Thị trường vàng nổi sóng trước giờ G

22/03/2024 06:35 GMT+7

Hôm qua, thị trường vàng biến động bất thường với biên độ tăng, giảm hàng triệu đồng/lượng. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục nhắc nhở, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thanh kiểm tra thị trường vàng cũng như xem xét, sửa đổi quy định quản lý thị trường vàng. Thời hạn cuối là trong tháng 3 này phải báo cáo, đề xuất giải pháp.

Liên tục biến động bất thường

Ngày 21.3, giá vàng miếng SJC giảm mạnh 1,2 - 1,4 triệu đồng/lượng bất chấp giá vàng quốc tế tăng cao. Sau khi tăng giá bán vàng miếng lên 82 triệu đồng/lượng vào đầu giờ sáng, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC đã liên tục có nhiều lần giảm giá, mức mua vào xuống còn 78,8 triệu đồng và bán ra 80,8 triệu đồng/lượng. Tập đoàn Doji cũng liên tục giảm giá bán từ 81,9 triệu đồng xuống 80,5 triệu đồng/lượng và chiều mua vào từ 79,9 triệu đồng xuống 78,5 triệu đồng/lượng…

Thị trường vàng nổi sóng trước giờ G- Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng

NGỌC DƯƠNG

Tương tự, giá vàng nhẫn cũng được các đơn vị kinh doanh điều chỉnh tăng giảm liên tục trong ngày. Cụ thể, vàng nhẫn sau khi tăng mạnh 1,5 triệu đồng/lượng vào đầu ngày thì nhanh chóng quay đầu đi xuống. Đến cuối ngày, vàng nhẫn 4 số 9 tại SJC được mua vào 68,55 triệu đồng, bán ra 69,95 triệu đồng/lượng; Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 69,28 triệu đồng, bán ra 70,58 triệu đồng/lượng…

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới, nhận xét giá vàng trong nước ngày 21.3 chịu sự tác động từ những thông tin từ Công điện số 23 của Thủ tướng Chính phủ ngày 20.3 yêu cầu các cơ quan, bộ ngành tổng kết, sửa đổi Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng (NĐ 24). Nhằm hạn chế rủi ro, giới kinh doanh vàng đã liên tục giảm giá vàng để bán ra. Lượng bán và việc điều chỉnh giá bán của doanh nghiệp (DN) nhằm đón đầu động thái của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tâm lý thị trường hiện nay chờ giải pháp từ NHNN mới có xu hướng tăng, giảm cụ thể. Trường hợp NHNN ra thông tin chính thức thì lúc này khả năng giá sẽ giảm mạnh.

Biến động vàng ngày 22.3: Giá vàng 'bốc hơi' 1,5 triệu đồng trong ngỡ ngàng

Đây không phải là ngày biến động hiếm hoi của giá vàng. Kể từ cuối năm 2023 đến nay, thị trường vàng liên tục chứng kiến những đợt biến động bất thường, bất kể hàng loạt chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến việc kiểm tra hay sửa đổi NĐ 24. Thậm chí, giá vàng trong nước nhiều thời điểm hoàn toàn trái ngược với giá kim loại quý trên thị trường quốc tế.

Chẳng hạn, cuối năm 2023, sau khi Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu các cơ quan, bộ ngành tăng cường quản lý thị trường vàng, tổng kết sửa đổi NĐ 24 thì ngay lập tức vàng lao dốc đến 5 triệu đồng mỗi lượng sau khi đạt mức cao 80 triệu đồng, xuống 73 - 76 triệu đồng/lượng. Điều này kéo giá vàng trong nước từ mức cao hơn thế giới 19 - 20 triệu đồng/lượng rút ngắn xuống 13 - 14 triệu đồng/lượng. Nhưng sang đầu năm 2024, khi NHNN chưa có thông tin cụ thể thì giá vàng trong nước lại đẩy khoảng cách cao hơn thế giới từ 17 - 18 triệu đồng/lượng…

Tính chung từ tháng 6.2023 đến nay, Chính phủ đã có 9 văn bản chỉ đạo, đôn đốc NHNN và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát hoạt động thị trường vàng. Nhưng trong quãng thời gian đó, giá vàng nhào lộn liên tục khiến người dân muốn mua cũng sợ, người bán thì vẫn kỳ vọng thị trường đang lên cao. Đó là chưa kể trong đầu tháng 3, giá USD trên thị trường tự do tăng vọt cũng được nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng một phần nguyên nhân là do tình trạng gom USD để nhập lậu vàng nhằm hưởng chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới.

