"Thiên nga" Việt trên dòng Kalmius

08/07/2012 14:03 GMT+7

Đó là câu chuyện về hai VĐV khiêu vũ (dance sport) người Việt nổi tiếng trong làng thể thao Ukraine mà PV Tuổi Trẻ đã ghi chép trong những ngày tác nghiệp ở VCK Euro 2012.

Theo Dima - phóng viên nhật báo Donetsk, nói đến hai cô bé này, ở Donetsk và cả Ukraine ai cũng biết. Thế là cùng với Dima, chúng tôi đến một chung cư cũ kỹ được xây dựng từ thời Liên Xô cũ. Ở tầng bốn, mở cửa cho chúng tôi là chị Vala, một cô dâu Việt trạc tuổi ngũ tuần. Căn nhà tuềnh toàng chẳng có gì nổi bật ngoài một chuỗi huy chương và các loại cúp được trưng bày trên kệ tủ cũ kỹ. Trên các bằng khen, chủ nhân của chúng đều mang họ Lê, còn tên theo tên của Ukraine.

 "Thiên nga" Việt trên dòng Kalmius 1
Le Ira (trái) và Le Natasha bên tủ trưng bày huy chương và cúp ở nhà - Ảnh: Thế Anh

Chồng chị Vala là anh Lê Trọng Thủy, quê ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Anh qua Donetsk năm 1984 theo diện hợp tác lao động. Tại đây, anh quen chị Vala - một y tá địa phương - rồi kết duyên vợ chồng. Họ có với nhau hai người con. Cháu lớn là Le Ira đang học lớp 11 và cô em là Le Natasha, học lớp 6. Cả hai đều thừa hưởng vóc dáng thanh thoát cao ráo của mẹ và sự dịu dàng Á Đông của cha. Đặc biệt, cả hai đều là vũ công trẻ có tiếng ở Donetsk và toàn Ukraine.

Thấy tôi, Le Natasha bẽn lẽn đứng nép vào cha rồi hỏi: "Ông ấy là người VN của mình hả ba...?". Còn Le Ira luôn miệng hỏi thăm về VN, nơi cô chỉ được nghe qua lời kể của ba. Cả hai cô chỉ nói bập bẹ được vài câu tiếng Việt. Anh Thủy chia sẻ: "Sau khi Liên Xô tan rã, do khó khăn, suốt ngày chúng tôi chỉ biết chạy chợ nên chẳng có thời gian để dạy cho con tiếng Việt nhiều. Đó là thiệt thòi của những đứa trẻ mang hai dòng máu ở Donetsk. Do ở đây cộng đồng người Việt quá ít, và lại ở rải rác nên các cháu không có điều kiện tiếp xúc với cộng đồng VN".

Dù không nói được tiếng Việt nhưng sự đồng cảm, gần gũi về quê hương vẫn hiện rõ trên khuôn mặt hai cô gái trẻ. Lật từng tấm huy chương, săm soi từng chiếc cúp, Dima giới thiệu với tôi: "Đây là huy chương và cúp của Le Ira đoạt giải nhất toàn Donetsk năm 8 tuổi. Còn đây là tấm huy chương và cúp của cô em Le Natasha khi đoạt giải nhất toàn Ukraine năm 2010, 2011... Các phóng viên thể thao ở đây đều biết chị em Le Ira. Chúng tôi thường ví họ là những con thiên nga của đất Donetsk!".

Chị Vala tâm sự: "Thấy hai bé có năng khiếu nên các cô giáo ở trường khuyên chúng tôi cho các cháu đi học thêm. Lúc đầu cũng nghĩ chỉ là sự ham thích của con trẻ, nhưng một ngày bé Le Natasha ôm mẹ rồi nói: Mẹ ạ, con muốn sau này trở thành một giáo viên vũ công để về quê ba dạy". Thương con còn nhỏ mà đã biết suy nghĩ, thương chồng đã hơn 20 năm xa quê hương, tôi động viên con học để mong một ngày nào đó cả nhà sẽ về quê chồng như ước mơ của Natasha...".

Câu chuyện bị ngắt ngang bởi tiếng chuông của người đưa thư. Mọi người trong nhà bỗng vỡ òa sung sướng khi nhận lá thư thông báo của Liên đoàn Thể thao Ukraine về việc Le Natasha được nhận vào đội tuyển Ukraine. Anh Thủy sung sướng nói: "Thế là công lao bấy lâu đã được đền đáp. Mỗi năm bỏ ra gần chục ngàn đôla cho hai chị em đi học khiêu vũ là cả một gánh nặng. Đến cả người Ukraine cũng khó theo đuổi. Vì vậy có được chút thành công ban đầu như thế này thì tự hào và sung sướng lắm". Sau lời chúc mừng của Dima, tôi cũng tự hào lây bởi những người đồng hương...

Do việc buôn bán của người Việt ở đây ngày càng khó khăn nên Le Ira phải làm thêm bằng nghề nhảy hip hop, làm người mẫu cho các hãng địa phương để phụ giúp ba mẹ. Còn cô em Le Natasha thỉnh thoảng cũng nhận chụp hình mẫu quảng cáo cho các thương hiệu trái cây, nước hoa quả ở các trung tâm thương mại. Tuy không kiếm được nhiều tiền nhưng đó là niềm vui của gia đình anh Thủy, là niềm tự hào của cộng đồng người Việt tại Donetsk.

Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh khu nhà, Le Ira ríu rít hỏi: "Quê ba cháu có đẹp hơn ở đây không? Ở đấy mọi người có thích khiêu vũ không? Liệu ở đấy mọi người có thích một đứa con lai như tụi cháu? Với chiều cao gần 1,75m của cháu, không biết về VN có tìm được bạn nhảy hay không? Nghề nhảy đôi của cháu thành công hay không cũng nhờ một phần rất lớn từ bạn nhảy. Nếu không có bạn nhảy, cháu sẽ làm người mẫu ở VN được chứ...?". Và nhiều câu hỏi nữa về nguồn cội của mình còn khắc khoải trong tâm hồn non trẻ của cả Le Ira và Le Natasha.

Khi nghe tôi nói "người VN sẽ rất tự hào khi có những người con như các cháu", Le Natasha nhoẻn miệng cười: "Chúng cháu rất biết ơn họ! Chú nói với họ, sau này cháu sẽ về VN để được khiêu vũ trên quê hương của ba".

Nỗ lực vì quê hương ba

 "Thiên nga" Việt trên dòng Kalmius 2
Le Natasha trong cuộc thi đoạt giải nhất toàn Ukraine năm 2012 - Ảnh: T.Anh

Tại giải đấu năm 2010, Le Natasha khi ấy mới học lớp 4. Dù đang bị sốt đến 39 độ nhưng Natasha đã cố gắng vượt qua để đoạt được giải nhì toàn quốc. Le Natasha nhớ lại: "Nghĩ đến sự vất vả của ba mẹ, nghĩ đến trong mình mang hai dòng máu nên cháu phải cố gắng gấp đôi so với bạn bè, bởi cháu nghĩ mình không chỉ là niềm tự hào của người Ukraine, mà còn là niềm vui của quê hương ba...".

Theo Thế Anh / Tuổi Trẻ

>> Gái mại dâm Ukraine “vỡ mộng” mùa Euro 2012
>> Cựu tổng thống Ukraine lập đảng cánh hữu
>> Ukraine xử tù 2 gián điệp Triều Tiên
>> Ukraine kết án 2 người Triều Tiên đánh cắp công nghệ tên lửa
>> Ukraine bắt hai nghi can đánh bom Dnipropetrovsk

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.