Học sinh tự điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, số liệu từ thực tế về các vấn đề liên quan đến dân số để thực hiện một bài báo cáo khoa học. Sau đó, vào vai các chuyên gia đầu ngành để trình bày báo cáo của mình trước toàn thể “đại biểu” tham dự (là học sinh của trường), thông qua một hội thảo khoa học giả định.
Một buổi học theo “dự án” của học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên, TP.HCM - Ảnh: Minh Luân
|
Đó là những điều hấp dẫn đang diễn ra tại Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM), thông qua phương pháp dạy học theo dự án ở môn địa lý do giáo viên Hoàng Thị Hiền (Tổ trưởng Bộ môn địa lý, giáo viên giỏi cấp thành phố) thực hiện.
Chúng tôi đến dự một buổi học liên quan đến chủ đề dân số, dành cho học sinh lớp 10. Theo đó, 8 nhóm học sinh sẽ trình bày báo cáo trước hội thảo giả định. Mỗi nhóm sẽ cử một đại diện vào vai: chuyên viên Tổng cục Dân số và kế hoạch hóa gia đình, Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội… báo cáo trước “đại biểu” theo chủ đề được phân công. Trong buổi học này, người làm chủ buổi học là học sinh chứ không phải giáo viên.
Sau khi các chuyên viên trình bày, “đại biểu” tham dự đã có những phản biện bằng rất nhiều câu hỏi.
Để có một buổi học theo dự án, học sinh phải chuẩn bị trước đó khoảng một tháng. Nguyễn Tuyết Nhi, lớp 10A7, cho biết: “Chúng em phải thực hiện trong 3 tuần đề hoàn thành chủ đề được giao. Sau khi “học theo dự án”, em thấy mình trau dồi được nhiều kỹ năng, như: sử dụng công nghệ (thiết kế, trình bày bản thảo), nói trước đám đông… Ngoài ra, học tập với phương pháp này, tụi em hiểu rõ vấn đề hơn, vì tụi em tự chủ động đi tìm kiến thức, thông tin chứ không thụ động chờ giáo viên truyền giảng như phương pháp giảng dạy thông thường”.
Ái Lệ, học sinh lớp 10A14, cho biết: “Tụi em rất thích thú khi được học theo dự án. Nhờ đó, em học được các kỹ năng tìm tài liệu, khảo sát chất liệu, lựa chọn hình ảnh minh họa phù hợp, kỹ năng thuyết trình...”.
Còn nhiều khó khăn khi thực hiện
Việc áp dụng phương pháp dạy học theo dự án được Bộ GD-ĐT và các sở GD-ĐT phát động trong nhiều năm nay. Tại TP.HCM có một số trường như THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, THPT Bùi Thị Xuân, Đinh Thiện Lý... đã thực hiện. Nhiều người cho rằng, phương pháp này rất hay và mang tính hiệu quả đối với người học lẫn người dạy nhưng lại khó thực hiện.
Chuyên gia cố vấn giáo dục toàn cầu của Microsoft VN Tô Thụy Diễm Quyên (đồng thời là giáo viên Trường THCS Đức Trí, Q.1) cho biết: “Ở nước ngoài học sinh chỉ học 6 môn nên giáo viên và học sinh có nhiều thời gian thực hiện phương pháp dạy học theo dự án. Ở mình, chương trình còn nặng, môn học lại đến 13, 14 môn nên học sinh và giáo viên không có nhiều thời gian”.
|
Bình luận (0)