Đồng thời, Thủ tướng còn cho rằng cơ cấu đào tạo hiện nay vẫn còn bất cập và chưa hợp lý.
Thực sự, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực đang là thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt trong quá trình phát triển kinh tế. Hồi cuối tháng 10, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố báo cáo về tình hình thị trường nhân lực tại châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, ILO khuyến nghị Việt Nam cần nâng cao chất lượng nhân lực khi ước tính khoảng một nửa lao động nước ta đang hoạt động tại các ngành sản xuất cấp thấp. Tình trạng này khiến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam giảm sút.
Gần đây, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cũng công bố bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu. Theo kết quả này, Việt Nam tiếp tục tụt hạng khi xếp vị trí 75/144 nền kinh tế được khảo sát. Năng lực cạnh tranh giảm sút dẫn đến nguy cơ chúng ta sẽ trở thành nền kinh tế gia công. Đây chính là điều mà giới chuyên gia đề cập trong một hội thảo về tái xác định lợi thế cạnh tranh của Việt Nam vừa diễn ra hồi đầu tháng. Khi là nền kinh tế gia công, Việt Nam sẽ thu lợi rất thấp trong chuỗi giá trị của hệ thống sản phẩm toàn cầu. Lúc đó, dù tổng sản phẩm nội địa có tăng lên hằng năm thì chất lượng thực sự của việc tăng trưởng cũng chẳng đáng là bao.
Về lâu dài, chúng ta sẽ trở thành nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài. Trung Quốc, một nền kinh tế trỗi dậy mạnh mẽ, cũng đang gặp nhiều thách thức vì tình trạng tương tự. Vài năm trước, ông Chung Sơn, khi đó đang giữ chức Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc, từng cay đắng thừa nhận lợi nhuận biên của các ngành sản xuất nước này chỉ dừng lại ở mức 2%. Đến nay, Trung Quốc cũng đang phải giải quyết thách thức then chốt này để kỳ vọng phát triển vững chắc về sau.
Từ bài học trên, Việt Nam cần nhận thức rằng chất lượng nhân lực luôn gắn chặt với sự phát triển ổn định và vững chắc của kinh tế đất nước. Trong đó, việc “đủ thầy đủ thợ” là yếu tố then chốt. “Đủ thầy đủ thợ” không đơn thuần là số lượng mà còn là chất lượng. Chất lượng ở đây không chỉ là được đào tạo tốt mà cơ cấu “thầy và thợ” còn phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế có tính hệ thống về phân bổ ngành và địa phương.
Cụ thể hơn, chúng ta cần phát triển nguồn nhân lực dựa trên cơ cấu phát triển của nền kinh tế: ngành nào đóng vai trò ra sao, cơ cấu ngành tương thích từng địa phương sao cho hiệu quả. Từ đó, tiến hành xây dựng hệ thống giáo dục đào tạo tương ứng: bao nhiêu trường dạy nghề, bao nhiêu đại học và cao đẳng, từng địa phương sẽ có cơ cấu trường nghề và đào tạo bậc cao phù hợp với cấu trúc của nền kinh tế. Có như thế, chúng ta mới giải quyết được tình trạng cơ cấu đào tạo vẫn còn bất cập và chưa hợp lý như hiện nay.
Hoàng Đình
Bình luận (0)