Thiên địa đồng thọ

21/09/2010 10:15 GMT+7

(TNTS) Câu chuyện sau đây được tóm lược từ Ỷ thiên Đồ long ký của Kim Dung. n Lợi Hanh, đệ tử thứ sáu của chưởng môn phái Võ Đang Trương Tam Phong, là một chàng trai giàu tình cảm.

Chàng ta đã học hết chân truyền của kiếm pháp Võ Đang. Trên đường hành hiệp, n Lợi Hanh gặp gỡ và quen biết Kỷ Hiểu Phù, đệ tử của Diệt Tuyệt sư thái, chưởng môn phái Nga Mi. Được sự cho phép của hai chưởng môn Võ Đang và Nga Mi, n Lợi Hanh hứa hôn với Kỷ Hiểu Phù. Cuộc hôn nhân đã được định đoạt thì một sự cố xảy ra làm thay đổi số phận của cả hai người.

Dương Tiêu, Quang Minh tả sứ của Minh giáo, một cao thủ bàng môn, bắt được Kỷ Hiểu Phù. Hắn giam lỏng cô trong một khách điếm. Cô đã tìm cách trốn đi nhiều lần nhưng không thoát khỏi bàn tay hắn. Sau cùng, hắn ăn ở với cô rồi bỏ cô, ra đi. Trước khi xa cô, hắn cho cô biết hắn là Dương Tiêu của Minh giáo. Hắn đưa cho cô một lệnh bài bằng đồng, bảo cô có việc gì cần thì cứ cầm lệnh bài mà tìm đến hắn.

Kỷ Hiểu Phù có thai, sinh ra một bé gái. Cô tự hổ thẹn vì không hoàn thành được hôn ước đã lỡ lập với n Lợi Hanh của phái Võ Đang, lại lo sợ bị sư phụ của mình trừng phạt. Trong thâm tâm, cô không hề hối hận vì đã bị Dương Tiêu cưỡng bức mà còn có tình cảm với hắn. Cô đặt tên con gái là Dương Bất Hối - không hối hận…

n Lợi Hanh đau xót vì hôn ước bị phá vỡ, mất đi người vợ tương lai. Chàng căm thù Dương Tiêu, quyết tìm mọi cách để giết Dương Tiêu. n Lợi Hanh biết Võ Đang kiếm pháp của mình đã tinh tuyền nhưng chỉ với loại kiếm pháp này, chàng vẫn không thắng nổi võ công cao cường của Dương Tiêu. Chàng giấu sư phụ, lén chế ra một chiêu thức rất ác độc. Chiêu thức ấy được mô tả: Tiến sát tựa lưng mình vào ngực địch thủ, dùng trường kiếm tự đâm xuyên qua bụng mình để đâm qua bụng địch thủ. Như thế, cả hai người sẽ cùng chết. n Lợi Hanh gọi chiêu thức này là Đồng quy ư tận (cùng về cõi chết).

Thế nhưng, Trương Tam Phong rất tinh tế. Ông coi học trò luyện kiếm và hiểu ra độc chiêu này của n Lợi Hanh là nhằm đối phó với Dương Tiêu. Ông khuyên học trò đừng bao giờ dùng đến chiêu thức này. Ông chê cái tên Đồng quy ư tận quá độc ác. Ông đổi tên chiêu kiếm lại là Thiên địa đồng thọ (Trời đất cùng tồn tại).

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng diễn ra bấy lâu nay nhiều khi cũng có vẻ… Thiên địa đồng thọ, dù trên nguyên tắc, ta vẫn xem chống tham nhũng và tham nhũng là hai cực không thể thỏa hiệp với nhau. Chúng ta đã xem tham nhũng là quốc nạn, khám phá được nhiều vụ, xử lý theo pháp luật được nhiều người, thu lại nhiều tài sản nhưng thực tế tham nhũng vẫn tồn tại. Tham nhũng có nhiều dạng khác nhau, nhiều cấp độ khác nhau. Những ai có một chút quyền hành, chức năng có liên hệ đến quần chúng thì có thể có hành vi tham nhũng.

