Thích nghi an toàn với đại dịch

10/09/2021 05:04 GMT+7

TP.HCM đang thực hiện chiến lược thích nghi an toàn với đại dịch Covid-19, từng bước nới lỏng giãn cách, mở lại hoạt động kinh doanh dịch vụ dựa trên yếu tố then chốt là đảm bảo an toàn dịch tễ.

Ngày 9.9, căn cứ bản đồ Covid-19 TP.HCM do Sở TT-TT TP.HCM cập nhật, vẫn còn đậm đặc số ca nhiễm, khu vực tạm phong tỏa do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM. Trong tổng số hơn 278.000 ca nhiễm, TP.HCM đang điều trị cho hơn 40.000 ca tại các bệnh viện điều trị Covid-19, hơn 140.000 ca đã xuất viện, số còn lại điều trị và được theo dõi tại nhà. Do dịch đã ngấm sâu và rộng trong cộng đồng nên từ khi xuất hiện ca nhiễm đầu tiên trong đợt 4 vào ngày 29.4, càng về sau, số ca nhiễm ngày càng tăng với ngày cao nhất 8.499 ca (ngày 3.9), và đến ngày 9.9 vẫn còn 5.549 ca (giảm 1.759 ca so với ngày 8.9).
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Y tế TP.HCM, số ca nhiễm ghi nhận có gia tăng kể từ 23.8 (mốc thời gian siết chặt giãn cách xã hội) qua xét nghiệm sàng lọc F0 vùng đỏ, vùng cam (vùng có nguy cơ cao về Covid-19), nhưng thực tế này không phải là vấn đề bất thường, bởi xu hướng đã giảm khi chuyển sang xét nghiệm vùng xanh (vùng an toàn với Covid-19).

Covid-19 sáng 10.9: 576.096 ca nhiễm, 338.170 ca khỏi | TP.HCM giãn cách gắn liền “Thẻ xanh Covid”

Đáng chú ý nhất, mục tiêu kéo giảm tỷ lệ tử vong cũng đã có những tín hiệu tích cực (từ 340 ca vào ngày 22.8 xuống còn 203 ca vào ngày 9.9); F0 điều trị tại nhà được chăm sóc y tế, cấp phát túi thuốc; tỷ lệ bao phủ vắc xin tiếp tục tăng lên (đến nay đã tiêm được hơn 7 triệu liều, trong đó hơn 6,2 triệu mũi 1, hơn 820.00 người tiêm mũi 2). TP.HCM phấn đấu trước 15.9 tiêm vắc xin bao phủ 100% đối với người từ 18 tuổi trở lên.

Người dân mua hàng ở một cửa hàng trên đường Hàm Nghi, Q.1 (TP.HCM) chiều 9.9

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

“Mở tới đâu an toàn tới đó”

Với quan điểm dựa vào an toàn dịch tễ (có thể tóm lược vào một số yếu tố then chốt: chủ động kiểm soát và kéo giảm số ca mắc mới, kéo giảm tỷ lệ tử vong, bao phủ vắc xin phòng ngừa Covid-19), TP.HCM đã có động thái từng bước mở cửa khôi phục kinh tế. Đáng chú ý nhất, từ chiều 8.9, TP.HCM cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được phép hoạt động từ 6 - 18 giờ hằng ngày theo hình thức bán hàng mang về (sau hơn 2 tháng tạm ngưng).
Ngày 9.9, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, mặc dù đã được cho phép hoạt động trở lại, nhưng hầu hết cơ sở vẫn “cửa đóng then cài” bởi yêu cầu siết chặt giãn cách vẫn đang diễn ra với tinh thần “ai ở đâu ở yên đó”.

Hàng quán bán mang về: Rục rịch dọn dẹp nhưng chưa sẵn sàng mở lại!

