Điều 2.3 bổ sung: "Nguyên liệu thuốc lá là lá thuốc lá dưới dạng rời, tấm đã sơ chế tách cọng, sợi thuốc lá, cọng thuốc lá và nguyên liệu thay thế khác dùng để sản xuất thuốc lá". Theo đó, Luật quy định chỉ xét đến thành phần nguyên liệu của sản phẩm để xác định là "thuốc lá", không xét đến quy trình sản xuất hay cách sử dụng của từng loại sản phẩm khác nhau như thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lào… và các dạng khác, chẳng hạn như thuốc lá làm nóng (TLLN) hiện nay.
Từ cơ sở pháp lý này, hầu hết các bộ ngành, chuyên gia đều khẳng định TLLN là sản phẩm thuốc lá và cần chịu sự điều chỉnh của Luật hiện hành.
Bên cạnh đó, trong tất cả các văn bản liên quan đến TLLN từ các tổ chức quốc tế cũng phân loại rõ TLLN là sản phẩm thuốc lá.
FDA Hoa Kỳ và WHO khẳng định: Thuốc lá làm nóng là thuốc lá
Thay vì sử dụng bật lửa để đốt cháy trực tiếp nguyên liệu thuốc lá như thuốc lá điếu, TLLN sử dụng thiết bị làm nóng để chỉ làm nóng nguyên liệu thuốc lá ở mức nhiệt độ giới hạn để không tạo ra phản ứng đốt cháy, từ đó làm giảm hàm lượng các thành phần gây hại. Phát biểu trong một hội thảo năm 2023, đại diện Bộ Tư pháp, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế cho biết: "Đối với TLLN thì chúng tôi khẳng định đó là sản phẩm thuốc lá vì được chế tạo từ nguyên liệu thuốc lá dưới dạng mẩu thuốc, sau đó lắp vào thiết bị để hút. Thay vì đốt cháy điếu thuốc thì thiết bị này sẽ làm nóng nguyên liệu thuốc lá".
Ở góc độ quốc tế, từ năm 2019 khi cấp phép kinh doanh cho sản phẩm TLLN đầu tiên, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phân loại sản phẩm này vào danh mục "Thuốc lá không đốt cháy" (Non-combusted cigarettes), nhằm phân biệt với "Thuốc lá đốt cháy" (Combusted cigarettes) như thuốc lá điếu, xì gà... Đến năm 2021, FDA chính thức phân loại riêng cho "Thuốc lá làm nóng" (Heated tobacco product).
Mặt khác, kể từ Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) lần thứ 8 (COP8), các văn bản có tính quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng nêu rõ TLLN là sản phẩm thuốc lá. Điều này tiếp tục được tái khẳng định tại COP10 vào tháng 2.2024 vừa qua.
Trong nước, mới đây trong một dự thảo báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Y tế cũng xác nhận: TLLN có nguyên liệu thuốc lá.
Số đông đồng thuận cần kiểm soát TLLN theo luật hiện hành
Tại Hội thảo "Thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam: Khuyến nghị chính sách" ngày 19.3, nhiều ý kiến đồng thuận rằng TLLN chính là thuốc lá. Nếu đã vậy thì câu hỏi đặt ra tại sao phải loại sản phẩm này ra khỏi Luật hiện hành. Cụ thể, trên quan điểm cá nhân, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, Luật PCTHTL 2012 và định nghĩa về thuốc lá trong luật hoàn toàn tương thích với TLLN. "Không có ai nói rằng TLLN không phải là thuốc lá," ông Cường nói thêm.
Trước đó, trong một hội thảo năm 2023, ông Lê Đại Hải cũng khẳng định, TLLN có nguyên liệu là thuốc lá, đã được WHO công nhận là thuốc lá, và phù hợp với Luật PCTHTL, Nghị định 67/2013. Do đó, theo ông Hải, Chính phủ có thể ban hành Nghị định sửa đổi để đưa TLLN vào quản lý ngay.
Còn tại hội thảo "Thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam: Khuyến nghị chính sách" mới đây, ông Nguyễn Chí Nhân - Trưởng ban Pháp chế Đào tạo, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) tái khẳng định, kể từ hội nghị COP8 năm 2018 của WHO, FCTC đã xác định TLLN là một loại thuốc lá. "Bản thân WHO cũng không cấm và cũng khuyến nghị chính phủ quản lý theo luật quốc gia cũng như theo các quy định của FCTC", ông Nhân cho hay.
Về phía Bộ Y tế, mới đây tại cuộc họp báo cáo công tác quản lý nhà nước đối với thuốc lá mới ngày 27.3.2024, trong phần phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng nhấn mạnh cần rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật để phân tích rõ là Luật PCTHTL đã tính đến những đối tượng này (thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử) chưa, và có thể áp dụng cho các đối tượng này không.
Trong khi các bộ ban ngành tiếp tục thảo luận về "thuốc lá mới" trong nhiều năm qua, thì đến nay các sản phẩm này đã không còn "mới" nữa, và đã phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới qua hơn 2 thập kỷ. Thay vì kéo dài những cuộc thảo luận để xác định thuốc lá mới có thuộc phạm vi điều chỉnh của luật hiện hành hay không, có thể cân nhắc nhanh các sản phẩm đã được FDA Hoa Kỳ cấp phép kinh doanh từ năm 2019 vì lợi ích sức khỏe cộng đồng như TLLN.
Mặt khác, vấn đề thuốc lá mới đã thu hút sự quan tâm theo dõi của cả hệ thống chính trị, từ các bộ ngành liên quan đến Chính phủ, Quốc hội kể từ năm 2017. Theo điều 19, Nghị định 106/2017, Bộ Công thương đã được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ và cơ quan ngang bộ xây dựng quy định phù hợp để quản lý các sản phẩm này trên cơ sở hài hòa lợi ích của các chủ thể liên quan.
Tại kỳ họp Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Y tế không ủng hộ, tuy nhiên Bộ Tư pháp lại yêu cầu đánh giá sự tương thích của thuốc lá thế hệ mới với định nghĩa của hệ thống luật hiện hành hiện nay. Theo đó, nếu có sản phẩm thuốc lá mới nào thuộc phạm trù thuốc lá thì đề xuất đưa vào Nghị định về kinh doanh thuốc lá thay thế Nghị định 67/2013/NĐ-CP để quản lý.
Bình luận (0)