Thi tuyển sinh ĐH, CĐ: Chiến thuật tiến - lùi khi làm bài thi

02/07/2013 03:05 GMT+7

Ngày 3.7, các thí sinh dự thi khối A, A1 và V sẽ làm thủ tục tham dự kỳ thi ĐH. Các chuyên gia nhiều kinh nghiệm chia sẻ với thí sinh những lưu ý khi làm bài thi để đạt kết quả tốt nhất.

Thi tuyển sinh ĐH, CĐ: Chiến thuật tiến - lùi khi làm bài thi

Thí sinh chỉnh sửa giấy báo thi trong ngày 1.7 tại Trường ĐH Sài Gòn  - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Trở lại sau với những phần không đủ tự tin

Toán được xem là môn quan trọng nhất vì là môn chủ lực ở khối A và A1, chưa kể khối V cũng có môn này. Theo thạc sĩ Phạm Hồng Danh, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, hằng năm, số lượng thí sinh (TS) đạt điểm tối đa môn toán không nhiều vì vẫn mắc sai sót khi làm bài. Vì vậy, cần cẩn thận làm bài để hạn chế được càng nhiều sai sót càng tốt.

 

Chọn vị trí ngồi thích hợp khi thi môn vẽ

Theo các chuyên gia, rất nhiều TS thi môn năng khiếu khối V mà không nắm rõ mình sẽ phải thi những vấn đề gì. Đề thi thường có 2 phần. Phần một vẽ tĩnh vật: một cái quạt, nón, giỏ trái cây... hoặc vẽ tượng thạch cao. Phần hai vẽ bố cục tạo hình. Ngoài những đề thi đơn giản, đôi khi, đề thi còn liên hệ đến những cảnh đẹp, hiện tượng thiên tai như lũ lụt, sóng thần... và yêu cầu TS dùng bố cục hình mảng để thể hiện bức tranh. Theo ông Trương Ngọc Ẩn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, TS thi môn vẽ cần có kỹ năng vẽ và nắm rõ được nguyên tắc về bố cục, dựng hình, đánh bóng... và môn vẽ khối V ở trường này chỉ có vẽ đầu tượng. Vì vậy, trong quá trình luyện tập trước đó, TS cũng cần phải nắm về việc vẽ đậm, nhạt, diễn tả ánh sáng, đánh bóng mẫu tượng... Cũng cần lưu ý chọn vị trí ngồi nhìn mẫu làm sao cho thoải mái để vẽ dễ dàng và phát huy được sở trường (vẽ nghiêng, thẳng, xéo...) của mình.

Cụ thể, phải đọc đề kỹ trước khi bắt đầu làm bài, tuyệt đối tránh tình trạng hiểu sai đề. Làm bài theo nguyên tắc: chọn những câu dễ làm trước. TS nên thực hiện các phép biến đổi cẩn thận và chậm rãi ngay trong bài thi nếu bài toán đã có hướng giải quyết đúng. Chỉ dùng giấy nháp để thử và tìm ra các phương pháp giải khi chưa biết chắc cách giải đó có đi đến kết quả hay không.

Về cấu trúc đề thi môn toán, ở phần chung, câu I, việc khảo sát hàm số và vẽ đồ thị, TS cần hết sức lưu ý việc tính đúng đạo hàm. Câu II, để giải tốt bài toán phương trình lượng giác và bài toán liên quan đến phương trình, bất phương trình, hệ bất phương trình đại số, ngoài việc thuộc nhuần nhuyễn các công thức, TS cần nghĩ đến 2 phương pháp giải chủ yếu: đặt nhân tử chung và đặt ẩn phụ. Với bài toán tích phân ở câu III, TS thi khối D nên chú ý đến phương pháp tích phân từng phần, thi khối A và B thì phải chú ý thêm phương pháp đổi biến.