Sẽ bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng ?

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 23 ngày 20.3 yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, chiều tối cùng ngày, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã họp với NHNN và các bộ, ngành về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thị trường vàng.

Song song với việc bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng thì NHNN cũng phải cho phép các doanh nghiệp được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Điều này sẽ giúp nguồn cung gia tăng, đảm bảo cung - cầu ổn định hơn và sẽ kéo chênh lệch giá trong nước với thế giới đi xuống. Đồng thời chênh lệch giá mua - bán cũng thu hẹp lại.


TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính

Tại cuộc họp này, NHNN đã đề xuất bỏ cơ chế nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số DN đáp ứng đủ điều kiện. Đồng thời, NHNN sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Việc xóa bỏ cơ chế nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng sẽ phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, tăng cung vàng miếng trên thị trường, giải quyết được vấn đề chênh lệch giá.

Nội dung mà NHNN đề xuất cũng là ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế thời gian qua. Bởi thực tế, quy định NHNN được giao tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng theo NĐ 24. Công ty SJC được chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia, tức trên thị trường chỉ còn duy nhất thương hiệu vàng miếng là nguyên nhân giá vàng miếng cứ "một mình một chợ" và ngày càng chênh lệch lớn với thế giới. 

Theo các chuyên gia, thời điểm quy định này ra đời là phù hợp và đã giảm được tình trạng "vàng hóa" trong nền kinh tế. Tuy nhiên, đến nay tình hình kinh tế đã quá khác. Nếu vẫn duy trì NĐ 24 với tình trạng "độc quyền" sản xuất vàng miếng SJC thì chênh lệch giá trong và ngoài nước ngày càng lớn. Đồng thời, có thể gây ra tình trạng buôn lậu gia tăng, ảnh hưởng đến chính sách tỷ giá của chính NHNN.

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, đánh giá đề xuất bỏ quy định độc quyền vàng của NHNN là phù hợp. Trước đây khi thị trường có nhiều thương hiệu vàng miếng thì người dân có nhiều lựa chọn. Nhiều đơn vị kinh doanh trực thuộc các NH vốn có tiềm lực tài chính và đã tạo dựng được niềm tin của khách hàng. Hơn nữa, với sự tham gia của nhiều thương hiệu vàng nên chênh lệch giá mua - bán không quá cao như hiện tại.

"Tôi cho rằng bỏ quy định nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng trong NĐ 24 là phù hợp. Trong đó cấp phép cho một số NH lập công ty con trực thuộc để tham gia sản xuất, kinh doanh vàng bạc thì sẽ tạo ra sự cạnh tranh hơn, thu hẹp chênh lệch giá mua bán trong nước", TS Đinh Thế Hiển nói.

Hiệp hội Kinh doanh vàng VN (VGTA) nhận định, sau hơn 11 năm tồn tại thì NĐ 24 cần sửa đổi, vì không còn phù hợp với diễn biến của thị trường ở thời điểm hiện tại. Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị NHNN sửa đổi NĐ 24 nhưng chưa được chấp thuận.

Cần giải pháp dài hơi

Thị trường vàng nổi sóng trước giờ G- Ảnh 2.

Đồng tình với đề xuất của NHNN, nhưng chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề KT-XH, cho rằng việc sửa đổi NĐ 24 mới chỉ là giải pháp ngắn hạn, mang tính đối phó với thị trường. Bởi khi kinh tế toàn cầu bất ổn thì giá vàng sẽ biến động mạnh. Điều này từng diễn ra nhiều lần trong quá khứ, do vậy cần phải có quan điểm rõ ràng hơn về thị trường vàng. Trong đó, việc người dân tích trữ vàng như một tài sản là bình thường và nhà nước có trách nhiệm bảo vệ. Nhưng để tránh vàng làm ảnh hưởng chính sách tỷ giá, ngoại hối thì phải hướng đến việc tạo ra thị trường giao dịch vàng như một sàn giao dịch hàng hóa.

"Nếu chỉ tăng thêm số lượng DN sản xuất vàng miếng ngoài SJC thì về cơ bản cũng không tạo ra được sự liên thông giữa VN và thế giới. Từ đó cũng khó kéo mạnh chênh lệch giá trong nước và thế giới như mong muốn", ông Minh nhấn mạnh.

