Dẫu vậy từ nhiều năm nay, nông dân Tây nguyên chỉ hưởng được phần gốc (nông sản chưa qua chế biến) với giá bấp bênh và thua thiệt khi so với sản phẩm cùng loại ở các nước. Và việc phát triển các loại cây trồng không theo quy hoạch cũng là mầm móng của những bất ổn.
Ở một số tỉnh ở Tây nguyên một vài năm gần đây đã ồ ạt trồng hồ tiêu, dẫn đến phá vỡ quy hoạch cây trồng. Chẳng hạn ở Gia Lai, diện tích hồ tiêu từ hơn 5.000 ha năm 2009 đã nhảy vọt lên đến hơn 8.400 ha năm 2013. Phong trào trồng tiêu ồ ạt với chi phí không hề rẻ (khoảng 400 triệu đồng/ha) đã gây ra những hệ lụy khó lường. Nếu giá tiêu đột ngột xuống thấp chỉ trong một đến hai vụ sẽ có nhiều người bể nợ. Tuy nhiên, các nhà quản lý gần như vắng bóng trong việc phá vỡ quy hoạch này.
Gần đây, ở các tỉnh Tây nguyên có hàng ngàn ha điều đã bị phá để thay thế các loại cây trồng khác. Những vườn điều nhiều năm tuổi bị chặt bỏ không thương tiếc. Còn nhà máy chế biến hạt điều đóng ở ngay tại nơi được xem là vựa điều thì phải nhập hạt điều từ… châu Phi về chế biến và xuất ngược ra nước ngoài.
Đáng lo nhất là cây cà phê, từ khâu giống đến sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng. Tây nguyên hiện có trên dưới 500 ngàn ha cà phê, chiếm hơn 90% diện tích, cũng như sản lượng áp đảo ở Việt Nam. Hàng năm giá trị xuất khẩu của mặt hàng này đưa về cho đất nước nhiều tỉ USD. Nhưng ngay tại thủ phủ cà phê vẫn chất chứa nhiều mối lo như cà phê già cỗi, thu hái non đã dẫn đến chất lượng hạt cà phê giảm nghiêm trọng. Rồi đến khi chế biến, nhiều loại phụ gia như đậu nành, bột bắp, hương liệu cà phê được trộn thêm đã khiến cà phê không phải là cà phê nữa mà chỉ là thứ nước tổng hợp có vị cà phê.
Bên cạnh đó, với việc rừng bị tàn phá quá nhanh, khí hậu biến đổi…, Tây nguyên sẽ còn đối mặt với tình trạng khô hạn khắc nghiệt, mực nước ngầm giảm nghiêm trọng. Do vậy, nếu không có chiến lược đầu tư mạnh mẽ về giống mới, chất lượng sản phẩm, quy hoạch, nông dân Tây nguyên sẽ gặp nhiều khó khăn trong thập kỷ tới về sản lượng lẫn giá trị của nhiều loại nông sản.
Trần Hiếu
Bình luận (0)