Xuất khẩu đường sang Trung Quốc sẽ khiến giá đường trong nước vốn rất cao sẽ tiếp tục tăng - Ảnh: H.V |
Tại hội nghị tổng kết vụ mía đường 2010-2011 do Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức ngày 15.7, số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ NN-PTNT công bố cho thấy thời gian gần đây, lượng đường trong nước xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc lên đến khoảng 100.000 tấn. Đây là lần đầu tiên VN xuất khẩu đường với số lượng lớn như vậy. Bà Phạm Thị Sum - Chủ tịch HĐQT Công ty CP đường Biên Hòa - cho biết: “Từ đầu tháng 5 đến nay, đường trong nước đang chạy qua biên giới Trung Quốc với số lượng lớn, mỗi tháng bình quân xuất khoảng 30.000 tấn. Đây là đường sản xuất trong nước và có cả đường nhập lậu từ Thái Lan, được mua để tái xuất”. Điều đáng nói là mặc dù năm nay tồn kho đường của các nhà máy khá cao, nhưng thật ra vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và vẫn phải nhập khẩu để bổ sung. Việc xuất khẩu đường trong lúc nguồn cung trong nước thiếu hụt đã dẫn đến giá đường đến tay người tiêu dùng đang ở mức rất cao.
Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường VN, vụ sản xuất 2010/2011 kết thúc trễ, đến ngày 30.6 sản lượng toàn vụ đạt 1.144.460 tấn, cao hơn vụ trước 255.000 tấn (tăng 28,7%), trong đó tồn kho tại các nhà máy đến ngày 15.6 là 347.000 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 106.900 tấn, chưa kể tồn kho trong thương mại. Chính vì lượng đường tồn kho trong nước cao nên việc nhập khẩu đường đã được trì hoãn theo đề nghị của các nhà máy đường. Trong số 250.000 tấn đường được cấp phép nhập khẩu trong hạn ngạch năm 2011 thì các doanh nghiệp đã ký hợp đồng, mở L/C nhập khẩu tính đến hết tháng 7.2011 là 123.250 tấn. Số đường đã cấp phép còn lại là 126.750 tấn sẽ ngừng và giãn nhập đến tháng 8.2011. Với lượng cân đối cung cầu như vậy thì trên lý thuyết trong nước sẽ không thiếu đường, nhưng ngay chính Hiệp hội Mía đường cũng nhận định con số trên chỉ mang tính chất tương đối vì biến động khó lường từ việc xuất khẩu qua biên giới Trung Quốc.
Sẽ lại sốt giá đường?
Bà Phạm Thị Sum nhận định: “Trung Quốc vẫn đang tiếp tục mua đường của VN cho đến hết mùa trung thu vì họ thiếu hụt sản lượng. Do đó sắp tới giá đường trong nước sẽ còn rất cao”. Theo Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối, chưa kể lượng tồn trong lưu thông, tồn kho của các nhà máy còn 347.700 tấn, lượng đường đã cấp quota nhưng chưa nhập còn 142.000 tấn. Với mức tiêu thụ 100.000 tấn/tháng thì lượng đường này đủ cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng đường trong nước đến hết tháng 10.2011. Lượng đường luân chuyển cuối vụ mỏng nên dễ xảy ra sốt giá vào tháng 10, 11 và xuất hiện các hiện tượng đầu cơ và đẩy giá đường lên cao.
Trong suốt từ đầu năm đến nay, giá đường bán ra tại nhà máy có lúc xuống thấp nhưng giá đường đến tay người tiêu dùng luôn ở mức cao, bình quân từ 21.000 - 22.000 đồng/kg. Do việc hoãn nhập khẩu đồng thời xuất khẩu ồ ạt qua Trung Quốc, giá đường bán buôn từ nhà máy từ 16.500 đồng/kg trong tháng 5 đã tăng vọt lên 18.500 đồng/kg hiện nay. Hiệp hội Mía đường VN cũng định hướng các hội viên bán đường RS ở mức 18.000 đồng/kg và đường RE ở mức 18.500 - 19.000 đồng/kg. Như vậy giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng sẽ tăng cao hơn hiện nay.
Ông Đoàn Xuân Hòa - Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối - cho biết: “Việc đánh giá cung cầu đường hiện nay không hoàn toàn chính xác do không xác định được các yếu tố khác như: lượng đường nhập lậu, lượng đường sẽ xuất khẩu sang Trung Quốc và mức độ tăng trưởng của các ngành sản xuất dùng đường làm nguyên liệu. Do đó chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, báo cáo Chính phủ cho nhập khẩu đường kịp thời nếu cần thiết”.
Quang Thuần
Bình luận (0)