Thiên tai gây thiệt hại nhiều nơi

06/06/2016 12:51 GMT+7

Nắng hạn gay gắt và xâm nhập mặn vẫn chưa chấm dứt, nông dân tại ĐBSCL lại phải đối mặt với nỗi lo mới khi hàng ngàn héc ta lúa chờ thu hoạch bị thiệt hại nặng nề do mưa lớn kéo dài...

Đội chi phí thu hoạch lúa
Tại tỉnh Hậu Giang, nhiều nơi lúa bị đổ ngã làm trì trệ tiến độ thu hoạch, dẫn đến ùn ứ công cắt cục bộ. Thậm chí, nhiều hộ không đợi được máy cắt đành chấp nhận chuyển sang thu hoạch bằng tay với chi phí tăng gấp 4 - 5 lần. Giá thuê nhân công thu hoạch lúa bằng tay hiện ở mức từ 400.000 - 600.000 đồng/công. Nếu tính cả tiền cắt, trâu kéo, máy suốt... thì mỗi công lên đến gần 900.000 đồng, nhưng kiếm được nhân công không phải dễ; trong khi tiền thuê máy thu hoạch chỉ khoảng 300.000 đồng/công.
Không chỉ nông dân sốt ruột, các chủ máy cắt cũng lo lắng không kém. Ông Nguyễn Trung Kiên, ở xã Vị Đông (H.Vị Thủy, Hậu Giang), cho biết: “Tôi ở xã bên cạnh qua cánh đồng này nhận cắt của bà con gần 200 công đất, nhưng 10 ngày nay trời mưa suốt nên máy chỉ nằm chờ trên bờ là nhiều, đến giờ chỉ cắt được gần 100 công. Giờ chỉ mong trời nắng trở lại để sớm thu hoạch lúa cho bà con”.
Qua thống kê của ngành chức năng Hậu Giang, mưa dầm trong những ngày qua đã làm cho gần 2.700 ha lúa hè thu trong giai đoạn chín bị đổ ngã, trong đó có hơn 400 ha bị đổ ngã 100% diện tích, số còn lại cũng bị ảnh hưởng từ 5 - 70%. Còn tại tỉnh Đồng Tháp hàng ngàn héc ta lúa hè thu đang trong thời kỳ chín ở các huyện Tháp Mười, Tam Nông, Thanh Bình… bị đổ từ 40 - 60%, một số diện tích đổ rạp hoàn toàn, gây khó khăn trong khâu thu hoạch.
Mưa lớn liên tục kèm theo giông lốc đã làm hơn 30.500 ha lúa ở tỉnh Kiên Giang đang trong giai đoạn trổ chín bị đổ, ngã. Trong đó có gần 5.900 ha thiệt hại từ 30 - 70%, hơn 24.600 ha bị thiệt hại dưới 30% tập trung nhiều nhất ở các huyện Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng và Giang Thành. Theo bà con nông dân, do lúa bị đổ ngã làm cho chất lượng hạt lúa giảm nên giá thu mua liên tục sụt giảm. Hiện thương lái mua lúa tươi giống IR 50404 tại ruộng chỉ còn 4.000 - 4.300 đồng/kg, giống OM 5451 từ 4.600 - 4.700 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg so với đầu vụ (đầu tháng 5.2016). Nhiều thương lái chấp nhận bỏ tiền cọc với nông dân do trước đó đã lỡ đặt mua với giá cao.
Một điểm sạt lở cắt đứt giao thông ở H.Châu Thành (Hậu Giang).  Ảnh: Nguyên Đạt
Một điểm sạt lở cắt đứt giao thông ở H.Châu Thành (Hậu Giang) Ảnh: Nguyên Đạt
Nhiều thiệt hại do thiên tai
Thiên tai trong những ngày qua không chỉ gây thiệt hại nặng về lúa mà còn làm sập, tốc mái nhiều căn nhà, gây sạt lở nhiều nơi đe dọa đến tính mạng, tài sản và khiến nhiều hộ dân lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, sạt lở xảy ra nhiều nhất ở các xã Tân Long Hội, Hòa Tịnh thuộc H.Mang Thít...
Tại Hậu Giang, toàn tỉnh có 25 căn nhà bị sập hoàn toàn và tốc mái, trong đó nhiều nhất là ở H.Long Mỹ và TX.Long Mỹ. Riêng về sạt lở, từ đầu năm đến nay, Hậu Giang ghi nhận khoảng 30 điểm sụp đất bờ sông, gây khó khăn lớn cho giao thông, ảnh hưởng nhà cửa, tài sản người dân...
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, thời tiết trên địa bàn tỉnh trong vài ngày tới tiếp tục có mưa lớn và không loại trừ khả năng kèm theo lốc xoáy. Do đó, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình, khuyến cáo người dân chằng chống nhà cửa, phát quang cây cối xung quanh nhà; tổ chức bơm tiêu nước cho lúa hè thu và lúa vụ ba mới xuống giống để giảm thiệt hại; triển khai gia cố các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở, đồng thời có kế hoạch di dời người dân ra khỏi những khu vực nguy hiểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.