Thiên đường Mũi Né dần biến mất: Sạt lở nghiêm trọng vì resort tự ý làm kè

Quế Hà
Quế Hà
06/04/2018 14:06 GMT+7

Theo ghi nhận của Thanh Niên, bãi biển đẹp nổi tiếng của Mũi Né bị xé nát, bờ biển nhếch nhác, mất mỹ quan. Thương hiệu du lịch Mũi Né - Bình Thuận đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng chưa có giải pháp tháo gỡ!

Đặc biệt, một vài chủ đầu tư resort tự ý làm kè mềm, kè cứng, rọ đá nhằm bảo vệ bãi biển, đã tạo nên cảnh tượng nhếch nhác. Nhiều resort bị du khách quốc tế trả phòng, bắt bồi thường tiền phòng vì cho rằng lừa dối khách.
Thương hiệu Mũi Né bị ảnh hưởng
Theo ghi nhận của chúng tôi, suốt chiều dài khoảng một cây số bờ biển ở phường Hàm Tiến (trung tâm du lịch Mũi Né - Phan Thiết) đã bị sạt lở sâu vào bờ vài chục mét, có chỗ tới hơn 100 m, chỉ trong hai tháng qua. Trong khu vực sạt lở có hàng chục resort đang có du khách quốc tế lưu trú. Tuy nhiên, một số resort làm kè tự phát, không đúng kỹ thuật, không chỉ gây mất mỹ quan, nhếch nhác bãi biển, mà còn gây khó khăn cho du khách khi tắm biển.
Theo anh Minh, một người quản lý resort có thiệt hại do sạt lở, chủ đầu tư resort này đã bỏ ra gần 400 triệu đồng để làm kè mềm (đúc cát vào bao nhựa tổng hợp) nhằm chống đỡ với triều cường. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn không mang lại hiệu quả. Sóng biển vẫn đánh sâu vào bờ gần 100 m, đánh sập gần 10 cây dừa, một phần nhà hàng, nguyên một khu spa ra biển, thiệt hại hàng tỉ đồng.
“Chúng tôi đã có văn bản báo cáo lên các cơ quan chức năng, nhưng không thấy cơ quan nào phản hồi. Doanh nghiệp phải tự cứu mình không thể chờ ai cứu khi tài sản hàng trăm tỉ trước nguy cơ bị biển cuốn đi”, anh Minh cho biết.
Không chỉ có thiệt hại về tài sản, mà thứ thiệt hại lớn nhất là thương hiệu về du lịch Mũi Né, Bình Thuận. Anh Mai Văn Sơn, Giám đốc điều hành Aria Mui Ne resort, cho biết suốt một tháng qua khu nghỉ dưỡng của anh bị nhiều khách phàn nàn về bãi biển.
“Họ có những bình luận trên trang web theo hướng tiêu cực do bức xúc về bãi biển khiến cho resort của chúng tôi bị hạ điểm xếp hạng. Thậm chí nhiều khách Tây vừa đến nơi nhận phòng, khi thấy bãi biển hết sức bất tiện lập tức đòi lại tiền và bỏ đi. Dù chúng tôi cố tình giải thích là do triều cường sạt lở bãi biển chứ không phải lỗi chủ quan của khu nghỉ dưỡng, nhưng họ vẫn không chấp nhận”, anh Sơn nói.
Nguyên nhân do làm kè… bát nháo!
Tương tự, chị Nguyễn Hồng Ngọc, chủ đầu tư khu du lịch Suối Tiên Mũi Né resort, chỉ tay xuống bãi biển sạt lở, cho hay: “Tôi làm khu du lịch này đã 18 năm. Chưa từng thấy hiện tượng xói lở ăn sâu vào bờ thế này bao giờ. Trong vòng 1 tháng qua, bãi biển tuyệt đẹp ở đây đã biến mất. Nửa tháng nay khu du lịch của tôi vắng tanh không có khách. Chúng tôi đã cho làm thật nhiều bao cát đắp vào khu sạt lở cho khách dễ xuống biển, nhưng họ vẫn bỏ đi. Một tháng qua chúng tôi phải bồi thường hơn 100 triệu đồng cho khách vì họ không chấp nhận khu nghỉ lại có bãi biển như vậy. Thiệt hại là rất lớn nhưng không biết cách nào giữ lại bãi biển mỗi lúc một sạt lở sâu hơn”.
Theo chị Ngọc, nguyên một nhà hàng của chị ở sát biển đã biến mất trong vòng chưa đầy 1 tháng qua. Hiện nay biển lấn sâu vào sát hồ bơi, bungalow và các công trình này có thể rơi xuống biển bất cứ lúc nào. Khi đó thiệt hại sẽ rất lớn.