Câu IV, với bài toán hình học không gian, nếu không giải được bằng phương pháp hình học thuần túy TS nên tìm cách đưa hệ trục tọa độ vào để chuyển thành bài toán hình giải tích trong không gian. Câu V là câu khó nhất, thường là câu bất đẳng thức hoặc tìm giá trị max hay min. Nếu không thật sự tự tin, TS nên bỏ qua, có thể quay lại bài này sau khi đã giải quyết những bài toán khác và còn thời gian.

Ở phần riêng, câu VI là một bài toán hình học giải tích trong mặt phẳng và một bài toán hình học giải tích trong không gian. Hai câu này không quá khó, nếu thuộc lý thuyết và biết vận dụng một cách thích hợp, TS có nhiều khả năng để giải quyết được. Đặc biệt nên ôn lại phần đường thẳng, đường tròn và elip. Câu VII, đề sẽ chọn ra một trong các dạng bài toán: số phức, giải tích tổ hợp, hệ phương trình hoặc bất phương trình mũ logarit, hàm phân thức hữu tỉ dạng bậc hai trên bậc nhất nên cần chú ý ôn lại các nội dung trên. Từ năm 2009 đến nay, câu VIIa luôn luôn là câu hỏi về số phức.

Tạm bỏ qua những câu rắc rối

Theo ông Nguyễn Đức Hiệp, giáo viên Trường học trực tuyến Sài Gòn, TS nên xem lại một số phần quan trọng sau: Nắm rõ các định luật vật lý, định nghĩa, công thức một cách chính xác; Nắm rõ các số liệu, định cỡ và ước lượng các giá trị, so sánh chúng với các giá trị khác đã biết; Cần để ý đến tính hợp lý của kết quả; Khi giải các bài toán, cần xem kết quả, đơn vị có hợp lý không, có phù hợp với thực tế không; Chú ý đến các hiện tượng vật lý và ứng dụng trong thực tế...

Khi làm bài thi trắc nghiệm, đọc kỹ phần dẫn của câu hỏi, tránh các "bẫy" gây nhiễu (đề bài có thể cho những dữ kiện không cần thiết). Chú ý các từ phủ định như “không”, “không đúng”, “sai”... khi đọc phần dẫn của câu hỏi trắc nghiệm. Cần đọc cả 4 phương án trình bày trong phần lựa chọn, tránh những trường hợp vừa đọc được một phương án đã cảm thấy đúng ngay mà không đọc các phương án tiếp theo. Hết sức khẩn trương, tiết kiệm thời gian, biết tạm bỏ qua những câu rắc rối, để chuyển sang làm những câu khác dễ hơn rồi quay trở lại làm những câu đó sau. Khi thời gian làm bài thi gần hết mà còn một số câu chưa giải quyết xong, nên quyết đoán nhanh phương án trả lời cho tất cả các câu.

Làm phần Reading cuối cùng

Theo bà Lê Thị Thanh Xuân, giáo viên tiếng Anh tại các trung tâm luyện thi ở TP.HCM, nói chung bài thi tiếng Anh khối A1 có mức độ dễ hơn khối D, cả về cấu tạo, cấu trúc từ, cấu trúc ngữ pháp. Đề thi không vượt quá khả năng học sinh có học lực khá. Về quá trình làm bài, cần tập trung làm những câu rời về cấu trúc trước. Sau đó dành thời gian làm bài reading (đọc) vì nếu làm phần này trước, TS thấy khó sẽ chững lại, mất tinh thần để làm các câu khác.

Thi tuyển sinh ĐH, CĐ: Chiến thuật tiến - lùi khi làm bài thi1

Đăng Nguyên - Hà Ánh

>> Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ: Không ra đề ở những phần giảm tải
>> Thi tuyển sinh ĐH-CĐ: Coi chừng những điều nhỏ nhặt!
>> Chuẩn bị thi tuyển sinh ĐH, CĐ: Nhiều quy định chưa được thống nhất !

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.