Thiết bị thực hành trường nghề quá đát

07/11/2011 22:59 GMT+7

Thời lượng thực hành của sinh viên - học sinh (SV-HS) trường nghề chiếm tới 2/3 thời gian đào tạo. Thế nhưng phần lớn xưởng thực hành ở các trường đều cũ kỹ, thiết bị máy móc lạc hậu.

 

Thiết bị ngành cơ khí Trường TC nghề Nhân đạo quá cũ kỹ - Ảnh: Mỹ Quyên

Không đáp ứng yêu cầu thực tế

Một SV năm cuối ngành điều khiển tàu biển Trường CĐ nghề Hàng hải phản ánh: “Cho đến năm học thứ 3 tụi em vẫn chỉ được học chay, chủ yếu ngồi nghe thầy kể chuyện đi tàu như thế nào, xử trí sự cố ra sao. Đến khi đi thực tập thì thiết bị là một chiếc tàu được đóng từ năm… 1979. Cái quan trọng nhất trên tàu là thiết bị định vị lại không có. Phao cứu sinh thì không đạt tiêu chuẩn về quản lý an toàn, ngồi trên tàu cũng run lắm. Máy móc nói chung là thô sơ, lạc hậu, không phù hợp với sự phát triển của thực tế”.

Những HS ngành cắt gọt kim loại Trường TC nghề Nhân đạo làm việc trên những chiếc máy thủ công được trang bị từ 10 năm nay, với xưởng thực hành còn nhiều hạn chế. Giảng viên Huỳnh Minh Tiến - Trưởng bộ môn Cơ khí, công nhận: “Một số máy móc hơi cũ so với công nghệ bên ngoài, trường mới chỉ trang bị máy cơ, bán tự động, phải dùng tay để làm. Thực ra HS vẫn có thể thực hành ở mức độ nào đó, nhưng nếu sau này làm việc tại công ty lớn thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu của họ”.

Cho đến năm học thứ 3 tụi em vẫn chỉ được học chay, chủ yếu ngồi nghe thầy kể chuyện đi tàu như thế nào, xử trí sự cố ra sao...

Một SV năm cuối Trường CĐ nghề Hàng hải

Các ngành như kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, vận hành - sửa chữa thiết bị lạnh..., HS cũng chưa có cơ hội tiếp cận với công nghệ mới. Còn HS ngành kỹ thuật điện tử ứng dụng viễn thông phải tập sửa chữa trên những chiếc điện thoại đời cũ, ít tính năng trong khi công nghệ cảm ứng đã xuất hiện từ lâu. HS ngành tự động hóa Trường TC nghề Quang Trung cũng phải học trên những máy móc cũ kỹ mà theo ông Dương Minh Kiên - Hiệu trưởng, thì với điều kiện đó, HS rất khó để phát huy được khả năng của mình. 

Kinh phí hạn hẹp

Hiện nay phần lớn trường nghề không đủ kinh phí đầu tư cho trang thiết bị. Ông Huỳnh Văn Hiệp - Phó hiệu trưởng Trường TC nghề Nhân đạo trăn trở: “Ngân sách của trường chủ yếu từ học phí, mà học phí thì không được thu cao. Theo quy định của nhà nước tối đa là 420.000 đồng/tháng nhưng trường chỉ thu 280.000 đồng/tháng mà HS vẫn còn than cao. Hằng năm quận cấp khoảng vài trăm triệu đồng, chủ yếu để mua thiết bị nhỏ. Chúng tôi chưa đủ sức để đầu tư thiết bị hiện đại, hiện vẫn phải xài những thiết bị trước đây”.

Cũng theo ông Hiệp, việc tuyển sinh khó khăn cũng là một yếu tố làm hạn chế việc đầu tư. Chẳng hạn, hằng năm trường chỉ tuyển được vài chục HS ngành cơ khí nhưng phải bỏ ra 2 tỉ đồng để mua một chiếc máy CNC thì không đủ điều kiện. Do đó, trường sẽ tích lũy kinh phí để mua sắm từ từ, tập trung từng nghề một. “Chúng tôi mong Tổng cục Dạy nghề có chuyến khảo sát tình hình trang thiết bị, trường nào khó khăn nhiều thì hỗ trợ thêm”, ông Hiệp nêu ý kiến.

Xây dựng 40 trường nghề thành trường chất lượng cao

PGS-TS Dương Đức Lân - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB-XH), thông tin: Trong giai đoạn 2011-2020, có 40 trường được chọn để xây dựng thành các trường nghề chất lượng cao, nhằm thực hiện đề án Đổi mới và phát triển dạy nghề thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm. Theo đó, mỗi trường sẽ chọn 3-5 nghề để tập trung đầu tư nâng cao cơ sở vật chất, thiết bị, chương trình, giáo viên… Các trường nghề còn lại cũng sẽ được đầu tư mỗi trường ít nhất một nghề đạt tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia. Hiện có 246 trường được lựa chọn nghề trọng điểm để đầu tư giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020.

Ông Trần Văn Giáp - Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Hàng hải, cho hay, một con tàu hiện đại có giá hàng triệu USD, trường không đủ khả năng về kinh phí để mua mới. Còn ông Dương Minh Kiên cũng lý giải: “Trường thành lập quỹ đầu tư phát triển được tích lũy từ học phí, hằng năm chỉ được khoảng vài trăm triệu, không đủ để mua sắm thiết bị hiện đại cho nhiều nghề cùng một lúc”.

Cần sự hỗ trợ của doanh nghiệp

Ông Nguyễn Thành Hiệp - Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB-XH TP.HCM nhận định: “Các thiết bị dạy nghề hiện nay, nhất là thiết bị hiện đại, khá đắt tiền mà vòng quay lại ngắn vì công nghệ thay đổi liên tục, trong khi học phí lấy mức vừa phải nên việc đầu tư của các trường còn nhiều hạn chế. Chỉ còn cách khả thi nhất là liên kết với doanh nghiệp (DN) để khai thác thiết bị. Ngay cả ở những nước giàu một trường đào tạo nghề cũng không thể trang bị hết các thiết bị công nghệ mới, do đó trường chỉ trang bị máy móc mang tính cơ bản, phổ biến”.

Cũng nhấn mạnh ý này, TS Nguyễn Hồng Minh - Vụ trưởng Vụ Đào tạo nghề, cho biết: “Các trường nghề nên kêu gọi DN hỗ trợ các thiết bị thực hành, thực tập. Nếu như mỗi DN khi đầu tư vào sản xuất kinh doanh đều dành ra một khoản chi phí để hỗ trợ cho đào tạo nghề thì sẽ vô cùng đáng quý”. PGS-TS Dương Đức Lân - Phó tổng cục

trưởng Tổng cục Dạy nghề Bộ LĐ-TB-XH cũng chia sẻ: “Trên thế giới, đào tạo gắn với DN được thực hiện rất tốt. DN hỗ trợ thiết bị cho trường nghề và trường nghề đào tạo nhân lực cho DN, mối tương tác này mang lại nhiều lợi ích cho người học và DN cũng sẽ tuyển được lao động đạt yêu cầu”.  

Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.