Robert McCall do Denzel Washington thủ vai là nhân vật chính trong ba phần phim điện ảnh The Equalizer (Thiện ác đối đầu 2014 - 2018 - 2023) do Antoine Fuqua đạo diễn. Là đặc vụ chính phủ về hưu, sở hữu kỹ năng ám sát siêu việt nhưng khác với John Wick trong loạt phim cùng tên hay Bryan Mills của series Taken, McCall không chiến đấu vì người thân, mà sẵn sàng bảo vệ bất cứ ai cô thế khỏi bọn tội phạm độc ác. Hai phần phim trước, ông có ý định “gác kiếm”, song vì nổi máu trượng nghĩa mà sẵn sàng lao đầu vào hang cọp.
Trong phần ba, McCall bị thương khi thực hiện một nhiệm vụ tại Sicily, Ý. Trong thời gian dưỡng thương ở thị trấn Altomonte, ông cảm mến con người và lối sống, nên quyết định đây là nơi mình sẽ lui về ở ẩn. Tuy nhiên, nhân vật một lần nữa phải bật chế độ “kẻ thanh trừng”, khi biết một đế chế mafia đang tung hoành phá hoại bình yên của khu vực này.
Phong cách hành động 'độc bản' Denzel Washington
Thời điểm phần một The Equalizer ra mắt, nhiều báo quốc tế hết lời khen ngợi sự kết hợp ăn ý giữa Denzel Washington và đạo diễn Antoine Fuqua. Trong phiên bản truyền hình cùng tên năm 1985, Edward Woodward từng khắc họa một Robert McCall thanh lịch, hào hoa, gần giống với hình tượng điệp viên 007.
Ngược lại, Washington mang đến cho nhân vật vẻ bụi bặm, thăng trầm. Ở các cảnh chiến đấu, đạo diễn Fuqua chỉ đạo để Washington luôn có dáng vẻ bình thản, khoan thai. Kết hợp võ tự vệ Philippines và các đòn vật, khóa tay của Hải quân Mỹ, Antoine Fuqua mang đến chuỗi cảnh hành động gọn gàng, dứt khoát, chỉ cần một đến hai chiêu là quyết định thế trận.
Nhân vật dễ dàng đánh bại một hành lang toàn bọn côn đồ hung hãn, hay thoát vây trước những họng súng chĩa thẳng thái dương. Thứ làm Robert McCall đau đớn không phải kẻ thù trước mặt, mà là những vết thương tinh thần ông phải gánh vác trên vai.
So với phần một đối đầu với băng mafia Nga khét tiếng, hay phần hai đối mặt những người đồng đội cũ, chạm trán lũ mafia “vườn” có vẻ dễ thở hơn với Robert McCall. Cuộc chiến lần này mang tính cá nhân, do lũ phản diện dám đụng chạm đến vùng đất mà McCall cho là “ngôi nhà thứ hai”.
Vì vậy, để những cảnh chiến đấu có nhân vật chính quá “bá đạo” không trở nên nhàm chán, Antoine Fuqua khéo léo lồng ghép nhiều chi tiết giật gân. Ở cảnh đầu phim, một tay trùm mafia cùng thủ hạ hoảng hốt xâm nhập vào ngôi nhà của chính mình, khi mỗi gian phòng đều chất đầy xác chết. Đến phòng cuối cùng, điều chờ đợi hắn là “tử thần” Robert McCall. Nhiều phân đoạn khác, tác phẩm dùng tiếng piano giậm liên tục làm nhạc nền, mang đến cảm giác ớn lạnh như bộ phim kinh dị - có điều nạn nhân xấu số lại là những kẻ ác.
