Sức mua ô tô tại Việt Nam bất ngờ giảm mạnh bất chấp nhà sản xuất vẫn đang nỗ lực hạ giá bán, làm mới sản phẩm.
Sức mua bất ngờ giảm mạnh
Điệp khúc “giảm doanh số” liên tục được nhắc đến trong báo cáo bán hàng mới nhất vừa được Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố ngày 8.8.
Theo đó, bất chấp những nỗ lực hạ giá ô tô của một số nhà sản xuất và đại lý phân phối, doanh số bán ô tô của toàn thị trường trong tháng 7.2017 chỉ đạt 20.662 xe, giảm 15% so với tháng trước và giảm tới 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây được xem là mức doanh số bán xe thấp nhất của thị trường ô tô Việt trong 5 tháng gần đây.
Người tiêu dùng vẫn có tâm lý chờ đợi ô tô tiếp tục hạ giá
Cụ thể hơn, báo cáo bán hàng của VAMA, trong tháng 7 vừa qua lượng xe du lịch tiêu thụ trên thị trường chỉ đạt 11.195 xe, giảm 21%. Trong khi đó, mảng xe thương mại cũng không khấm khá hơn khi doanh số bán đạt 8.489 xe giảm 7% so với tháng trước.
Xét về nguồn gốc, sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 14.779 xe, giảm 14% so với tháng trước và lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt 5.883 xe, giảm 17%. Tất cả tạo nên bức tranh “ảm đạm” của thị trường ô tô Việt trong tháng mở màn cho giai đoạn cuối năm 2017.
Doanh số bán hàng Toyota Vios giảm mạnh, khiến khoảng cách giữa sedan hạng B này với các mẫu xe còn lại trong “top” 10 ô tô bán chạy nhất thị trường Việt Nam tháng 7.2017 dần thu hẹp.
Mức sụt giảm mạnh về doanh số bán của thị trường ô tô Việt Nam trong tháng 7.2017 được xem là một bất ngờ. Bởi thực tế, dù đang trải qua những cuộc biến động về giá bán xe nhưng trên thực tế trong thời gian qua thị trường chỉ tăng giảm nhẹ về doanh số. Mức chênh lệch về doanh số bán hàng của toàn thị trường qua từng tháng chỉ ở mức dưới 10%. Bên cạnh đó, thị trường ô tô Việt Nam chỉ có “thói quen” giảm mạnh vào tháng 7 âm lịch, khoảng thời gian thường rơi vào tháng 8 hoặc tháng 9 dương lịch hàng năm. Mặt khác, trong giai đoạn này các nhà sản xuất vẫn đang kiên trì với cuộc đua giảm giá bán đồng thời mang đến nhiều ưu đãi cho khách mua xe.
Lượng xe du lịch tiêu thụ trên thị trường VN trong tháng 7.2017 giảm 21% so với tháng trước đó
Tuy nhiên, theo lý giải của một số nhà sản xuất phân phối ô tô tại Việt Nam. Tâm lý chờ đợi của khách hàng đang tạo nên bức tranh u ám, bao phủ thị trường ô tô Việt trước thời điểm 2018. Trao đổi với Thanh Niên trong cuộc phỏng vấn gần đây, ông Phạm Văn Dũng - Tổng giám đốc Ford Việt Nam, cho rằng: “Thời gian gần đây, thị trường bắt đầu chững lại khi người tiêu dùng mang tâm lý chờ đợi thuế giảm và giá xe giảm. Người tiêu dùng có thể đang kỳ vọng, bước sang năm 2018, khi Việt Nam gia nhập AFTA, thuế nhập ô tô từ ASEAN vào Việt Nam sẽ giảm về 0%”.
Bên cạnh đó, việc Triển lãm ô tô Việt Nam 2017 diễn ra ngay đầu tháng 8, khiến những người tiêu dùng lên kế hoạch mua sắm ô tô cũng sẵn sàng chờ đợi tới triển lãm để có thể tiếp cận những mẫu xe mới với nhiều ưu đãi từ nhà sản xuất.
