|
Đồng hồ nước: vi phạm tỷ lệ quá cao
Theo kết quả thanh tra tổng hợp, tỷ lệ vi phạm quy định quản lý đo lường đồng hồ nước khá cao, tới 44,8%. Kết quả thanh tra của 11 sở khoa học - công nghệ (KH-CN): Khánh Hòa, Hậu Giang, Đồng Tháp, Long An, Cà Mau, Phú Yên, Cao Bằng, Đắk Lắk, Quảng Trị, Gia Lai, Vĩnh Long thì 100% cơ sở vi phạm.
Số liệu thống kê chưa đầy đủ của 23 sở KH-CN, khi kiểm tra 1.128.469 chiếc đồng hồ nước, có 289.346 chiếc hết hiệu lực kiểm định, chiếm 25,6%. Ở nhiều địa phương, tỷ lệ này cao hơn. Ví dụ, tại Cao Bằng, số đồng hồ nước hết hiệu lực kiểm định là 10.118 trên tổng số 22.950 chiếc được kiểm tra. Ở Đồng Tháp, tỷ lệ là 50%; Long An: 56,4%; Tiền Giang 70,3%. Phú Yên có 100% số đồng hồ kiểm tra quá hạn kiểm định (19.159 chiếc).
Đánh giá của cơ quan thanh tra cho biết, phần lớn đồng hồ nước của các hộ dân lắp đặt ở cổng ra vào, đào sâu, chôn, đổ bê tông nên việc thay thế, kiểm tra đo lường khó khăn vì phải đào phá. Đáng chú ý, hiện nay, chủ yếu người dân phải bỏ tiền ra mua đồng hồ đo nước, điều này trái với quy định của Chính phủ là doanh nghiệp cấp nước phải trang bị đồng hồ đo và thực hiện kiểm định.
Công tơ điện: nhiều nơi 100% hết hạn kiểm định
Cũng theo tổng hợp của Bộ KH-CN, tại các cơ sở kinh doanh điện, các cơ quan thanh tra phát hiện 42/265 cơ sở vi phạm (15,8%), chủ yếu là vi phạm quy định về kiểm định định kỳ với phương tiện đo. Nếu theo hồ sơ quản lý của các đơn vị bán điện thì tỷ lệ vi phạm rất thấp. Ví dụ như ở Cà Mau, Đắk Nông, Hà Giang, chỉ có 5,5% số công tơ điện hết hạn kiểm định, nhưng thực tế kiểm tra thì cao hơn. Tại Bến Tre, qua kiểm tra, tỷ lệ hết hạn kiểm định lên tới 45,7%.
Theo cơ quan thanh tra, các cơ sở kinh doanh điện hầu hết là các công ty lớn, quản lý số lượng lớn khách hàng, mỗi cơ sở quản lý hàng ngàn công tơ nên thường kiểm định theo phương thức “cuốn chiếu”. Nhưng luôn để tồn khoảng 10 - 15% số đồng hồ đang sử dụng nhưng đã hết hiệu lực kiểm định.
Những sai phạm về cân khối lượng cũng khá cao. Kết quả kiểm tra của 17 sở KH-CN khi kiểm tra 2.936 cân khối lượng (cân bàn, cân đĩa, cân đồng hồ lò xo, cân ô tô) cho thấy, 32,8% số thiết bị được kiểm tra có sai phạm quy định về phương tiện đo. Ở nhiều địa phương, tỷ lệ này rất cao: Phú Yên và Kiên Giang 100%, Bà Rịa-Vũng Tàu 81,7%; Cần Thơ 74,6%; Quảng Ninh 72,4%, Lạng Sơn 68,2%.
Các phương tiện đo trong các cơ sở y tế như nhiệt kế, huyết áp kế, máy đo điện tim, đo điện não... lần đầu tiên được kiểm tra nhưng vi phạm rất cao. Có tới 385/1.493 cơ sở y tế được thanh tra vi phạm quy định về đo lường, chiếm tỷ lệ 25,8% số cơ sở thanh tra.
Theo đánh giá của Thanh tra Bộ KH-CN, tình trạng này có một số nguyên nhân khác thuộc về chính sách. Ví dụ Thông tư 23/2103/TT-BKHCN của chính bộ này ban hành năm 2013 chưa có quy định xử lý hành vi không lập, lưu giữ đầy đủ hồ sơ thiết bị nên thanh tra gặp khó khăn trong xử lý. Các hành vi vi phạm trong sử dụng các loại thiết bị điện trên chỉ bị xử phạt từ 200.000 - 400.000 đồng, chế tài quá nhẹ, không đủ răn đe...
Hà Nguyễn
>> Tem kiểm định có cũng như không!
>> Kiểm định, quan trọng là chữ tín
>> Thiết bị điện từ khiến chim chóc mất phương hướng?
>> Tắt các thiết bị điện trong một giờ
>> Lắp đặt 700 đồng hồ nước miễn phí
>> Đồng hồ nước “nhảy múa”, dân lãnh đủ
Bình luận (0)