Fan “cứng” đã theo dõi hành trình diễn xuất của Denzel Washington sẽ có một niềm vui nho nhỏ, khi phần ba là lần đầu ông tái hợp Dakota Fanning, kể từ phim Man on Fire (2004), khi đó Washington vào vai một đặc vụ CIA có nhiệm vụ bảo vệ một cô bé - Dakota Fanning đóng. Lần này, Fanning thủ vai một sĩ quan cảnh sát, nhiều lần được McCall trợ giúp. Trả lời Yahoo Entertainment, đạo diễn Antoine Fuqua nói ông theo dõi hành trình trưởng thành của Fanning, nên rất hạnh phúc khi có thể giúp cô và Denzel Washington hội ngộ trên màn ảnh sau gần hai thập niên. “Nhìn họ cười nói với nhau ở những cảnh hậu trường, cứ như thể cha con vậy”, Fuqua chia sẻ.
'Đảo mafia' trong đôi mắt Antoine Fuqua
Trước The Equalizer 3, thế lực mafioso Italiano từng nhiều lần được khắc họa trên màn ảnh, kinh điển nhất có ba phần phim Bố Già (1972) do cố diễn viên Marlon Brando đóng chính.
Antoine Fuqua có nhiều dụng ý khi lựa chọn bối cảnh chính là vùng Sicily, hòn đảo lớn nhất Địa Trung Hải, ngã tư của nền văn minh Hy Lạp - La Mã trứ danh. Nếu chỉ tập trung vào các cảnh chiến đấu, hẳn The Equalizer 3 sẽ có thời lượng rất ngắn. Nhà làm phim người Mỹ chủ trương khai thác nét tráng lệ pha cổ kính của Sicily qua những cảnh góc rộng dùng flycam. Không những thế, ông khắc họa chi tiết từng góc phố cong uốn lượn, các cung đường gạch được thắp sáng bởi ánh đèn dầu mờ ảo. Fuqua khắc họa cảnh chợ phiên sớm, nơi các đoàn thuyền đánh cá mang hải sản từ cảng vào đất liền, hay các chiếc Vespa cổ chạy bon bon, túc tắc giữa phố phường không vội vã.
Khác với hai phần phim trước, Antoine Fuqua không để Robert McCall trải qua quá nhiều cuộc đối đầu căng thẳng. Đạo diễn dùng chi tiết nhân vật bị thương nặng, để McCall có thời gian chữa lành vết thương thể xác lẫn tinh thần. Gã sát thủ nhận sự yêu mến, ân cần của người dân thị trấn Altomonte. Chưa bao giờ gương mặt của Robert McCall giãn nỡ, cười tươi đến thế. Các chi tiết hài hước ý nhị cũng xuất hiện với tần suất vừa phải, mang đến nhiều khoảng nghỉ cho khán giả.
Tất cả để đối lập với tiếng động cơ xe máy gầm rú, tiếng bom nổ, xả đạn của bọn mafia. Chúng thẳng tay giết người, cướp bóc, đe dọa lực lượng hành chính. Những kẻ cầm đầu cho mình quyền lực như vua chúa, tạc tượng thần khắp dinh thự của mình. Sự đối lập cũng giúp người xem “cảm” được lý do muốn hành động, muốn trả đũa của nhân vật Robert McCall. “Thần linh” là kẻ độc ác thì cũng phải chịu đổ máu - tuyên ngôn đầy tính mỉa mai của Fuqua được thể hiện trong trường đoạn nam chính một thân tấn công, săn lùng lũ lâu la của tên trùm Vincent, trong chính sào huyệt của hắn.
Với đường dây câu chuyện ngắn gọn, chặt chẽ, The Equalizer 3 ít lộ điểm yếu kịch bản. Tuy nhiên cũng bởi nhịp điệu trầm buồn đã trở thành thương hiệu trong phim của Denzel Washington, khán giả mong chờ sự kịch tính hay những cuộc đọ sức dai dẳng dễ cảm thấy hụt hẫng. Tại Việt Nam, phim ra mắt trước thị trường Bắc Mỹ một tuần, mang nhãn R18 (dành cho khán giả trên 18 tuổi) vì những cảnh bạo lực đẫm máu.
Bình luận (0)