Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động

06/03/2008 01:40 GMT+7

(Tiếp theo Thanh Niên thứ tư 5.3.2008) Mỗi một di sản của tổ tiên đều phải được truy tìm, cũng như mỗi một tấc đất của tổ tiên đều phải được gìn giữ.

Một minh chứng văn hóa

Những phát hiện nói trên của giáo sư Lê Mạnh Thát cho phép dựng lại lịch sử dân tộc trong thời kỳ nước nhà không có sử liệu, sử sách được viết chủ yếu căn cứ theo các tài liệu của Trung Quốc. Việc khẳng định chủ quyền của dân tộc thời trước Hai Bà Trưng, thời Sỹ Nhiếp và sau đó nữa là có cơ sở. Những phát hiện về văn hóa, bắt đầu từ Khương Tăng Hội với Lục độ tập kinh và Mâu Tử với Lý hoặc Luận, đặc biệt là sự kiện 6 lá thư đề cập dưới đây càng minh chứng cho điều đó.

Lý hoặc Luận của Mâu Tử là một tác phẩm nổi tiếng, được viết vào cuối thế kỷ thứ II (198) và được lưu hành tại Trung Quốc bắt đầu từ thế kỷ thứ V, có ảnh hưởng lớn ở Trung Quốc. Nó còn là "sách gối đầu giường" của người Phật tử Viễn Đông, cụ thể là Trung Quốc và Nhật Bản. Đến nửa đầu thế kỷ XX, một loạt những nghiên cứu của các học giả Trung Quốc, Nhật Bản và Pháp được công bố về tác phẩm này, gây nên một cuộc tranh biện sôi nổi và hào hứng, bắt đầu từ công trình của Lương Khải Siêu, tiếp đó là của H.Maspéro, Tokiwa Daijo, P.Pelliot, Chu Thúc Ca, Hồ Thích, Matsumoto Bunzaro, Dư Gia Tích và Fukui Kojun (dẫn theo Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1). Ở Việt Nam, nó cũng được coi là cuốn sách lý luận được quan tâm từ hơn 1.000 năm trước, đặc biệt từ năm 1932 khi Trần Văn Giáp giới thiệu Mâu Tử là "người đầu tiên truyền bá đạo Phật ở Việt Nam", cuốn sách đó được sự quan tâm rộng rãi của giới học giả và nhiều người dân. Trong khi nghiên cứu Lục độ tập kinh, giáo sư Lê Mạnh Thát đã phát hiện những mối liên hệ thú vị và trên cơ sở một cuộc khảo sát hết sức công phu, ông đã tìm ra bằng chứng khẳng định Mâu Tử là người Việt Nam và Lý hoặc Luận chính là tác phẩm của Việt Nam truyền sang Trung Quốc. Công trình nghiên cứu này của ông đã được công bố một phần trước năm 1975 và công bố toàn bộ sau này (xem Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam, tập 1).

Theo giáo sư Lê Mạnh Thát:  "Trong bối cảnh văn hóa thời Mâu Tử, Lý hoặc Luận không phải viết để xiển dương Phật giáo, mà là một cuộc tổng kết cuộc đấu tranh về văn hóa, giữa văn hóa Việt Nam đối với văn hóa phương Bắc". Phải có một bề dày văn hóa như thế nào mới có thể có được một bản lĩnh văn hóa như vậy. Một bên thì áp đặt Thi Thư như chân lý, Trung Hoa là trung tâm, một bên Mâu Tử đáp trả "Đất Hán chưa chắc là trung tâm của trời đất", "năm kinh chưa hẳn là lời của thánh hiền". Tiếp cận tác phẩm của Mâu Tử, chúng ta còn thấy dân tộc ta đã bảo tồn văn hóa của mình như thế nào, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo để phát triển nền văn hóa của mình như thế nào và truyền bá văn hóa của mình ra nước ngoài ra sao.

Sáu lá thư và một vị vua

Một phát hiện cực kỳ quan trọng khác của giáo sư Lê Mạnh Thát là 6 lá thư nằm trong Đại tạng kinh chữ Hán. Đó là 6 lá thư trao đổi giữa hai pháp sư Đạo Cao và Pháp Minh với một "sứ quân" của Giao Châu tên là Lý Miễu. Trước khi ông công bố 6 lá thư này, chưa có một tài liệu nào đề cập tới. Từ điểm gây tò mò đầu tiên trong 6 lá thư là địa danh "Giao Châu", ông đã tiến hành một cuộc truy tìm ngoạn mục. Trước hết là tìm nguồn gốc Việt Nam về mặt điển cố lịch sử, tìm nguồn gốc Việt Nam về mặt điển cố thư tịch, kế đó là tìm niên đại và tung tích tác giả 6 bức thư.

