Bắt đầu từ giữa đến cuối tháng 9 ở Hà Tĩnh - Bình Định và bắc Tây nguyên, Lâm Đồng; đến tháng 10 với 6 đợt từ bắc Trung bộ mở rộng dần xuống Bình Thuận; sang tháng 11 có 3 đợt lũ và trong nửa đầu tháng 12 có 3 đợt tiếp nối nhau...
Nước chưa kịp rút thì mưa tiếp tục đổ dồn, gây lũ lớn từ Quảng Bình cho đến tận Bình Thuận và Gia Lai, Kon Tum ở Tây nguyên, có nơi bằng lũ lịch sử 1999, 2013. Nhiều nơi ngập tới nóc nhà, bị cô lập, phố cổ Hội An cũng như nhiều vùng bị chìm trong biển nước.
Trong dân gian có câu ca dao tục ngữ từ kinh nghiệm thiên tai của người dân miền Trung: Ông tha mà bà không tha, làm ra đợt lũ 23 tháng 10, ý muốn nói lũ muộn nhất cũng là vào 23.10 âm lịch, vì mùa mưa ở miền Trung bắt đầu từ giữa tháng 9, cao điểm mưa to gây lũ là tháng 10 - 11 (từ cuối tháng 8 đến tháng 10 âm lịch tùy theo năm). Thế mà năm nay, lũ lớn lịch sử lại rơi vào trung tuần tháng 11 âm lịch là quá muộn, một cách bất thường so với khí hậu vùng này.
Sau khi El-Nino chấm dứt, chuyển sang hiện tượng La-Nina từ tháng 10 thì thấy rõ là mưa và bão lũ dồn hẳn về cuối năm, từ miền Trung đến miền Nam, mặc dù cường độ La-Nina cũng chỉ trung bình và đang suy yếu dần. Những đợt lũ vừa qua ở miền Trung đều do các hình thế thời tiết nêu trên, nhưng bất thường là ngay cả khi cường độ không quá mạnh mà mưa rất lớn, đợt lũ ở miền Trung có ngày liên tiếp có lượng mưa từ 100 - 300 mm/ngày. Điều này cho thấy tác động của sự biến đổi khí hậu ngày càng rõ hơn, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, các dạng thiên tai ngày càng có diễn biến bất thường và rất nguy hiểm.
Một vấn đề lớn là mưa cũng làm cho các hồ chứa của các công trình thủy điện bị đe dọa nên việc xả lũ xuống hạ du là điều không thể tránh khỏi, mặc dù được cho là theo quy trình, quy định… nhưng đây luôn là mối đe dọa trên đầu người dân sống ven sông, vùng đồng bằng trũng thấp khi mưa lũ kéo đến. Ngoài thiên tai thì con người đang làm tổn thương môi trường và các dòng sông một cách cưỡng bức.
Có thể thấy rõ là thông thường khi mưa giảm thì nước lũ cũng rút dần, nhưng các hồ thủy điện xả lũ ào ạt, làm cho nước lũ dâng cao hơn, hoặc duy trì tình trạng ngập lụt sâu kéo dài, nhiều vùng bị chia cắt, khốn khổ vì đói kém, mùa màng thất bát, nguy hiểm chết người đe dọa hàng triệu người dân vùng lũ.
Các tỉnh miền Trung, Kon Tum, Đắk Nông đã có gần 150 dự án thủy điện lớn nhỏ đã được phê duyệt. Thủy điện cũng làm cho diện tích rừng bị thu hẹp, miền Trung và Tây nguyên rừng bị chặt phá vô cùng nghiêm trọng và lũ lụt là hậu quả không thể tránh khỏi. Đỉnh lũ ngày càng lớn, tần suất xuất hiện nhiều ở Tây nguyên, các tỉnh có rừng như Quảng Nam, Quảng Ngãi... do rừng đầu nguồn bị chặt phá, không có khả năng giữ nước, điều tiết dòng chảy trong khi hệ thống thủy điện nhỏ và vừa tràn lan.
Con người đang góp sức làm cho thiên tai ngày càng thêm nghiêm trọng, tính chất bất thường do tàn phá điều kiện tự nhiên, mà nạn nhân đa phần là người dân nghèo, vùng sâu vùng xa. Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên, song song đó cần những hành động sớm, quyết liệt trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, giảm các dự án thủy điện nhỏ và vừa không nhiều hiệu quả để bảo vệ hạ du, trước hết là nhằm giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra.
Bình luận (0)