Dưới đây là phần chia sẻ cũng như những lưu ý của cô Phùng Thị Ngọc Mai, Tổ trưởng bộ môn ngữ văn của Phòng GD-ĐT quận 1 (TP.HCM), dành cho những thí sinh chuẩn bị thi tuyển sinh lớp 10. Những lưu ý này sẽ giúp thí sinh biết cách làm bài thi hiệu quả và tránh những sai sót thường gặp.
Những lưu ý "bỏ túi" giúp thí sinh lấy điểm
Thứ nhất, trước khi làm bài, các em phải đọc kỹ đề thi. Trong những năm trước, dung lượng đề thi thường khá dài nên thí sinh cần dành khoảng 5 phút đọc hết đề thi và quan sát yêu cầu của từng câu, xem đề có chủ đề hay không, nếu có thì thường chủ đề này sẽ xuyên suốt cả đề thi từ câu 1 đến câu 3. Nếu đề thi có chủ đề thì việc đầu tiên là phải bám sát nó.
Theo cấu trúc, phần thứ nhất trong đề thi thường là phần đọc hiểu nên thí sinh cần đọc kỹ ngữ liệu, cầm sẵn bút trên tay và đánh dấu trong đề thi những yếu tố liên quan đến yêu cầu của đề, ví dụ như yếu tố tiếng Việt, nội dung, nhan đề, yêu cầu độ dài của bài viết… Nếu câu hỏi yêu cầu số dòng (hoặc số chữ) thì thí sinh nên tính toán viết vừa đủ, không dài hơn và cũng không ngắn hơn quá nhiều vì các em có thể bị trừ điểm bởi lỗi này.
Sau khi đã đọc kỹ và bám sát đề bài, thí sinh nên trả lời lần lượt từng câu ngắn gọn, súc tích và đủ ý, không nên viết rườm rà, dài dòng.
Thứ hai, về câu nghị luận xã hội, đề thi thường sẽ có ngữ liệu hoặc theo chủ đề xuyên suốt. Với dạng bài này, học sinh phải nắm được những thao tác quan trọng gồm: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận.
Bố cục của bài nghị luận sẽ gồm 3 phần: Phần giới thiệu phải đưa được các vấn đề nghị luận vào; Phần thân bài phải triển khai được các bước ví dụ như giải thích, phân tích các biểu hiện và đưa dẫn chứng vào, sau đó là bàn luận, mở rộng vấn đề. Cuối cùng là phần kết bài thì các em cần liên hệ bản thân.
Với phần nghị luận, thí sinh không nên quá đặt nặng vấn đề nghị luận tư tưởng hay nghị luận hiện tượng xã hội, đời sống. Thực tế, nhiều thí sinh lúng túng vì không biết đề thi thuộc dạng nào nên chỉ cần làm đúng các thao tác của dạng đề nghị luận là được. Quan trọng nhất là các em phải đưa ra dẫn chứng sát thực, làm rõ được vấn đề, không mơ hồ và chung chung.
Thí sinh cũng không nên đoán “đề tủ” vì thực tế có rất nhiều vấn đề mình không thể nào “tủ” được hết. Quan trọng là học sinh chỉ cần nắm kiến thức, cách làm bài thì bất kể đề ra thế nào cũng có thể chủ động làm tốt.
|
Phần thứ 3 trong đề thi là phần nghị luận văn học, thường chiếm 4 điểm. Để làm bài thi tốt, các em nên ôn tập theo chủ đề, ví dụ như chủ đề người lính, người phụ nữ, người lao động mới, thiên nhiên… Khi ôn theo chủ đề, thí sinh dễ dàng tìm được nhiều dẫn chứng ở nhiều bài khác nhau, gúp bài làm phong phú hơn.
Khi làm phần phần nghị luận văn học, các em nên chú ý phần liên hệ và đề bài yêu cầu gì. Dù phần này thường chỉ chiếm 1 điểm trong tổng 4 điểm của phần nghị luận văn học và mang tính chất phân loại thí sinh nhưng không nên vì vậy mà làm sơ sài.
Ngoài ra, đề thi môn văn thường sẽ có đề thi số 2. Nhiều giáo viên thường dặn học sinh bỏ qua đề này vì cho rằng nó khó hơn, để phân loại và dành cho những học sinh giỏi. Nhưng không hẳn, khi vào phòng thi các em nên xem cả hai, thấy đề nào phù hợp hơn, nắm bài tốt hơn thì làm.
Tránh những lỗi dễ gây mất điểm
Những lỗi vấp nhiều nhất là thí sinh thường không đọc đề kỹ, nên dễ làm sót ý và bị mất điểm. Ví dụ, trong phần tiếng Việt đề yêu cầu “tìm phép liên kết và thành phần biệt lập”, nhưng vì đọc đề qua loa nên các em chỉ làm phần phép liên kết, bỏ quan yêu cầu “thành phần biệt lập”. Đây lỗi sai mà các em thường gặp rất nhiều, dẫn đến mất điểm không đáng có.
Lỗi thứ 2, trong phần nghị luận xã hội, khi tìm các dẫn chứng, thí sinh thường đưa vào những dẫn chứng không có giá trị, không sát thực, không sát với yêu cầu đề bài nên không lấy được điểm.
Trong nghị luận văn học, các em thường vấp phải lỗi kể lại câu chuyện, giải thích đoạn thơ… trong khi đề bài không hề yêu cầu, như vậy các em đã sai thao tác lập luận.
Ngoài ra, những lỗi nhỏ khác cũng dễ khiến các em mất điểm như: lỗi diễn đạt, dùng từ, trình bày cẩu thả. Bên cạnh đó, thí sinh cần trình bày bài làm sạch sẽ, viết một màu mực, tránh viết 2-3 màu mực trong một bài thi, không bôi xoá lung tung, không tạo những ký hiệu đặc biệt trong bài làm và cố gắng không bỏ sót câu nào.
Để bài thi đạt điểm tốt nhất, các em phải biết cân đối thời gian cho từng câu. Phần đọc hiểu chỉ nên làm từ 10-15 phút, nghị luận xã hội nên làm trong vòng 20-30 phút và còn lại dành cho nghị luận văn học trong bài thi môn ngữ văn của kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Bình luận (0)