Các luật sư chuyên về chống bán phá giá lẫn cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh đều khẳng định có thể kiện chống bán phá giá thép TQ cho dù Việt Nam chưa là thành viên WTO.
Thép Trung Quốc tràn ngập
Mỗi tháng Công ty gang thép Thái Nguyên bán ra thị trường 40.000 tấn thép cuộn, chiếm 30% thị phần phía Bắc. Vậy mà trong tháng 8, công ty này chỉ bán được 25.000 tấn. Ông Trần Trọng Mừng - Tổng giám đốc Công ty gang thép Thái Nguyên - cho biết nguyên nhân do thép cuộn TQ nhập khẩu có giá bán quá thấp. Cụ thể giá thép Thái Nguyên là 7.350.000 đồng/tấn trong khi giá thép TQ 7.000.000-7.100.000 đồng/tấn. Điều vô lý là giá bán thép thành phẩm của TQ chỉ bằng với giá bán phôi thép. Hiện các DN VN phải nhập hơn 80% phôi thép từ nước ngoài, cộng với các chi phí khác cho việc luyện thép nữa, thì giá thép thành phẩm phải cao hơn là chắc chắn. Theo ghi nhận của VSA, đã có khoảng 5.000 tấn thép cuộn TQ được tiêu thụ hết trong tháng 8 và đang có khoảng 10.000 tấn nữa được nhập về.
Trước tình hình này, Công ty gang thép Thái Nguyên đã phải giảm giá bán 100.000 đồng/tấn nhằm tiêu thụ bớt lượng hàng tồn kho, tiết giảm chi phí. Thế nhưng, việc giảm giá bán ra không phải công ty nào cũng thực hiện được. Ông Trần Trọng Mừng thừa nhận sở dĩ công ty chủ động được việc giảm giá do tự sản xuất đến 70% số lượng phôi thép. Còn phần lớn các DN sản xuất thép khác phải nhập khẩu phôi thép từ nước ngoài thì rất
Ông Trần Anh Sơn, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh: "Để kết luận thép cuộn nhập khẩu có xuất xứ từ TQ bán phá giá hay không, cơ quan điều tra chống bán phá giá của VN cần phải tiến hành các bước điều tra cần thiết, thu thập thông tin, số liệu thống kê, tính toán giá xuất khẩu, giá trị thông thường của hàng hóa và tất cả các bước này cần phải tuân thủ đúng các thời hạn theo luật định". |
Nhu cầu thép xây dựng cả nước đang ở khoảng 4 triệu tấn/năm, trong khi ngành luyện cán thép đã có công suất lên đến 7 triệu tấn/năm. "Nếu tình hình này kéo dài thì ngành thép trong nước rất bi đát. Bởi, không loại trừ cả khả năng thời gian tới thép cây TQ cũng tràn vào. Khi đó nhiều DN sẽ lao đao", ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA, nói.
Có thể kiện bán phá giá?
Luật sư Lê Công Định, một chuyên gia về chống bán phá giá của Văn phòng luật sư DC Lawyers, khẳng định: "Các DN hoàn toàn có thể kiện bán phá giá bất kỳ loại hàng hóa nhập khẩu nào vào VN theo pháp luật của mình. Không thể nói chỉ có thể kiện được khi đã là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trong vụ thép nhập khẩu TQ, DN có thể kiện, miễn là đầy đủ chứng cứ hợp pháp". VSA đã làm việc với Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Thương mại để xem xét các khả năng pháp lý cho một vụ kiện chống bán phá giá.
Ông Trần Anh Sơn - Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cũng xác định: "Với khung pháp lý hiện có của Việt Nam, DN có thể kiện chống bán phá giá nếu có những bằng chứng xác thực, thực hiện trình tự, thủ tục pháp lý đầy đủ. Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý: Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá phải là đại diện cho ngành sản xuất trong nước (đại diện này phải có lượng hàng hóa do họ sản xuất hoặc đại diện chiếm ít nhất 25% tổng khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa tương tự của ngành; lượng hàng hóa của các nhà sản xuất trong nước ủng hộ việc yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá phải lớn hơn lượng hàng hóa của các nhà sản xuất trong nước phản đối áp dụng chống bán phá giá).
Tr.B - M.P
Bình luận (0)