Khó khăn nhất là tìm ra tác giả của chúng. Ông bảo tung tích của những người mang tên Đạo Cao, Pháp Minh và Lý Miễu ngày nay chúng ta không biết một tí gì hết. 

Ông "kiểm soát toàn bộ" những tư liệu lịch sử Trung Quốc và Phật giáo Trung Quốc, cũng như tư liệu lịch sử Việt Nam và Phật giáo Việt Nam, cũng không tìm thấy những người có các cái tên ấy. Ông lục tìm trong Tấn thư, Tống thư, Nam Tề thư, Lương thư, Ngụy thư, Bắc sử, Nam sửTư trị thông giám sử cũng như Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử tiêu án và Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng không gặp một "sứ quân" (hoặc chức vụ tương đương) nào với cái tên Lý Miễu; lục tìm trong Cao tăng truyệnTục cao tăng truyện cũng như Thiền Uyển tập anh, cũng không tìm thấy một pháp sư nào có tên Đạo Cao hay Pháp Minh. Chỉ duy nhất trong Toàn Tấn văn 157 tờ 15a12-2 có liệt ra tên một Thích Đạo Cao, nhưng kiểm tra bản mục lục của văn liệu này cũng như xuất xứ của tên ấy dẫn từ Cao tăng truyện 5 tờ 255b15-17 thì thấy là Thích Đạo Tung chứ không phải Đạo Cao, sự khác nhau đó là do Toàn Tấn văn khắc nhầm.

Ông mở rộng việc truy tìm sang các tài liệu Nhật Bản và Triều Tiên. Trong khi khảo sát toàn bộ tài liệu liên quan của Nhật, ông đọc kỹ lại Nhật Bản quốc kiến tại thư mục lục (là sách được Vũ Điền thiên hoàng cho viết nhằm ghi lại tất cả những bộ sách Trung Quốc còn sót lại trong Thư viện hoàng gia sau vụ cháy năm 887), tìm thấy một dữ kiện lôi cuốn. Dưới mục thứ mười mang tên Tiểu học gia, liệt ra một bộ sách nhan đề "Tá âm, một quyển, Thích Đạo Cao soạn" và dưới mục Biệt tập lại ghi "Đạo Cao pháp sư tập, một quyển". Vấn đề là Đạo Cao tác giả của hai cuốn sách Tá âmĐạo Cao pháp sư tập này có phải là Đạo Cao pháp sư trong 6 lá thư hay không? Đối chiếu thì thấy hai tác phẩm này chắc chắn không phải do người Nhật biên soạn mà phải là từ Trung Quốc mang về, vì khảo sát toàn thể tài liệu Phật giáo Nhật Bản ông không thấy tăng sĩ Nhật Bản nào mang tên Đạo Cao cả. Vấn đề là họ mang về Nhật từ lúc nào. Một cuộc kiểm soát tiếp vẫn không cho biết một tí gì cả, chỉ biết chắc chắn là nó phải được mang về trước năm 887 để có thể ghi vào bản thư mục nói trên. Ông cũng kiểm soát những bản thư tịch liệt kê những tư liệu liên quan tàng trữ ở các nước Anh, Pháp, Liên Xô, cũng không tìm thấy gì hết.

Tuy nhiên, ở đây xuất hiện một vấn đề mới. Trước hết về cuốn Tá âm. Nó được liệt vào loại Tiểu học gia, mà căn cứ vào định nghĩa của Tùy thư kinh tịch chí, nó là loại sách ngôn ngữ. Cần nói thêm, một chú giải trong tài liệu Nhật Bản còn ghi "Kinh tịch chí của Tùy thư có ghi Tá âm tự một quyển, nhưng không ghi họ tên người viết". Ghi chú này đã được xác nhận từ tài liệu Trung Quốc và từ dẫn giải của các tài liệu Trung Quốc cũng như Nhật Bản, có thể coi Tá âm tự là một tác phẩm khác nữa của Thích Đạo Cao. Như vậy là ít nhất Thích Đạo Cao cũng có 3 tác phẩm được nhắc đến. Vấn đề đặt ra là tại sao những tác phẩm đó được Nhật Bản đem về từ Trung Quốc mà Trung Quốc lại không ghi một cách đàng hoàng trong các tài liệu chính thống của mình, mà chỉ ghi một cách sơ sài khuyết danh trong Tùy thư? Tiếp tục nghiên cứu và đối chiếu, ông xác định rằng sở dĩ như vậy là vì những sách đó chắc chắn không phải tiếng Trung Quốc mà là tiếng nước ngoài.

