Theo Reuters, người lao động Đức đã có thời gian làm việc thuộc hàng thấp nhất các nước phát triển. Năm ngoái, hãng điều hành đường sắt quốc doanh Deutsche Bahn, một trong các nhà tuyển dụng lớn nhất nước này, cho phép người lao động chọn giữa việc nhận thêm sáu ngày nghỉ mỗi năm, được tăng lương 2,6% hoặc được giảm 1 giờ làm trong tuần làm việc.
Trong số khoảng 137.000 nhân viên được cho phép lựa chọn, 58% chọn thêm nhiều ngày nghỉ hơn vào tổng số ngày nghỉ từ 28-30 ngày mà họ đã có; 40% chọn được tăng thêm lương; chỉ 2% chọn phương án cuối cùng là làm việc 38 giờ/tuần thay vì 39 giờ/tuần.
“Ở Đức, chủ đề về sự thay đổi nhân khẩu học là một vấn đề lớn. Chúng tôi gặp thách thức lớn trong việc thu hút nhân viên và giữ họ lại công ty. Chúng tôi phải nghĩ về những gì nhân viên muốn”, người đứng đầu mảng điều kiện làm việc tại Deutsche Bahn, ông Sigrid Heudorf, cho biết. Lựa chọn hưởng kỳ nghỉ dài hơn đặc biệt phổ biến với các nữ nhân viên, vốn chỉ chiếm 23% trong tổng số nhân viên của Bahn.
Người Đức làm việc ít hơn nhiều so với hầu hết dân các nước khác, mