Sôi nổi khắp thôn, xã
Các hoạt động giao lưu, thi đấu được tổ chức rộng khắp trên tất cả các thôn, xã; từ bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, bơi lội. Đi đâu cũng thấy không khí hội hè, vì thế Lệ Thủy như một sân chơi khổng lồ. Dịp này, người Lệ Thủy xa quê và du khách thập phương cũng đổ về, nô nức giao hòa trời đất.
Để có một mùa lễ hội ý nghĩa, đầu tháng 7, UBND huyện đã ra kế hoạch về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 68 năm cách mạng Tháng tám và Quốc khánh 2.9. Năm nay cũng là kỷ niệm 10 năm lễ hội bơi đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang được công nhận lễ hội văn hóa-thể thao cấp tỉnh (2003-2013).
Điểm nhấn là lễ hội bơi đua truyền thống trên sông Kiến Giang vào sáng 2.9. Đây là cuộc đấu oai hùng nhất của trai bơi và nữ đua, nó thể hiện danh dự, uy tín của các làng. Vì thế, trước lúc xung trận, đội nào cũng tập luyện miệt mài; sông Kiến Giang giờ đã chộn rộn tiếng “hồ tróc, hộ tróc” hay “hôi lên là hôi lên” từ các đò.
Trước khi vào thi đấu, sẽ có màn diễu hành bằng ca nô của các cơ quan, đơn vị và các đò bơi đua. Khu vực mũi viết sông Kiến Giang được chọn làm điểm buông phao (xuất phát). Sau khi buông phao, các đò bơi đua phải qua cầu Kiến Giang theo gian cầu quy định để đảm bảo trật tự, an toàn. Đò nào không đi đúng quy định hoặc có hành vi cản trở các đò khác khi đi qua cầu Kiến Giang, ban tổ chức sẽ không tính thành tích khi xếp giải. Năm nay có 20 đò bơi (nam), 8 đò đua (nữ) tham gia; đò đua thi đấu 1 lượt vào sáng 2.9, đò bơi thi đấu 2 vòng; cụ thể, vòng loại vào sáng 30.8 được chia thành 2, mỗi bảng chọn 5 đò có thành tích từ thứ 1 đến thứ 5 để vào thi đấu chung kết hạng A, các đò xếp từ thứ 5 đến thứ 10 vào thi đấu chung kết hạng B vào sáng ngày 2.9.
Điều đặc biệt của hội bơi đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang là tổng chiều dài lên đến 24 km nhưng các đò vẫn lướt đi với tốc độ nhanh, thể hiện sự cường tráng cũng như kỹ thuật của các tay chầm. Người xem đứng ken đặc hai bên bờ sông, mỗi lần đò đi qua, nhất là đò của quê mình lại vang lên tiếng hò hét dậy sóng cả một khúc sông.
|
Tiếp cận đò “độc”
Những năm gần đây, đò bơi của làng An Xá (xã Lộc Thủy, quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp) nổi lên như một tượng đài bất khả chiến bại. Và những ngày chuẩn bị bước vào cuộc tranh tài năm nay, chúng tôi đã về An Xá với hy vọng hé lộ được phần nào bí quyết.
Tiếp chúng tôi tại trụ sở, Chủ nhiệm HTX An Xá Võ Đình Tuấn không giấu sự tự hào khi nói: “Từ 2005 đến nay, đò chúng tôi luôn giật nhất nhì, chỉ có năm 2007 là về thứ 4; đặc biệt, 4 năm liên tiếp từ 2009-2012 luôn đứng vị trí dẫn đầu. Chúng tôi đang quyết tâm giành kỷ lục 5 năm liên tiếp”.
Nhiều lời đồn đoán rằng, An Xá về nhất như thế là nhờ chiếc đò “độc” do một nghệ nhân người Tuyên Hóa đóng quyết định. Tuy nhiên, luận đi luận lại và qua thực tiễn, anh Tuấn bảo, đò chỉ quyết định khoảng 40 phần trăm, còn chủ yếu do trai bơi. Anh Tuấn lý giải: “Chúng tôi có đò tập riêng nhưng lúc tập thì An Xá cũng thắng các đội khác. Và họ tưởng đò tập là đò chúng tôi sử dụng khi thi đấu chính thức, tuy nhiên khi chúng tôi đổi đò cho họ để thi thử thì chúng tôi cũng giành chiến thắng, thậm chí thắng xa. Quan trọng là kỹ thuật và sức trai, nếu đò có hay mấy nhưng bơi được nửa đường hết sức thì cũng bằng không”. Một yếu tố khá quyết định nữa là sự đồng thuận, tính đoàn kết của cán bộ thôn, HTX, nó như một liều thuốc tinh thần cho trai bơi, nữ đua; ngược lại, trên hục hặc nhau thì dưới cũng chểnh mảng.
Việc tập luyện của các trai bơi, nữ đua của An Xá rất bài bản. Từ ngày 22-25, tập 2 tiếng trong thời gian từ 15-17 giờ, từ ngày 25 đến khi thi đấu thì tập 2 buổi. Khi tập 1 buổi, mỗi vận động viên được hưởng 60.000 đồng ngoài ăn uống, còn khi tập cả ngày thì nâng lên 100.000 đồng. Trưởng thôn Bùi Hữu Sơn cho biết thêm: “Ngoài những vận động viên chính thức còn có 10 người dự bị, tất cả được tập luyện, hưởng chế độ như nhau. Ai cũng phải tuân thủ quy định tập luyện, nếu chúng tôi phát hiện trong thời gian đó mà người nào uống rượu say xỉn là cho nghỉ ngay. Và khi tập cũng như thi đấu, hễ kêu tên ai thì người đó mới xuống đò chứ không có chuyện tranh giành lộn xộn. Trước kia, nhiều người tập luyện, thi đấu không nghiêm túc nhưng cũng xuống đò theo kiểu mạnh ai nấy xuống, làm ảnh hưởng thành tích chung của đội”.
Cái đích mà người miền sông nước này muốn đó là có một đợt sinh hoạt, vui chơi ý nghĩa mừng tết Độc lập của dân tộc, kỷ niệm ngày mất của Bác Hồ và tạo hứng khởi lao động cho mùa vụ tới. Bởi nguyên bản lễ hội đua xuất phát từ việc cầu mùa, cầu mưa thuận gió hòa cho nước sông Kiến Giang đầy tỏa vào đồng ruộng sinh sôi chim cá sau mấy tháng hè khô cạn.
Trương Quang Nam
Bình luận (0)