Những khảo sát như vậy dẫn đến kết luận, Đạo Cao chắc chắn không phải là người Trung Quốc, Nhật Bản hay Triều Tiên, trong khi người mang tên đó là một trong hai tác giả các bức thư trao đổi với Lý Miễu, "sứ quân" Giao Châu. Bởi vậy Đạo Cao chắc chắn là người Việt Nam. Và từ nhân vật này, ông phát hiện một chứng cứ quan trọng khác về một cột mốc phát triển ngôn ngữ dân tộc: Tá âm là một quyển sách ngữ học về quốc âm, còn Tá âm tự  là một cuốn tự điển về thứ tiếng quốc âm đó. Rất tiếc là chúng đã thất lạc, nhưng chắc chắn là có những cuốn sách đó. Ông bảo trong sưu tập Stein tàng trữ tại Bảo tàng viện Anh Quốc có một thủ bản mang ký hiệu S.5731, mô tả một tài liệu giống như vậy, nhưng vì ông "chưa có trong tay" thủ bản đó nên chưa thể khẳng định.

Chúng tôi dẫn chứng dài dòng đoạn trên, tuy rất sơ lược, để bạn đọc phần nào thấy được cách làm việc cẩn trọng của giáo sư Lê Mạnh Thát. Những khảo sát như vậy đã được tiến hành và dễ dàng tìm ra tông tích Việt Nam của người thứ hai là Pháp Minh.

Đối với nhân vật Lý Miễu, nội dung 6 lá thư cho thấy Lý Miễu được gọi là "sứ quân" và lời lẽ của nhị vị pháp sư trong 6 lá thư coi ông "ở địa vị của một bậc thiên tử". Đối chiếu danh sách những chức danh tương đương với "sứ quân" như "thái thú", "thứ sử" Trung Quốc cử sang thì không thấy tên Lý Miễu. Toàn bộ sử sách Trung Quốc cũng như Việt Nam đều không có tên Lý Miễu. Với một khảo sát văn liệu tương tự cùng những phân tích chính trị, xã hội đến tận ngọn nguồn, ông kết luận Lý Miễu chính là một vị vua của Việt Nam. Một nhân vật xưng vương xưng đế trên một đất nước độc lập mà Trung Quốc không với tới thì sử sách Trung Quốc không chép là không có gì lạ. Còn việc sử ta không chép cũng là đương nhiên, vì không không có sử liệu. Ông ước đoán 6 lá thư đó được viết vào những năm 435-440, nằm trong thời kỳ Nam Bắc triều (420-588) của Trung Quốc. Niên đại của Lý Miễu nằm trong khoảng 390-470, của Đạo Cao khoảng 365-455 và Pháp Minh khoảng 370-460. 6 lá thư chứa đựng những sử liệu vô cùng quý giá cho việc nghiên cứu nghệ thuật, âm nhạc, văn học, Phật giáo, chính trị và tư tưởng (bạn đọc quan tâm vấn đề này xin đọc Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 1, trang 427-582).

Xin tạm dừng loạt bài này ở đây. Thiền sư Lê Mạnh Thát đã thực hiện một loạt các công trình nghiên cứu đồ sộ về lịch sử dân tộc và lịch sử Phật giáo, về văn học, triết học... Riêng các công trình lịch sử văn học của ông được tập hợp thành Tổng tập văn học Phật giáo khoảng 50 tập (đã in 3 tập). Chúng tôi giới thiệu sơ lược một số trong rất nhiều phát hiện lịch sử của thiền sư với mong muốn những người quan tâm đến lịch sử nước nhà biết đến. Đối với các cơ quan quản lý ngành lịch sử và những nhà sử học - những người đang nghiên cứu lịch sử, chúng tôi thiết nghĩ nó có lợi chứ hoàn toàn không gây thiệt hại gì cho việc nghiên cứu, vì nghiên cứu thì cần có những tài liệu mới do chính mình hoặc do người khác phát hiện ra. Các cơ quan nghiên cứu lịch sử hoặc các nhà sử học có thể xem xét, đánh giá, tranh biện, cái gì có tài liệu chứng minh là không đúng thì nói là không đúng, cái gì cần tiếp tục làm rõ thì cùng nhau tìm tòi làm rõ, nhưng cái gì thấy có cơ sở là đúng rồi thì cần thừa nhận để đưa vào dòng chính thống. Tất cả đều nhằm mục đích tìm ra sự thật để tôn vinh dân tộc chúng ta. Mỗi một di sản của tổ tiên đều phải được truy tìm, cũng như mỗi một tấc đất của tổ tiên đều phải được gìn giữ.

Hoàng Hải Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.