Theo thầy Đỗ Văn Bảo, giáo viên Trường phổ thông liên cấp Vinschool và trang học trực tuyến Tuyensinh247, đề môn toán kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội năm nay có cấu trúc không thay đổi nhiều so với năm trước, có phần "dễ thở" hơn. Đề thi phân hóa được học sinh nhưng vẫn nhẹ nhàng và sẽ có nhiều điểm 8, 9.
Nhìn tổng thể, đề thi đáp ứng được yêu cầu kiểm tra đánh giá học sinh và có yếu tố phân hóa. Hàm lượng kiểm tra kiến thức và kỹ năng cơ bản cao, không quá đánh đố học sinh. Học sinh chỉ cần có thời gian ôn luyện, thực hành giải tốt các dạng toán cơ bản và làm bài cẩn thận thì có thể hoàn thành 75 - 80% đề thi một cách nhanh chóng. Tuy có một số câu phân hóa nhưng cũng không quá khó, thí sinh vẫn có thể tư duy để tìm hướng giải được.
Học sinh từ trung bình khá có thể làm tốt 3 bài đầu
Bài 1, rút gọn biểu thức và tính giá trị biểu thức, thuộc phần kiến thức cơ bản về tính giá trị và rút gọn biểu thức biết trước kết quả khá đơn giản tạo điều kiện cho sự tỉ mỉ của học sinh để có điểm dễ dàng. Học sinh chỉ cần làm bài cẩn thận, trình bày đầy đủ trong ý thứ nhất.
Ý thứ hai, đề yêu cầu rút gọn biểu thức cho biết trước kết quả nên học sinh khó có thể làm sai. Ý thứ ba là ý kiểm tra kỹ năng giải phương trình đưa về dạng phương trình bậc hai, dễ hơn các dạng khác, nên hầu như học sinh dễ dàng giành trọn vẹn điểm bài này.
Bài 2, giải bài toán bằng cách lập hệ phương trình phương trình, là một bài toán thực tế. Câu 1 thuộc dạng giải toán bằng cách lập phương trình, hệ phương trình, liên quan đến năng suất làm việc. Học sinh có thể dễ dàng phân tích đề đặt ẩn lập hệ phương trình hoặc hệ phương trình và giải phương trình/ hệ phương trình, đạt điểm tối đa câu này. Trong các đề khảo sát chất lượng, thi thử của một số trường, dạng câu 1 cũng hay được đưa ra, học sinh có điều kiện ôn luyện tốt.
Câu 2 là bài toán thực tế đơn giản liên quan kiến thức hình cầu. Học sinh chỉ cần nhớ công thức tính thể tích mặt cầu và thay số tính toán cẩn thận là có điểm.
Bài 3 là bài hệ phương trình, hàm số đồ thị. Đây là bài khá đơn giản, dễ ăn điểm. Ở câu 1, học sinh thường giải bằng phương pháp đặt ẩn phụ. Học sinh cũng cần lưu ý về trình bày, xét điều kiện của ẩn, kết luận nghiệm cuối cùng để đạt điểm tối đa. Học sinh từ trung bình khá trở lên có thể làm tốt câu này.
Câu 2 bài 3 liên quan đến kiến thức về tương giao giữa parabol và đường thẳng quen thuộc. Học sinh từ trung bình trở lên có thể đạt điểm ý a của câu này, học sinh khá có thể làm tốt ý b vì biểu thức thoả mãn điều kiện là đối xứng giữa hai nghiệm, có thể đưa về tổng và tích hai nghiệm để áp dụng định lý Vi-et. Tuy nhiên, để đạt điểm tối đa thì cần lưu ý yếu tố trình bày cẩn thận, lập luận chặt chẽ.
Phân hóa học sinh tập trung ở bài 4, bài 5
Bài 4 là bài hình, một bài tập hình khá hay, phân loại học sinh tốt ở ý cuối. Bài hình không bắt đầu bằng việc cho đường tròn hay nửa đường tròn quen thuộc, nhưng bù lại có rất nhiều yếu tố để gợi ý làm các câu 1 và 2. Học sinh đọc kỹ yêu cầu của đề bài, cẩn thận vẽ hình có thể làm được ý 1 vì ý này là phần kiến thức cơ bản khá quen thuộc trong quá trình ôn luyện và xuất hiện khá nhiều trong đề thi khảo sát cũng như đề thi thử của các trường.
Ý 2 đòi hỏi sự tư duy thêm của học sinh, học sinh phải lập luận để chứng minh các góc bằng nhau dựa vào quan hệ song song, tứ giác nội tiếp.
Ý 3 có sự phân loại học sinh khá rõ ràng. Học sinh cần chú ý vận dụng yếu tố trung điểm để suy ra đường trung bình của tam giác, từ đó suy ra các góc đồng vị bằng nhau để suy ra được tứ giác nội tiếp và chứng minh tam giác đồng dạng để suy ra các tích bằng nhau. Ở ý nhỏ chứng minh song song, học sinh đưa về dạng chứng minh một tứ giác nội tiếp dựa vào các yếu tố góc bằng nhau, mới có thể hoàn thành được ý này. Ở phần này, học sinh có thể dựa vào chứng minh trung gian, dựa vào tính chất các góc bằng tổng những góc bằng nhau thì bằng nhau.
Bài 5 là toán về cực trị khá hay nhưng không quá khó. Dạng toán khá quen thuộc đối với các bạn học sinh giỏi, biểu thức và điều kiện đều đối xứng giữa a và b, và đề bài cũng cho luôn giá trị lớn nhất của vế trái để học sinh tập trung chứng minh. Nhưng đây là dạng tìm giá trị lớn nhất của tổng, hơi "ngược" so với tư duy áp dụng trực tiếp bất đẳng thức Cô-si. Học sinh có thể tiếp cận bằng nhiều cách khác nhau.
Thầy Bảo nhận xét: "Đề thi môn toán năm nay phân hóa được học sinh nhưng vẫn nhẹ nhàng. Năm nay chắc sẽ có nhiều điểm 8, 9, nhưng điểm từ 6,5 - 8 chiếm nhiều nhất. Nếu quản lý thời gian tốt, tính toán cẩn thận, trình bày đầy đủ, học sinh khá có thể được 8 trở lên. Do đề "nhẹ nhàng" hơn, giáo viên chấm thi lưu ý nhiều hơn đến việc trừ điểm các lỗi trình bày thì điểm sẽ thấp hơn một chút".
Bình luận (0)