Ngày 22.12, trong chương trình "Dấu ấn phòng chống thiên tai" năm 2023, ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, Bộ NN-PTNT), cho biết trong năm 2023, nước ta đã xảy ra trên 1.100 trận thiên tai.
Trong đó, một số đợt thiên tai lớn, gây hậu quả nghiêm trọng tập trung vào các loại hình thiên tai như mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất: sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) làm 3 chiến sĩ và 1 người dân bị vùi lấp; sạt lở tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) làm 2 người chết, 5 người bị thương; mưa lớn gây lũ quét tại TX.Sa Pa và H.Bát Xát (Lào Cai ) khiến 9 người chết; 3 đợt mưa lớn tại miền Trung từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11 làm 14 người chết, mất tích...
Từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 166 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.236 tỉ đồng.
Ông Hải đánh giá, trong các đợt thiên tai lớn năm 2023, các địa phương đã chủ động triển khai ứng phó từ sớm, từ xa, góp phần giảm thiểu thiệt hại.
Tuy nhiên, một số nơi người dân vẫn còn chủ quan, xem nhẹ ảnh hưởng, mức độ nguy hiểm của thiên tai nên đã xảy ra những thiệt hại đáng tiếc về người khi đi qua các ngầm tràn, các con suối ngập sâu, nước chảy xiết và bị cuốn trôi, trẻ em bị đuối nước, bị lật ghe...
"Cần hành động sớm để ứng phó thiên tai. Điều này thể hiện ở việc chuẩn bị sẵn sàng với các hoạt động xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai; chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện và tổ chức diễn tập theo phương án đã phê duyệt; ban hành sớm các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai và thông tin đến các cấp chính quyền cơ sở và người dân để chủ động ứng phó", ông Hải nói.
Miền Bắc đón rét đỉnh điểm đúng đêm Noel, có nơi dưới 0 độ
Thiên tai gia tăng tần suất và cường độ
Trong khi đó, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho hay tính đến hết ngày 21.12, trên Biển Đông đã có 7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). So với trung bình nhiều năm (TBNN), số lượng bão, ATNĐ năm nay hoạt động trên Biển Đông ít hơn rất nhiều.
Các cơn bão và ATNĐ hầu như không đổ bộ trực tiếp nên không gây gió mạnh trong đất liền, riêng cơn bão số 1 đổ bộ vào phía nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) gây gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 cho vùng ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng. ATNĐ trong tháng 9 di chuyển vào đất liền các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và suy yếu nhanh thành một vùng áp thấp.
"Số lượng bão, ATNĐ ít hơn so với TBNN là một điều khác thường, tuy nhiên trong bối cảnh El Nino thì đây lại là điều bình thường, vì thống kê những năm có El Nino, số lượng Bão, ATNĐ thường ít hơn so với TBNN", ông Lâm nói.
Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho rằng, thiên tai đang gia tăng về tần suất và cường độ, làm tăng số người tử vong và thiệt hại tài sản.
Mỗi vùng trên thế giới đều đối mặt với những loại hình thiên tai đặc trưng của nó, và người dân thường ứng phó theo những kinh nghiệm truyền thống từ đời cha ông. Tuy nhiên, với sự cực đoan hóa ngày càng tăng, kinh nghiệm truyền thống không còn đủ hiệu quả, dẫn đến thiệt hại nặng nề.
Theo ông Lâm, cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo; đầu tư và phát triển hệ thống cảnh báo sớm hơn để cung cấp thông tin chính xác và kịp thời về thiên tai; tổ chức tập huấn cho người dân hiểu rõ về thông tin khí tượng thủy văn cần truyền tải trong các bản tin; xây dựng hạ tầng chống chịu; thiết kế và xây dựng hạ tầng đô thị và nông thôn chống chịu với điều kiện thiên tai cực đoan...
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 22.12
Bình luận (0)