Thiếu giám thị vì thiếu tiền

21/09/2013 11:00 GMT+7

Gần đây, an ninh trường học được ngành giáo dục quan tâm. Thế nhưng, nghịch lý là lực lượng giám thị - một trong những nhân tố đảm bảo yêu cầu này - lại rất thiếu chuyên nghiệp.

Gần đây, an ninh trường học được ngành giáo dục quan tâm. Thế nhưng, nghịch lý là lực lượng giám thị - một trong những nhân tố đảm bảo yêu cầu này - lại rất thiếu chuyên nghiệp.

Thiếu giám thị vì thiếu tiền
Dù về hưu nhưng ông Nguyễn Văn Thái vẫn được lãnh đạo Trường Ernst Thalmann thuyết phục ở lại làm giám thị vì có nhiều kinh nghiệm. Trong ảnh: Ông Thái cho học sinh viết kiểm điểm vì phạm lỗi đi trễ - Ảnh: Minh Luân

Vào đầu năm học mới, tại TP.HCM có nhiều vụ việc học sinh đánh nhau, phụ huynh bị đe dọa trước cổng trường… Vì thế, ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết Sở đã có văn bản đề nghị lực lượng công an phối hợp tăng cường công tác an ninh trật tự trường học trong năm học mới. Tuy vậy, ông Huy nhấn mạnh: “Dù không có thống kê đầy đủ nhưng trường nào chú trọng nhiều đến công tác giám thị sẽ giảm tải được tình trạng bạo lực học đường”. Thế nhưng lực lượng này ở các trường phổ thông hiện vừa mỏng vừa không có chuyên môn nghiệp vụ.

Không có tiền trả lương

Trường THPT Ernst Thalmann (Q.1) chỉ có 7 giám thị nhưng phải theo dõi hoạt động của khoảng 2.000 học sinh (HS). Theo một lãnh đạo của trường này, để đảm bảo tốt công tác quản lý, sâu sát các hoạt động của HS, trường cần khoảng 10 giám thị. Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3) khoảng 1.800 HS nhưng chỉ có 6 giám thị. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, trường phải điều động cả giáo viên bộ môn sang làm giám thị. Còn Trường THCS Colette (Q.3) với  khoảng 1.800 HS nhưng chỉ có 3 giám thị.

Ông Trần Văn Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Long Trường (Q.9), cho biết: “Trường có 5 giám thị phụ trách 28 lớp nhưng phần đông là giáo viên môn phụ, giáo viên phụ trách phòng thí nghiệm, nhân viên phòng vi tính kiêm nhiệm thêm công tác này”.

Ông Đức khẳng định số giám thị này không bao quát hết sinh hoạt của HS nhưng đành chịu vì nếu tuyển thêm, nhà trường phải chi trả lương hợp đồng, phải cân đối thu chi sợ ảnh hưởng đến các hoạt động khác.

Lãnh đạo nhiều trường khác cũng cho biết thiếu khoảng 1/3 lượng giám thị cần cho công tác quản lý, giám sát HS. Nhưng hầu hết các trường đều không thể tuyển thêm vì vướng phải bài toán nan giải: thiếu tiền. Hiện nay các trường công lập không có được biên chế chính thức cho giám thị nên không thể dùng tiền ngân sách trả lương. Thay vào đó, các trường chỉ ký hợp đồng theo dạng thỏa thuận với giám thị, thu nhập trung bình từ 3,5 đến 4,5 triệu đồng/tháng tùy trường.

Thiếu chuyên nghiệp

Công việc này nhiều áp lực, dễ gặp nguy hiểm nhưng các trường công không thể trả lương cao nên rất khó tuyển được giám thị làm tốt và ổn định.

Hiệu trưởng một trường THPT tại Q.3 nói: “Trong các đợt tuyển giám thị, trường chú trọng chọn những ứng viên đã tốt nghiệp tại các trường sư phạm. Nhưng số lượng này rất ít và những người này thường từ chối sau khi biết được mức lương”. Theo lãnh đạo nhiều trường, không phải ai cũng làm được giám thị vì ngoài việc hiểu biết về giáo dục, còn phải rành về tâm lý, có khả năng giải quyết vấn đề, mâu thuẫn của HS… Nhưng tuyển được người đáp ứng đúng yêu cầu là việc vô cùng khó khăn.

Chẳng hạn, Trường THPT Ernst Thalmann, chỉ một trong số 7 giám thị tốt nghiệp ngành sư phạm và có thời gian giảng dạy. Người có bằng sư phạm ai cũng muốn được đứng lớp nên nếu chấp nhận làm giám thị thì chỉ trong một thời gian ngắn rồi tìm việc khác. Chính tâm lý này khiến nhiều người làm việc nhưng không thoải mái, dễ ức chế dẫn đến những hành động không phù hợp. Ông Lê Văn Linh, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân lập Thanh Bình (Q.Tân Bình), chia sẻ: “Công việc này đòi hỏi phải hiểu tâm lý của học sinh, xử lý tình huống phù hợp với môi trường giáo dục nên cần phải yêu nghề”.

Đội ngũ giám thị hiện nay hoặc chưa qua trường lớp sư phạm hoặc có nhưng là giáo viên không giảng dạy, giáo viên trẻ mới về chưa phân công nhiệm vụ… Phần lớn giám thị không có những hiểu biết cần thiết về tâm lý, tham vấn học đường… nên làm việc không hiệu quả, không có tác dụng giáo dục, định hướng cho HS. HS lớp 12 một trường dân lập ở Q.Tân Phú kể lại: “Giám thị tát hay quất HS bằng dây nịt là chuyện bình thường…”.

Ông Trần Khắc Huy cũng thừa nhận tình trạng này khi cho rằng: “Ngành không có biên chế, các trường thì không có kinh phí nên lực lượng này thường mỏng và kém chất lượng”. Chính vì vậy ngày càng xảy ra nhiều trường hợp giám thị có cách cư xử không đúng chuẩn mực như: đánh HS, gạ tình HS đổi điểm… khiến phụ huynh không yên lòng. 

Bàn về vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Đúng là nhiều năm nay giám thị của các trường phải tự bơi chứ không được tập huấn hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ một cách bài bản vì ngành giáo dục không có định biên cho lực lượng này, mà không có định biên thì không thể có ngân sách cho các chương trình tập huấn”. Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng đã làm việc với Sở thiết kế chương trình hướng đến việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho người làm giám thị nhưng cũng đang gặp trở ngại vì chức danh này chưa được định biên.

“Ông kẹ” hay người bạn ? 

Công việc của giám thị ở một trường phổ thông nhìn chung là quản lý lớp học, kiểm tra, điểm danh, xử lý vi phạm, giao tiếp với phụ huynh, đảm bảo trật tự an toàn giờ tan trường... Một giám thị cho biết: “Công việc lúc nào cũng căng thẳng, phải luôn “đảo mắt” khắp ngõ ngách trong trường để can thiệp kịp thời tránh tình trạng HS trốn học, chơi bài, hút thuốc, quan hệ không lành mạnh...”. Chính vì nhiệm vụ này mà một giám thị của Trường THPT Long Trường (Q.9) cho hay: “Dù không hề phạm lỗi nhưng các em vẫn ngại ngần, ngại tiếp xúc bởi trong mắt của HS thì giám thị là “ông kẹ” chuyên bắt lỗi”.

Minh Luân - Bích Thanh

>> Bạo lực học đường diễn biến phức tạp
>> Bạo lực học đường thường xảy ra ở bậc THCS
>> Tìm cách giảm bạo lực học đường
>> Siết chặt an ninh trường học
>> Tăng cường an ninh trường học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.