiếp tục chi tiền. Ít hơn trước đây, nhưng họ vẫn đang chi tiêu”, bà Hirn nói, cho biết hãng East Capital đã đầu tư vào tiềm năng từ người tiêu dùng. “Thị trường Nga luôn là một trong những thị trường mới nổi đem lại lợi suất cao nhất và giờ đây, chính phủ cần tiền đang nói với các doanh nghiệp quốc doanh rằng hãy tăng tỷ lệ thanh toán từ 25% lên 50%”, bà Hirn cho hay.
Ý kiến của bà Hirn đưa ra vài ngày sau khi ngân hàng Credit Suisse thay đổi nhận định về thị trường Nga. Hôm 11.4, Credit Suisse cho biết cổ phiếu Nga đang được giao dịch với giá chỉ bằng 0,67 lần giá sổ sách, giảm 53% so với chỉ số MSCI Emerging Markets và đây là mức giá rẻ nhất của nước này kể từ tháng 9.1998, giữa những năm khủng hoảng tài chính châu Á gây ảnh hưởng các thị trường mới nổi toàn cầu.
Ngân hàng Thụy Sĩ cho rằng kinh tế Nga đã vượt qua thời điểm đen tối nhất, dự báo “suy thoái tiêu dùng” ở nước này sẽ kết thúc trong năm nay.
Ngược lại với hai nhà đầu tư Mobius, Hirn và ngân hàng Credit Suisse, nhiều người vẫn e ngại về thị trường Nga. “Mọi thứ vẫn còn gắn nhiều với dầu thô, đó là một câu chuyện về dầu mỏ”, chuyên gia ngoại hối và chiến lược tỷ giá Mitul Kotecha của ngân hàng Barclays cho biết.
Hồi năm 2013, tài nguyên thiên nhiên, gồm dầu thô, khí đốt và các loại hàng hóa khác, đóng góp khoảng 18,8% vào GDP Nga, theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB). Giá dầu đã giảm mạnh từ 120 USD/thùng năm 2012 xuống mức thấp nhất 29 USD/thùng trong năm nay.
Ngân hàng Barclays dự báo giá dầu trung bình ở ngưỡng 37 USD/thùng trong năm nay. Đây có thể giúp tiền tệ Nga phục hồi nhưng chuyên gia Kotecha cho rằng sẽ có nhiều biến động trên đường hồi phục của rúp Nga.
Bình luận (0)