Tình trạng thiếu bác sĩ thể thao trầm trọng đang xảy ra ở hầu khắp các trung tâm huấn luyện thể thao (HLTT) trong cả nước mà trung tâm HLTT quốc gia Hà Nội là một điển hình.
Không phải đội tuyển nào cũng có riêng chuyên gia thể lực người Nhật như U.23 VN - Ảnh: Nhật Duy
|
Bác sĩ “cõng” 25 vận động viên
Từ đầu năm 2015, Trung tâm HLTT Hà Nội đón hơn 500 tuyển thủ của hơn 34 đội tuyển tập huấn, chuẩn bị cho SEA Games 28 sắp diễn ra vào tháng 6 tới. Vận động viên (VĐV) điền kinh Nguyễn Thị Oanh nói: “Chúng tôi đang trong giai đoạn tập rất căng và mất sức. Nếu không được massage thả lỏng thì không thể hồi phục nhanh được”. Đồng đội của Oanh là VĐV Bùi Thị Thu Thảo, Nguyễn Văn Công cho hay, sau mỗi buổi tập rất nặng, cơ bắp hay bị căng cứng dễ đến đến chấn thương, vì thế phải được massage thả lỏng. Không chỉ đội tuyển điền kinh mà tất cả các đội khác đều phải dốc sức mới có thể “nuốt trôi” những bài tập vô cùng nặng.
Số lượng VĐV đông, nhu cầu massage để hồi phục thể lực vô cùng lớn nhưng Trung tâm HLTT Hà Nội chỉ có vỏn vẹn 6 bác sĩ, cộng với khoảng 15 chuyên viên massage, vật lý trị liệu. Nghĩa là mỗi cán bộ y tế ở đây phải “cõng” gần 25 VĐV.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền, Trưởng Phòng y tế của Trung tâm nói: “Sự có mặt của bác sĩ thể thao là tối cần thiết, bởi ngoài việc xoa bóp giúp VĐS thả lỏng cơ sau khi tập luyện, thi đấu với cường độ cao, thì sự chủ động của các bác sĩ thể thao sẽ giúp cho việc xử lý chấn thương của VĐV được kịp thời. Đặc biệt, trong trường hợp xảy ra những chấn thương nặng, bác sĩ sẽ có những biện pháp sơ cứu trước khi chuyển VĐV đến bệnh viện. Tuy nhiên, 6 bác sĩ và 15 nhân viên y tế phục vụ hàng trăm VĐV là con số quá chênh lệch”.
Ông Ngô Ích Quân, Phó giám đốc phụ trách y tế, dinh dưỡng của Trung tâm HLTT Hà Nội cũng than thở: “Vì thiếu bác sĩ trầm trọng nên các bác sĩ phải “chạy show” mỗi ngày ở các đội tuyển. Nói chạy show cho vui chứ họ cũng chỉ nhận đồng lương rất bình thường. Chúng tôi đã phải vắt óc nghĩ ra nhiều giải pháp, ví dụ như xin sinh viên khoa Y sinh Trường đại học TDTT về thực tập nhưng cũng chỉ được hơn một tháng. Về lâu dài, nếu tình trạng thiếu hụt này vẫn cứ tiếp diễn thì rất đáng lo”.
Y học thể thao VN dậm chân tại chỗ
Bác sĩ Nguyễn Văn Phú, Phó giám đốc Bệnh viện Thể thao VN chia sẻ: tình trạng thiếu bác sĩ thể thao ở VN đã kéo dài rất nhiều năm, không chỉ tại Trung tâm HLTT Hà Nội - nơi luôn được xem là địa điểm tập huấn số 1 của đoàn thể thao VN. Cách đây chưa lâu, khi quay lại Hà Nội, chuyên gia y học thể thao người Đức Nober Moos (người có sáng kiến thành lập bệnh viện Thể thao VN, từng phẫu thuật cho các cựu danh thủ bóng đá như Hồng Sơn, Minh Chiến…) đã cực kỳ quan ngại về số lượng bác sĩ thể thao quá ít ỏi ở VN. Sau gần 20 năm theo dõi, tiến sĩ Moss không nhìn thấy sự thay đổi của y học thể thao VN.
“Thật đáng ngạc nhiên vì với một nền thể thao đang nở rộ, với vài nghìn VĐV chỉ tính cấp tỉnh, cấp quốc gia của hơn 40 môn trong hệ thống chính thức, mà chỉ có khoảng 90 cán bộ, y, bác sĩ làm việc tại các cơ sở thể thao. Cả nước mới chỉ có 22% số tỉnh, thành có duy trì phòng y học thể thao, nhưng những người đứng mũi chịu sào hầu hết lại chỉ có trình độ... y sĩ, chưa kể còn rất lơ tơ mơ về đặc thù thể thao”, ông Nober Moos nói.
Theo chuyên gia này, cả mảng y học thể thao phải được tổ chức lại từ đầu, với hạt nhân là Bệnh viện Thể thao VN và Trung tâm HLTT Hà Nội.
Bình luận (0)