Thiếu hướng dẫn viên tiếng Trung

11/04/2017 06:54 GMT+7

Du khách Trung Quốc chiếm số lượng đông nhất trong cơ cấu du khách quốc tế đến VN nhưng tình trạng thiếu hụt hướng dẫn viên giao tiếp bằng tiếng Trung là nút thắt trong việc khai thác và phát triển thị trường đầy tiềm năng này.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT-DL), lượng khách Trung Quốc (TQ) trong 3 tháng đầu năm 2017 ước đạt 949.199 lượt, chiếm hơn 1/3 tổng lượng du khách quốc tế vào VN, tăng 63,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài các lựa chọn quen thuộc như Đà Nẵng, Phú Quốc, thời gian gần đây, lượng khách TQ đang tăng đột biến tại các khu vực trọng điểm mới như Quảng Ninh, Nha Trang. Theo Tổng cục Thống kê, khách TQ đến VN trong năm 2016 đạt 2,7 triệu người, gấp đôi con số năm 2012 và gấp rưỡi năm 2015.
Giỏi ngoại ngữ, yếu nghiệp vụ
Điều đáng nói, dù lượng khách tăng mạnh nhưng hướng dẫn viên (HDV) tiếng Trung thiếu hụt nghiêm trọng, ngày càng tỷ lệ nghịch với sự gia tăng lượng khách. Th.S Dương Đức Minh, giảng viên thuộc bộ môn du lịch - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhận xét có 2 lý do chính dẫn đến tình trạng thiếu hụt này. Thứ nhất, VN ta chưa có bất kỳ một khoa, ngành tại trường đại học nào đào tạo chuyên ngành HDV tiếng Trung. Hiện sinh viên tiếng Trung muốn trở thành HDV phải học thêm một khóa nghiệp vụ du lịch. Còn sinh viên theo học ngành du lịch thì phải tự bồi dưỡng thêm khả năng ngoại ngữ bên ngoài. Thực tế đó dẫn đến nghịch lý là nhiều người thông thạo tiếng Trung lại không có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu môi trường nghiệp vụ du lịch, và ngược lại nhiều bạn có nghiệp vụ thì khả năng ngoại ngữ yếu.
“Chỉ có khoảng từ 5 - 10% số sinh viên theo học tại các khoa ngôn ngữ quan tâm đến nghề HDV du lịch. Bên cạnh đó, lượng khách TQ ồ ạt vào VN một cách đột biến, mà thời gian để đào tạo một HDV lại cần quá trình, không thể trong một sớm một chiều nên thiếu hụt là đương nhiên. Nếu chúng ta chấp nhận nguồn nhân lực chưa đủ độ “chín” về cả ngoại ngữ hay văn hóa thì có thể ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch, thậm chí là văn hóa đất nước”, Th.S Dương Đức Minh lo ngại.
Giao cho doanh nghiệp quản lý
Nhưng lời giải cho bài toán HDV tiếng Trung vẫn phải tìm đáp án. Bởi thực tế đã xảy ra tình trạng nhiều công ty lữ hành TQ sử dụng HDV là người TQ khi đưa khách vào VN.
Điều hành một trong những doanh nghiệp (DN) dẫn nhiều tour TQ vào VN, ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty TNHH thương mại du lịch Liên Bang (Lien Bang Travelink), cho rằng Tổng cục Du lịch nên xem xét giao trách nhiệm cho các công ty du lịch tự quản lý việc cấp giấy phép hành nghề đối với HDV tiếng Trung. Trên thực tế, rất nhiều công ty du lịch sở hữu đội ngũ HDV thành thạo tiếng Trung, có kinh nghiệm, nghiệp vụ cao nhưng do không đáp ứng được điều kiện về yêu cầu phải tốt nghiệp đại học theo quy định nên không được chính thức dẫn khách. Trong khi đó, một lượng lớn các sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường, đáp ứng quy định về bằng cấp nhưng thực chất ngoại ngữ chỉ dừng lại ở mức độ giao tiếp, chưa xử lý được thông tin, kiến thức về văn hóa chưa nhiều nên cũng không thể sử dụng.
Đó là nút thắt khiến tình trạng thiếu hụt HDV chưa giải quyết được. “HDV chính là hình ảnh của công ty. HDV giỏi thì DN ghi điểm trong mắt du khách và ngược lại, HDV dở thì thiệt hại đầu tiên chính là DN. DN hoàn toàn đủ khả năng và trách nhiệm đào tạo cũng như quyết định một người có đủ năng lực để trở thành HDV tốt hay không. Nếu nhà nước nới lỏng vấn đề này, nút thắt về việc thiếu hụt nguồn nhân lực trong du lịch, đặc biệt là với thị trường TQ sẽ nhanh chóng được tháo gỡ”, ông Thành nêu quan điểm.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tour, cũng cho rằng việc Bộ VH-TT-DL yêu cầu phải có bằng đại học đối với HDV quốc tế là đang tự làm khó mình. Bộ không cần “ôm” hết mà nên giao quyền cho các công ty nhưng kèm theo điều kiện giám sát phù hợp. Theo ông Mỹ, việc thiếu hụt HDV tiếng Trung dẫn đến hệ quả các công ty du lịch TQ “gài” người TQ dẫn đoàn qua VN, không chỉ ảnh hưởng văn hóa, du lịch nước ta mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của DN Việt. Bởi vậy nên bản thân các DN ở Việt cũng sẽ tự giác nâng cao nguồn nhân lực của mình.
Ông Mỹ kiến nghị Bộ có thể cho cấp giấy phép tạm thời đối với những HDV đã thành thạo, có kinh nghiệm nhưng mới chỉ có bằng cao đẳng, đặc biệt là ở những thị trường trọng điểm như Nha Trang, Quảng Bình, Phú Quốc để kịp thời đáp ứng được lượng khách TQ quá lớn tại đây. “Giải pháp trước mắt là phải ngay lập tức tạo điều kiện cho các đối tượng này được tham gia góp sức vào hoạt động du lịch. Họ có ngôn ngữ, có kiến thức, thừa kinh nghiệm và nhiệt huyết, sao chỉ vì cái bằng mà không cho họ ra trận? Du lịch quan tâm chú trọng thực tế, nghiệp vụ chứ không phải lý thuyết suông”, ông Mỹ nói.
Về lâu dài, Th.S Dương Đức Minh cho rằng cần quan tâm đào tạo kỹ lưỡng nguồn HDV tiềm năng trong chính môi trường đại học. Các DN cũng nên chủ động có những hoạt động thiết thực nhắm đến đối tượng tiềm năng này. Còn với sinh viên các trường du lịch đã có sẵn nghiệp vụ nhưng đang trong quá trình lựa chọn ngôn ngữ hay các HDV đã có thẻ quốc tế (tiếng Anh, Pháp…) thì có thể khuyến khích, tuyên truyền học thêm tiếng TQ. Như vậy mới mong đáp ứng đủ nhu cầu HDV tiếng Trung hiện nay và trong tương lai.
Cần đào tạo bài bản, quản lý nghiêm ngặt
PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, đề xuất: Không cần thiết phải nới lỏng điều kiện cấp giấy phép đối với HDV quốc tế mà quan trọng là Bộ GD-ĐT cùng Bộ VH-TT-DL cần phối hợp nghiêm túc kiểm soát chất lượng đầu ra của sinh viên các ngành liên quan. Cần đào tạo một cách bài bản và quản lý nghiêm ngặt chất lượng đầu ra của các sinh viên sao cho tương xứng với trình độ đại học. Như vậy mới mong có được nguồn nhân lực chất lượng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.