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, TP.HCM không thể nới lỏng giãn cách toàn bộ ngay vào thời điểm này, mức độ nới giãn cách từng bước căn cứ theo tình hình kiểm soát dịch bệnh; tinh thần là nới dần từng bước nhưng kiểm soát cho bằng được rủi ro do dịch bệnh có thể gây ra.
Trong khi đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định quan điểm mở cửa là “chậm mà chắc, mở tới đâu an toàn tới đó”, bởi “công tác chống dịch vừa qua chưa có tiền lệ, chưa có bài học nào cả, khi tình huống diễn ra buộc thành phố phải ứng phó”.
Theo ông Nên, việc mở cửa khôi phục kinh tế buộc phải gắn liền với an toàn dịch tễ về phòng dịch Covid-19. Muốn mở dần ra, chúng ta tập thói quen sống trong trạng thái bình thường mới là tình trạng có dịch. Đây là vấn đề hệ trọng, bên cạnh nhiệm vụ củng cố hệ thống y tế. Và nguyên tắc chống dịch là “phải dựa vào chuyên môn, tôn trọng khoa học y tế, dịch tễ học chứ không thể thực hiện theo ý chí riêng của bất kỳ cá nhân nào”.
Quan điểm trên được Bí thư Nguyễn Văn Nên tái khẳng định tại buổi kiểm tra điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa ở chợ Bình Điền (phải đóng cửa hơn 2 tháng trước vì chuỗi lây nhiễm Covid-19 bùng phát) vào tối 8.9: “Dù chợ mở lại ở cấp độ nào thì phải đặt an toàn lên trên hết, lựa chọn phương án tối ưu, đảm bảo an toàn gần như tuyệt đối. Cán bộ y tế địa phương thường xuyên có mặt tại chợ để kiểm tra, giám sát về mặt y tế, dứt khoát không để dịch lây lan nữa”.

Những ai được đề xuất cấp "Thẻ xanh Covid-19" sau ngày 15.9?

“Không thể sử dụng biện pháp
phong tỏa mãi”

Mới đây, khi gặp gỡ các nhà khoa học, chuyên gia y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát đi thông điệp về vấn đề phải thích nghi an toàn với dịch bệnh, chuyển đổi chiến lược chứ không thể sử dụng biện pháp phong tỏa mãi.

Theo kết luận của Thủ tướng, các biện pháp giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách tại một số địa phương đang gây nhiều khó khăn về đời sống vật chất, tinh thần đối với người dân. Người dân đang mong chờ từng ngày để dịch bệnh qua đi. Để thực hiện được điều đó, chúng ta phải đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh bằng tổng hòa các giải pháp hiệu quả; chúng ta không để dịch bệnh lây lan, thích nghi an toàn với dịch bệnh, giảm tỷ lệ tử vong bằng vắc xin và thuốc, như nhiều nước trên thế giới đang thực hiện.