Từ góc nhìn đó, chuyên gia Đinh Tuấn Minh đề xuất VN cần xây dựng thị trường vàng hiện đại để phục vụ nhu cầu giao dịch, mua bán của người dân. Trên đó, người tham gia giao dịch sẽ mua bán tín chỉ vàng do nhà nước phát hành hoặc giao dịch kỳ hạn. Việc giao dịch này hoàn toàn không ảnh hưởng đến số lượng vàng vật chất nên không tác động đến ngoại hối, chính sách tỷ giá. Thị trường giao dịch vàng như giao dịch dầu, cà phê… 

Trong khi đó, hoạt động xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu, vàng vật chất nói chung hay nữ trang nói riêng… tách ra thành một quy định khác. Nhà nước cũng không nên quy định theo hướng độc quyền hay quản lý bằng hạn ngạch. Có thể cấp phép cho các đơn vị đảm bảo điều kiện theo quy định cũng như quản lý thị trường xăng dầu. Việc xuất nhập khẩu sẽ do các đơn vị này chủ động theo cung - cầu của thị trường. Nhà nước chỉ tập trung quản lý, kiểm soát số lượng nhập khẩu đúng, đủ. Đồng thời có sự quản lý, kiểm soát về mặt chất lượng đưa ra thị trường.

"Nếu có sàn giao dịch vàng, số lượng người dân tích trữ vàng vật chất sẽ không quá nhiều. Giao dịch trên sàn thì sẽ liên thông với thế giới và từ đó chênh lệch sẽ không quá cao như hiện nay", ông Minh khẳng định.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, đồng tình rằng để thị trường vàng VN phát triển ổn định thì việc bỏ quy định nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là khi cho các DN tham gia sản xuất vàng miếng thì phải cho phép họ nhập khẩu vàng nguyên liệu. Bởi nếu cho DN sản xuất mà NHNN vẫn độc quyền nhập khẩu nguyên liệu hay nói cách khác, "van" vẫn bị đóng thì việc bỏ độc quyền sản xuất không thể đạt hiệu quả là kéo chênh lệch giá vàng trong nước về sát giá thế giới.

"Song song với việc bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng thì NHNN cũng phải cho phép các DN được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Điều này sẽ giúp nguồn cung gia tăng, đảm bảo cung - cầu ổn định hơn và sẽ kéo chênh lệch giá trong nước với thế giới đi xuống. Đồng thời chênh lệch giá mua - bán cũng thu hẹp lại. Tuy nhiên việc này có thể tác động đến dự trữ ngoại hối, tỷ giá hối đoái thì có thể điều tiết bằng số lượng nhập khẩu hằng năm. Việc ấn định quota sẽ do NHNN quyết định hằng năm tùy theo tình hình thị trường vàng cũng như liên quan đến tỷ giá, dự trữ ngoại hối...", TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất. 

Việc bỏ quy định độc quyền sản xuất vàng miếng của nhà nước, thị trường sẽ giao dịch nhiều hơn. Nhưng chỉ riêng điều đó cũng chưa chắc có thể kéo được chênh lệch giá trong nước với thế giới xuống thấp như mong muốn. Vậy xem xét liệu có xảy ra tình trạng hút dòng tiền đầu cơ hay không? Quan trọng nhất vẫn là hoạt động nhập khẩu vàng miếng như thế nào? Nếu bỏ độc quyền sản xuất thì có thể lựa chọn cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu theo hạn mức quy định.

TS Nguyễn Đức Độ (Phó viện trưởng Viện Kinh tế - tài chính, Học viện Tài chính)

Khi sửa NĐ 24, cần bỏ độc quyền vàng miếng, cho phép các DN tham gia sản xuất vàng miếng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nên cho phép các đơn vị có giấy phép sản xuất được nhập khẩu vàng nguyên liệu nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, hài hòa bình ổn thị trường, tránh chênh lệch giá trong và ngoài nước quá cao. Không những vậy, nhà nước còn thu được thuế, DN cũng minh bạch báo cáo tài chính rõ ràng hơn về nguồn vàng nguyên liệu đã mua vào. Thế nhưng ở đây, NHNN chỉ cấp hạn mức nhập khẩu cho DN để kiểm soát trong một giới hạn nhất định, điều tiết thị trường vàng và ngoại tệ, tránh gây áp lực lên tỷ giá. Việc cho phép DN nhập khẩu vàng chính thức sẽ dễ quản lý thị trường hơn, thay vì việc cấm thì có thể xuất hiện vàng nguyên liệu không có nguồn gốc, tác động lên tỷ giá tự do.

TS Nguyễn Hữu Huân (ĐH Kinh tế TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.