Bất luận cơ quan quản lý có giải thích như thế nào thì tình trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ kéo dài hơn 1 năm nay chứng tỏ 2 chuyện: thứ nhất, người dân chưa có lại niềm tin với tiêm chủng mở rộng; thứ hai, quan trọng hơn, chúng ta đang thiếu một chiến lược sản xuất và sử dụng vắc xin dài hạn.
Mùa dịch sởi năm ngoái, Bộ trưởng Y tế từng tuyên bố sẽ không để xảy ra tình trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ, rằng cơ sở nào để thiếu vắc xin kéo dài sẽ phải xử lý. Nhưng sau gần 1 năm, tình trạng không được giải quyết. Tại thời điểm này, khi nguy cơ giao mùa, các loại dịch bệnh gia tăng thì thị trường lại rơi vào tình trạng thiếu trầm trọng vắc xin, nhất là các loại vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1. Trả lời trên Thanh Niên, ông Phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) lý giải rằng: Bộ Y tế chỉ là cơ quan cấp phép chứ không có quyền bắt buộc các công ty phải nhập khẩu vắc xin dịch vụ. Câu trả lời này đúng nhưng chưa đủ; nó càng làm tăng những nghi ngại sẵn có lâu nay về công tác quản lý vắc xin. Đúng là vắc xin dịch vụ là nhu cầu thị trường và quản lý nhà nước thì không bắt buộc các doanh nghiệp tham gia thị trường, nếu họ không muốn. Nhưng quản lý nhà nước không thể vô can trước tình trạng người dân thấy bệnh dịch bùng phát mới đổ xô cho con đi tiêm phòng, dẫn đến tình trạng “cháy” vắc xin. Quản lý nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm khi nhiều người dân quay lưng với tiêm chủng mở rộng, để gây thêm áp lực đối với tiêm chủng dịch vụ. Nếu vắc xin trong chương trình tiêm chủng quốc gia thực sự tốt, thực sự an toàn như quản lý nhà nước cam kết thì cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân an tâm sử dụng. Nếu có “vấn đề” trong việc sử dụng vắc xin miễn phí thì trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải khuyến cáo đầy đủ và đề xuất biện pháp thay thế.
Đáng ra chúng ta đã có thể giải quyết được phần nào tình trạng khan hiếm vắc xin, nếu nhà quản lý có chiến lược và ngân quỹ cho việc dự phòng vắc xin, cụ thể là đặt hàng nhà sản xuất đảm bảo cung cấp một số lượng vắc xin dự phòng nhất định - tức là vẫn phải mua để dự phòng hoặc có kế hoạch đặt hàng dự phòng. Nhưng hiện tại, trả lời của Cục Quản lý dược cho thấy nhà nước chưa có một chiến lược sản xuất và sử dụng vắc xin lâu dài, mà vẫn buông lỏng cho thị trường tự điều tiết nên rất bị động và không ứng phó được với những tình huống bệnh dịch khẩn cấp.
Tiêm chủng liên quan đến quyền lợi của trẻ em và sự an toàn dịch bệnh của quốc gia, do vậy chúng ta nhất định cần một chiến lược có tính dài hạn, định hướng rõ cần phát triển những loại vắc xin gì, số lượng, chủng loại, tiến độ, đặt hàng và sử dụng như thế nào... Bài toán ở đây là làm sao có thể chủ động điều tiết nguồn vắc xin để không còn bị phụ thuộc hoàn toàn vào cả viện trợ lẫn thị trường nhập khẩu.
Bình luận (0)