Người tiêu dùng đang chờ đợi những mẫu xe mới sẽ tung ra thị trường thời gian tới
Chính điều này góp phần khiến sức mua ô tô “hạ nhiệt”, doanh số bán hàng của các hãng xe theo đó cũng giảm mạnh. Theo số liệu từ VAMA, lượng tiêu thụ ô tô của các “ông lớn” như Toyota, Trường Hải (THACO), GM Việt Nam đều giảm trong tháng 7.2017. Tổng doanh số THACO giảm 6% so với tháng 6.2017, Toyota giảm tới 37% và GM giảm 8%. Doanh số của hãng xe sang Mercedes-Benz giảm tới 35%, trong khi đó Lexus cũng không khấm khá hơn khi giảm 15% doanh số bán hàng so với tháng trước.
7 trong số 10 mẫu ô tô bán chạy nhất thị trường Việt Nam tháng 6.2017 đều là xe Nhật, trong đó chiến thuật giảm giá bán giúp ô tô Toyota tiếp tục thống trị thị trường.
Người Việt không còn mặn mà xe hạ giá?
Tháng 7 vừa qua, hàng loạt chương trình giảm giá ô tô được các nhà sản xuất, đại lý phân phối áp dụng nhằm kích cầu. Tuy nhiên, động thái này vẫn chưa đủ sức “vực dậy” sức mua trên thị trường. Phải chăng người Việt đang dần “miễn nhiễm” với các chương trình giảm giá xe liên tiếp được tung ra (!?).
Nhiều mẫu ô tô tiếp tục giảm mạnh giá bán
Trên thực tế, thời gian qua xe tại Việt Nam giá xe hơi đã giảm mạnh thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng. Tuy nhiên, mức giảm lớn nhất chủ yếu tập trung ở các dòng xe đa dụng, xe có dung tích động cơ lớn. Khách hàng lên kế hoạch mua những dòng xe này lại mang tâm lý e ngại khi xe rớt giá quá nhanh, vì vậy vẫn đợi đến thời điểm giá xe giảm “sát sàn” mới xuống tiền.
Trong khi đó, những mẫu xe phổ thông hút khách như Toyota Vios, KIA Morning dù vẫn được nhà sản xuất áp dụng chương trình ưu đãi giá nhưng sức mua trên thị trường lại đang có dấu hiệu chững lại. Cụ thể, theo số liệu từ VAMA lượng xe Toyota Vios bán ra trong tháng 7.2017 chỉ đạt 1.548 xe, giảm tới 1.133 xe so với tháng 6.2017, dù được áp dụng chương trình ưu đãi phí trước bạ lên tới 30 triệu đồng. KIA Morning giảm 5 triệu đồng cho các phiên bản từ đầu tháng 7.2017 nhưng doanh số bán chỉ khá hơn vài xe so với tháng 6.2017. Trong tháng 7.2017 nhiều mẫu xe khác của Ford, Chevrolet, Mitsubishi… cũng được nhà sản xuất, đại lý giảm giá bán nhưng nhìn chung doanh số bán vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Ô tô giảm giá nhưng người mua vẫn ngại ngần
Theo lý giải của Giám đốc bán hàng một đại lý phân phối ô tô tại TP.HCM, thực tế các mẫu ô tô giảm giá vẫn thu hút người mua, nhiều khách hàng vẫn đến đại lý xem xe khi có thông tin giảm giá. Phần lớn khách hàng mua ô tô hiện nay đều bằng hình thức vay trả góp và phải chấp giấy đăng ký xe bản chính cho ngân hàng. Tuy nhiên, trong thời gian qua việc nhiều người lái ô tô bị cảnh sát giao thông xử phạt vì lỗi không có bản chính giấy đăng ký xe (cà vẹt) khi đi đường đã ảnh hưởng đến tâm lý của những người có ý định vay ngân hàng mua ô tô. Vì vậy dù xe có giảm giá nhưng việc người mua xe mới ngại ngần, dừng lại để nghe ngóng tình hình khiến doanh số bán hàng của thị trường ít nhiều bị ảnh hưởng.
Bình luận (0)