Thị trường ô tô Việt cuối năm ‘bỗng dưng chững lại’

12/12/2016 17:43 GMT+7

Được dự báo sẽ sôi động khi bắt đầu vào mùa bán hàng cuối năm, thị trường ô tô Việt tháng 11.2016 bỗng dưng chững lại với doanh số toàn ngành giảm 4% với với cùng kỳ năm ngoái.

Được dự báo sẽ sôi động khi bắt đầu vào mùa bán hàng cuối năm, thị trường ô tô Việt tháng 11.2016 bỗng dưng chững lại với doanh số toàn ngành giảm 4% với với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 11.2016 thời điểm “chạy đà” cho mùa bán hàng cuối năm, lượng ô tô bán ra tại Việt Nam đạt 28.442 xe. Trong số này, theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), xe du lịch chiếm 18.016 chiếc, xe thương mại 9.296 chiếc và còn lại là xe chuyên dụng chiếm 1.130 chiếc.
Như vậy, so với tháng trước, doanh số bán xe của toàn ngành chỉ tăng nhẹ 1%, đồng thời đứt mạch tăng trưởng từ năm ngoái đến nay khi lượng xe bán ra trong tháng 11.2016 giảm 4% so với tháng 11.2015. Đây được xem là điều khá bất ngờ, bởi thông thường vào thời điểm tháng 11 hàng năm, sức mua ô tô tại Việt Nam đều tăng mạnh, một phần nhờ vào những hiệu ứng của những kỳ triển lãm ô tô thường được tổ chức vào tháng trước đó, đồng thời tháng 11 cũng là thời điểm khởi đầu cho mùa bán hàng cuối năm. Chẳng đâu xa, lượng xe bán ra trong tháng 11 năm ngoái, đã tăng đến 33% so với thời điểm tháng 10.2015.
Doanh số bán ô tô 11 tháng của năm 2016 - Nguồn: VAMA
Xét theo nguồn gốc xuất xứ, cơ cấu lượng tiêu thụ ô tô nhập khẩu, lắp ráp trong nước tháng 11.2016 cũng có nhiều thay đổi. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ của xe lắp ráp trong nước đạt 21.961 xe, tăng 5,2% so với tháng trước trong khi số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc chỉ đạt 6.481 xe, giảm 12% so với tháng trước. Thông thường, lượng tiêu thụ ô tô nhập khẩu và lắp ráp trong nước có sự chệnh lệch lớn khi thị trường chịu tác động từ việc thay đổi chính sách, giá bán. Tuy nhiên, trong tháng 11.2016 hầu như thị trường không có sự biến động, ngoài việc Bộ Tài chính đã có công văn trong những ngày cuối tháng, yêu cầu Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế tăng cường quản lý, kiểm tra xuất xứ đối với ô tô nhập khẩu.
Ở mảng xe du lịch, các dòng sedan vẫn tạo được sức hút với người tiêu dùng khi chiếm doanh số 8.266 xe, lượng xe ở phân khúc SUV chiếm 3.466 xe. Các dòng xe hatchback và MPV cũng được người dùng lựa chọn nhưng chỉ chiếm doanh số lần lượt 1.908 và 1.359 xe. Trong khi đó, ở mảng xe thương mại, các dòng bán tải như Ford Ranger, Toyota Hilux hay Mazda BT-50… vẫn giúp phân khúc này khẳng định được chỗ đứng với lượng tiêu thụ đạt 2.067 xe.
Khách hàng vẫn mang tâm lý chờ đợi các chương trình khuyến mãi, giảm xe cuối năm để "sắm ô tô"
Với tổng cộng 10.001 xe bán ra trong tháng, Thaco vẫn dẫn đầu toàn ngành khi chiếm thị phần 38,1% thị phần. Toyota bán được 6.130 xe các loại, chiếm 23,3%. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Ford (2.585 xe), Honda (1.341 xe), GM Việt Nam (876 xe). Trong cuộc đua đến danh hiệu xe bán chạy nhất trong tháng, Toyota Vios tiếp tục bỏ xa các đối thủ với doanh số gần 2.500 xe, Fortuner đã có bước bứt phá mạnh mẽ với doanh số 1.219 xe để xếp ở vị trí thứ 4. Trong khi xếp ngay sau Vios lần lượt là Kia Morning (1.802 xe), Ford Ranger (1.256 xe).
Dù doanh số bán hàng của toàn ngành trong tháng 11.2016 giảm nhẹ so với tháng 11.2015. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ sau 11 tháng đã đạt 271.123 xe, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó vẫn còn một tháng nữa mới kết thúc năm 2016, thị trường ô tô Việt được dự báo sẽ vượt mốc sản lượng tiêu thị 300.000 xe. Đặc biệt là trong bối cảnh các đơn vị kinh doanh ô tô đang chạy đua giảm giá bán, tung các chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu doanh số trong tháng cuối năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.