Tham nhũng đã thành nếp, thành quán tính trong tư duy đến nỗi ai làm khác nó, không đưa hối lộ và không nhận hối lộ thì trở thành chuyện bất thường. Cũng có những công chức, cán bộ, viên chức tận tụy với việc làm mà không đòi hỏi nhân dân điều gì cả. Thế nhưng sau khi được giải quyết yêu cầu, nhân dân lại tự động đem quà cáp, tiền bạc biếu xén họ như một quán tính. Và họ cũng nhận quà cáp, tiền bạc ấy như một quán tính mà không hề áy náy và không hề tự hỏi mình đã có công gì để hưởng lộc. Nếu thiếu người đưa và người nhận trong trường hợp này thì một trong hai bên có thể cho là… ứng xử mất văn hóa!

Ông trùm tham nhũng trong tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung là Vi Tiểu Bảo - nhân vật chính của Lộc Đỉnh ký. Triết lý tham ô của tay này thật đáng nghiên cứu. Hắn quan niệm hễ làm quan là phải tham ô; không tham ô là không đúng đạo lý làm quan. Đồng tiền tới tay hắn thì phải dính lại một chút, không dính lại không ra đạo lý làm người.

“Ra nghề” ở cái tuổi 14, Vi Tiểu Bảo theo lệnh vua cùng Sách Ngạch Đồ kiểm tra tài sản của phản thần Ngao Bái. Cả hai cùng toa rập nhau bớt đi một nét trong chữ Tam mà đã chia được mỗi người năm chục vạn lạng bạc. Sau đó, hắn vâng lệnh Khang Hy đưa công chúa Kiến Ninh về gả cho Ngô Ứng Hùng, con trai Bình Tây vương Ngô Tam Quế ở Vân Nam. Hắn thuận miệng khen phủ Bình Tây vương lớn hơn cả hoàng cung và khen Ngô Tam Quế còn phú quý hơn cả Khang Hy khiến Ngô Tam Quế sợ đến té đái vãi phân, phải đút cho hắn cả trăm vạn lạng. Ngô Ứng Hùng xớn xác vào hành cung của công chúa đang ở, bị công chúa lập mưu thiến mất bộ phận sinh dục, lại vu cáo cho là hiếp dâm. Vi Tiểu Bảo dọa thêm cho mấy câu, bảo phải tâu lên Khang Hy khiến Ngô Tam Quế lạy đến sói đầu rồi đút cho hắn vài trăm vạn lạng nữa.

Về đất Dương Châu, hắn nói chuyện ba xí ba tú với các quan địa phương, hứa lèo hứa cuội sẽ tâu lên thánh thượng những công vụ ích nước lợi dân của họ rồi ăn của họ một mớ của đút. Ra Đài Loan, hắn hứa với các quan và bách tính đảo này là sẽ “thỉnh mệnh” để nhà vua Khang Hy bỏ ý định dời dân Đài Loan vào đại lục, kiếm được thêm mấy trăm vạn lạng nữa.

Tuy nhiên, Vi Tiểu Bảo không ăn hối lộ một mình. Hắn biết, trên hắn còn có các bộ, các ty; dưới hắn còn có các doanh, các phủ. Hắn vãi tiền ra đút lót lại các nơi, bảo là cùng chia nhau chút vinh hoa phú quý. Hắn tung ngân phiếu ra tặng các cấp dưới, nhỏ thì vài ba trăm lạng, lớn thì vài ba ngàn lạng, gọi là họ có công nên xứng đáng được phong thưởng. Hắn lại tung ngân phiếu ra tặng quần hùng Thiên Địa hội - một tổ chức chống triều Thanh, gọi là có phúc cùng hưởng, có nạn cùng chịu.

Cho nên trên dưới, địch ta cùng ngoác miệng ca ngợi công tước Vi Tiểu Bảo đang tuổi thiếu niên mà tinh minh mẫn cán, trọng nghĩa khinh tài, hào sảng hơn người, đường công danh thênh thang không kể xiết. Người ta trung thành với hắn, kính trọng hắn còn hơn cả trung thành và kính trọng vua Khang Hy.

Tất nhiên, thời Khang Hy cũng có các quan án sát, các khâm sứ (sứ của nhà vua) đi thanh tra quan lại. Thế nhưng chẳng ai dám thanh tra Vi Tiểu Bảo bởi họ đã từng nhận tiền quà của hắn tặng và bởi hắn là bề tôi được nhà vua sủng ái. Họ chỉ ca ngợi hắn để còn kiếm chác. Hắn còn làm công tước thì họ mới còn được quà cáp. Ấy gọi là Thiên địa đồng thọ!

Vũ Đức Sao Biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.