Thiếu liên kết phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ

22/04/2013 09:12 GMT+7

Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương) vừa phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước tổ chức Hội nghị công thương các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ (ĐNB) lần thứ 14 năm 2013.

Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương) vừa phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước tổ chức Hội nghị công thương các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ (ĐNB) lần thứ 14 năm 2013.

Nhiều lợi thế

Khu vực ĐNB được đánh giá là vùng kinh tế năng động nhất của cả nước (tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn vùng đạt bình quân 11%/năm), đặc biệt là hạt nhân của vùng là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT). Đây là khu vực dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu, vốn đầu tư nước ngoài, đóng góp 2/3 ngân sách và tỷ lệ đô thị hóa cao (50% so với cả nước).

Cần đẩy mạnh liên kết vùng để cùng phát triển lợi thế của từng địa phương
 Cần đẩy mạnh liên kết vùng để cùng phát triển lợi thế của từng địa phương- Ảnh: Phước Hiệp

Chưa hết, khu vực ĐNB có vị trí nằm giữa khu vực Đông Nam Á, với đầy đủ hệ thống giao thông đường bộ, đường biển, đường hàng không, rất thuận lợi cho giao lưu hợp tác với các nước trong khu vực và quốc tế.

 
“Do thiếu liên kết trong phát triển của các địa phương, tạo nên sự cạnh tranh “mạnh ai nấy làm” dẫn đến phân tán nguồn vốn đầu tư, hiệu quả thấp”, bà Trần Thị Hường- Giám đốc Sở Công thương tỉnh BR-VT nhận định

Rất nhiều địa phương trong vùng đã khai thác được thế mạnh trong những năm qua như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, BR-VT… đã biết phát huy thế mạnh theo cơ cấu kinh tế mở, liên kết kinh tế góp phần thúc đẩy công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng nhanh, hiệu quả. Mặc dù trong năm 2012, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp của TP.HCM  tăng trưởng 5,1%, BR-VT 6,7%, Bình Dương 10,5% và Đồng Nai là 7,44%... Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 19,18% so với năm 2011 (cả nước tăng 16%). Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10,5% so với năm 2011 và chiếm tỉ trọng 60,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước; kim ngạch nhập khẩu tăng 2,46% so với năm 2011, chiếm tỉ trọng 45,1% so với cả nước…

Thiếu sự liên kết vùng

Bên cạnh những kết quả đạt được, thì theo nhận định của nhiều đại biểu tham gia hội nghị thì kinh tế từng tỉnh, thành phố trong vùng ĐNB phát triển chưa thật sự bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở một số tỉnh còn chậm; liên kết vùng còn nhiều bất cập; sự phối hợp giữa các địa phương với nhau còn nhiều mặt chưa tốt… Bà Trần Thị Hường- Giám đốc Sở Công thương tỉnh BR-VT thẳng thắn nhận định, thời gian qua các tỉnh trong vùng chưa tạo được sự liên kết và hỗ trợ lẫn nhau. “Do thiếu liên kết trong phát triển của các địa phương, tạo nên sự cạnh tranh “mạnh ai nấy làm” dẫn đến phân tán nguồn vốn đầu tư, hiệu quả thấp. Việc thực hiện các chuỗi liên kết phát triển ngành hàng, hệ thống phân phối trong vùng chưa được thực hiện đúng mức”, bà Hường phát biểu. Bà Hường cũng dẫn chứng, một số tỉnh tập trung nhiều doanh nghiệp lắp ráp, nhưng chỉ đáp ứng được 30% còn lại phải nhập khẩu. “Do đó, vai trò của Bộ Công thương trong việc làm cầu nối tạo sự liên kết giữa các tỉnh, thành trong vùng là rất lớn. Để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển Bộ cần phải thành lập ban điều hành liên kết vùng nhằm đánh giá chính xác về tình trạng các doanh nghiệp công nghiệp để hỗ trợ của từng địa phương. Xây dựng các khu, cụm công nghiệp dành riêng cho công nghiệp hỗ trợ và xúc tiến thu hút đầu tư cho khu vực này”, bà Hường nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đánh giá, chương trình liên kết vùng ĐNB trong năm qua đã đạt được 5 kết quả đáng khích lệ: Công nghiệp vùng tăng trưởng cao, đóng góp lớn cho nền kinh tế; thương mại phát triển ổn định; khuyến công ngày càng được nâng cấp, giải quyết được nhiều việc làm; xúc tiến thương mại được khai thông; đầu tư cũng được giữ vững và phát triển. Tuy nhiên để liên kết vùng ĐNB bền vững và phát triển, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho rằng: “Ngành công thương từng địa phương phải sàng lọc, lựa chọn nghề nào cần liên kết hợp tác, cần phát triển, ưu tiên ngành nghề đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong khi thực hiện nếu có vướng mắc thì thông báo để Bộ Công thương giải quyết ngay. Những vướng mắc vượt tầm thì Bộ Công Thương sẽ giúp ngành công thương địa phương, doanh nghiệp trình Chính phủ xem xét, giải quyết”.

Phước Hiệp

>> Tổng kết thi đua cụm miền Đông Nam bộ
>> Tuyên dương thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi vùng Đông Nam Bộ
>> Đông Nam Bộ và ĐBSCL: Được phép nuôi tôm chân trắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.