Năm 2006, nhiều doanh nghiệp "lãnh đủ" khi bão Xangsane dồn dập đổ vào Đà Nẵng. Đến lúc này, họ mới giật mình vì chưa một lần nghĩ đến bảo hiểm rủi ro do thiên tai.
Mất trắng
Việt Nam hiện có trên 500.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) chiếm 98% tổng số DN cả nước. Các DNVVN đóng góp hơn 40% GDP và sử dụng trên 50% lao động xã hội. Đây cũng là đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề nhất của thiên tai, đặc biệt là các DN ở miền Trung. Tuy nhiên, theo báo cáo khảo sát của dự án "Đẩy mạnh hợp tác công - tư trong quản lý rủi ro thiên tai và tăng khả năng chống chịu của cộng đồng tại Việt Nam", 100% DN được khảo sát đều bị ảnh hưởng bởi thiên tai dưới nhiều mức độ khác nhau. Đơn cử, trận bão Xangsane tại Đà Nẵng năm 2006, toàn thành phố bị thiệt hại 5.300 tỉ đồng thì riêng con số thiệt hại của cộng đồng DN lên đến 3.000 tỉ đồng. Tại Nghệ An, cơn bão Ketsana 2009 đã làm thiệt hại gần như toàn bộ sản phẩm và nhà xưởng của Nhà máy gạch tuynen Công ty Thanh Thành Đạt, thiệt hại 5 tỉ đồng.
Mục tiêu của dự án là xây dựng khả năng ứng phó bền vững và hiệu quả với thiên tai thông qua đẩy mạnh mối hợp tác công - tư trong quản lý rủi ro, nâng cao năng lực phòng ngừa, thúc đẩy các sáng kiến trách nhiệm xã hội của các DN trong việc giảm thiểu RRTT. "TAF đang đẩy mạnh vai trò của hiệp hội doanh nghiệp hay các tổ chức đại diện cho giới doanh nhân để tăng cường hiệu quả trong việc giảm thiểu RRTT". (Bà Tô Kim Liên - Giám đốc Quỹ châu Á tại VN - TAF) |
Hai loại hình thiên tai mà các DN nói chung và DN miền Trung thường gặp là lụt và bão. Khảo sát hậu quả của thiên tai tại Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa thì có 41,18% DN bị thiệt hại về nhà xưởng, 35,3% DN thiệt hại về sản phẩm, hàng hóa, mất nguồn cung ứng nguyên liệu và thiệt hại do công nhân nghỉ việc ở mức nặng nề và rất nặng nề... Về công tác phòng tránh rủi ro thiên tai (RRTT) của bản thân các DN, 45,74% DN có quan tâm nhưng chưa có kế hoạch đối phó, hơn 1/3 DN cho rằng đã có kế hoạch nhưng không đủ nguồn lực và năng lực để thực hiện. Tuy nhiên, khi đề nghị được tham khảo kế hoạch thì hầu hết câu trả lời là kế hoạch ở trong... đầu, và chỉ triển khai khi có thực tế. Một số DN chỉ liệt kê phương án mang tính đối phó.
Một thực tế đáng quan tâm, khi thiên tai xảy ra, 70% DN không có các phương án hay hướng dẫn sử dụng đường vận chuyển dự phòng sản phẩm. Hơn một nửa DN không hề có kế hoạch bảo vệ thiết bị, dữ liệu cần thiết khi sự cố xảy đến cũng như không có kế hoạch phân công nhiệm vụ khi khẩn cấp. Đáng ngại hơn khi hơn một nửa các DN chưa có kế hoạch phục hồi sau thiên tai.
Vì sao DN thờ ơ?
Một phần xuất phát từ việc các chính sách và chương trình quốc gia hiện nay chưa đề cập đầy đủ đến vai trò của cộng đồng DN, đặc biệt khu vực tư nhân trong quá trình phòng ngừa ứng phó và giảm nhẹ thiên tai. Các chương trình mới chỉ dừng lại ở việc tổ chức các lớp đào tạo huấn luyện RRTT cho cộng đồng mà chưa có chương trình đào tạo tập huấn cho khối DN. Tất cả các DN đều cho biết họ đang rất cần các lớp này, chủ yếu là thông tin về các chính sách và pháp luật liên quan đến RRTT ở Việt Nam (98,08%). Nhất là đào tạo về kỹ thuật gia cố nhà xưởng và cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, theo thống kê của VCCI, mới chỉ 57% DN tham gia đóng bảo hiểm RRTT, phần lớn chỉ là tham gia ở mức dưới giá trị thực tế hoặc một số hạng mục cho đúng thủ tục. Riêng Đà Nẵng có tỉ lệ DN mua bảo hiểm bão, lụt cao nhất, với hơn 85%.
|
Đến nay chưa có một văn bản pháp quy liên quan nào quy định bắt buộc tất cả các loại hình DN phải có phương án quản lý RRTT và mua bảo hiểm RRTT như đã làm với phòng chống cháy nổ. Ngoài ra, về phần mình, các DN bảo hiểm cũng không mặn mà lắm với sản phẩm này đối với một thị trường mà nguy cơ RRTT luôn ở mức cao.
Ở khu vực được đánh giá là "nhạy cảm" về thiên tai như miền Trung, ý thức phòng tránh rất cần thiết chứ không trông chờ vào đền bù của các công ty bảo hiểm.
Vũ Phương Thảo
Bình luận (0)