Chí Hiếu

Chiến lược thích nghi an toàn

Theo đánh giá của một số chuyên gia về dịch tễ học, chiến lược nới giãn cách dựa vào an toàn dịch tễ mà TP.HCM áp dụng là phù hợp tình hình thực tế. TP.HCM không thể đạt được ngay trạng thái bình thường mới lý tưởng (không có F0 trong cộng đồng) để đưa tất cả mọi hoạt động trở lại trạng thái bình thường như trước đây (khi chưa có dịch).
Bên cạnh đó, biểu đồ diễn tiến ca nhiễm mỗi ngày ở các tỉnh xung quanh TP.HCM (Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh…) và một số tỉnh, thành trên cả nước còn rất phức tạp. Do vậy, với vai trò là đầu mối giao thương, chiến lược và kế hoạch phòng chống dịch, phục hồi kinh tế của TP.HCM, để tránh rủi ro (mất kiểm soát tình hình dịch bệnh), cũng không thể tách rời bối cảnh chung của cả nước, đặc biệt là của vùng Nam bộ.
Cũng theo các chuyên gia, mặc dù đang gặp phải nhiều khó khăn như vậy, song hoạt động phòng chống dịch ở TP.HCM cũng có những tiến triển thuận lợi, trong đó quan trọng nhất là về bao phủ tiêm chủng vắc-xin (mũi 1 đạt khoảng hơn 90% tổng số người cần tiêm). Sau hơn 3 tháng giãn cách xã hội với các mức độ khác nhau (kể từ 31.5), người dân và doanh nghiệp đã dần thích nghi với trạng thái dịch bệnh thường trực...
Thích nghi an toàn với dịch bệnh, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (chuyên gia về bệnh truyền nhiễm), cần căn cứ vào một số trụ cột: bao phủ vắc xin, năng lực điều trị, giãn cách xã hội phù hợp, đảm bảo an sinh, tuân thủ nghiêm ngặt 5K…
“Nếu tính toán chuyển sang trạng thái bình thường hóa trong điều kiện tồn tại dịch bệnh, mục tiêu cao nhất là giảm tối thiểu số ca tử vong (cả nội và ngoại viện), bảo vệ nhóm rủi ro cao (người lớn tuổi, bệnh nền, phụ nữ có thai…), bảo vệ và giữ cho hệ thống y tế không bị quá tải, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch trong khi tiếp tục phủ sóng vắc xin”, bác sĩ Khanh nói thêm, và cho rằng chính sách triển khai cần dựa vào các chỉ số y tế - dịch tễ (tử vong, bệnh nặng, giường trống, và ca nhiễm mới trong mối quan hệ với năng lực của hệ thống y tế) và tiến độ bao phủ vắc xin. Trong đó, tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất là độ phủ vắc xin cho nhóm người cao tuổi, có bệnh nền và phụ nữ mang thai.

Thẻ xanh Covid-19

Về vấn đề kiểm soát liên quan đến kịch bản giãn cách xã hội thời gian tới, có một điểm đáng chú ý, theo ông Phan Văn Mãi, là TP.HCM đang tính toán tiêu chí cụ thể để phát huy lợi thế bao phủ vắc xin trong cộng đồng, thông qua việc quy định “thẻ xanh”, “thẻ vàng” Covid-19 (thay cho việc kiểm soát cơ học bằng giấy đi đường như hiện nay).
Ở góc độ an toàn dịch tễ, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, có thể cấp “thẻ xanh Covid-19” đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, người đã khỏi bệnh Covid-19; cấp “thẻ vàng Covid-19” đối với người đã tiêm 1 mũi vắc xin… để họ có thể đi lại, tham gia các hoạt động phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, bác sĩ Khanh đặc biệt lưu ý, tiêm vắc xin dù đã đủ 2 mũi, không có nghĩa là không còn lây nhiễm. “Người trẻ, khỏe đã chích vắc xin tiếp xúc với nhau thì không đáng lo vấn đề lây nhiễm, bởi nếu có nhiễm thì mức độ sẽ nhẹ, nguy cơ tử vong thấp. Nhưng người trẻ, khỏe đã chích vắc xin đi ra ngoài mà nếu nhiễm bệnh, quay về nhà có người sống chung thuộc nhóm nguy cơ như người lớn tuổi, mắc bệnh nền, phụ nữ có thai… (mắc bệnh mà nguy cơ tử vong cao) thì phải hết sức chú ý tuân thủ 5K để không bị nhiễm bệnh”, bác sĩ Khanh nói.
Sau hơn 3 tháng giãn cách ở các cấp độ khác nhau với nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, TP.HCM ngày càng xuất hiện nhiều vùng xanh (vùng an toàn với Covid-19). Theo khuyến cáo của một số chuyên gia dịch tễ, cần tính toán mở cửa vùng xanh. Tuy nhiên, trong quá trình mở cửa, cũng cần xét nghiệm sàng lọc Covid-19 để đảm bảo rằng nếu thực tế còn sót F0 dẫn đến có lây nhiễm thì kịp thời ngăn chặn không để lây nhiễm nhiều. Cùng với đó là phủ vắc xin cho người ở vùng xanh, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ (mắc bệnh mà dễ tử vong).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.