Theo các chủ đầu tư resort khu vực khu phố 1, phường Hàm Tiến thì nguyên nhân ban đầu từ một resort tự ý làm kè mềm (từ chuyên môn gọi là mỏ hàn), lấn ra biển tới 150m để bảo vệ bờ biển. “Về nguyên tắc, khi sóng đánh vào cái mỏ hàn này sẽ tạo dòng chảy sang hai bên, phá tiếp vào bờ khi gió mạnh”, một chủ đầu tư nói.
Ông Phạm Vũ Phong, Tổng giám đốc Công ty du lịch Sài Gòn - Mũi Né, cho biết tình trạng làm kè theo kiểu bát nháo hiện nay cần phải được chấm dứt, nếu không chấm dứt thì chỉ trong một mùa gió nữa bãi biển từng được mệnh danh là “thiên đường” nghỉ dưỡng này sẽ tan tành hết. “Họ làm kè mà dùng máy hút cát từ bãi biển chỗ chúng tôi bơm vào bãi biển của họ. Chúng tôi phải cho bảo vệ canh giữ suốt đêm vì tình trạng lén lút hút cát làm kè”, ông Phong nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Võ Đức Anh - Chi cục trưởng chi cục Thủy lợi Bình Thuận, cho biết: “Toàn khu vực Hàm Tiến hiện nay đã có quy hoạch chỗ nào làm kè, loại kè gì, chỗ nào không làm kè chỉ trồng cây, đều chi tiết. Tuy nhiên nhiều resort đã tự ý làm kè cứng (bê tông), mới đây là làm kè mềm không theo một quy trình kỹ thuật nào cả. Tình trạng này không những không bảo vệ được bãi biển mà còn tạo cho sạt lở biển ở những nơi chưa làm kè”.
Theo ông Võ Đức Anh, kỹ thuật làm kè thuộc chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, khu vực biển trong vòng 150 m lại thuộc quản lý của Chi cục Biển và Hải đảo thuộc Sở TNMT. Trong khi việc cấp giấy phép làm kè thuộc quyền của Sở Xây dựng. Còn quản lý nhà nước lại cần phải có sự tham gia của UBND TP.Phan Thiết. Do vậy cần có sự thống nhất vào cuộc của nhiều ngành mới tìm ra giải pháp chống xói lở ở bãi biển Hàm Tiến hiện nay.
Dưới đây là những hình ảnh mà PV Thanh Niên ghi lại trong hai ngày qua tại khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né:
Bãi biển nổi tiếng Mũi Né nay rất nhếch nhác
Việc làm kè tự phát đã gây khó khăn cho du khách tắm biển
Sạt lở xoáy sâu vào bờ biển cả trăm mét
Các chủ đầu tư cho rằng khởi đầu của sạt lở là từ kè mỏ hàn này-
Bãi biển như vậy không chỉ thiệt hại kinh tế do khách bỏ đi mà thiệt hại lớn về thương hiệu du lịch Mũi Né vốn rất nổi tiếng- Ảnh: QUẾ HÀ
Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu biển và hải đảo (Bộ TNMT), khẳng định nguyên do chính là bãi biển khu vực này thiếu hụt cát. Do vậy, phương án khả thi nhất, bền vững nhất là dùng phương pháp nuôi bãi để bù cát. Ông Ca cho rằng làm kè tự phát như Hàm Tiến- Mũi Né hiện nay sẽ gia tăng xói lở bờ biển khu vực lân cận.
“Phải có điều tra, khảo sát, xác định hướng chính vận chuyển cát dọc bờ để đổ cát vào phía dòng vận chuyển cát vào bãi. Ví dụ nếu cát vận chuyển từ bắc xuống nam, thì cần đổ cát phía ngoài biển, gần bờ ở phía bắc khu vực bị xói lở. Dòng chảy sẽ vận chuyển cát xuống phía nam, nơi đang xói lở và bồi đắp bãi. Tất cả các công trình như kè cứng, kè mềm, kè mỏ hàn…đều làm thay đổi dòng vận chuyển cát dọc bờ và ngang bờ, nó có thể bảo vệ được chỗ này nhưng lại gia tăng xói lở chỗ khác. Do vậy khi xây dựng công trình bảo vệ bãi biển phải nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động của nó tới các khu vực xung quanh. Không cho xây dựng bất cứ công trình nào dưới biển hay ngay mép nước khi chưa có các điều tra, nghiên cứu trên”, ông Vũ Thanh Ca phân tích.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.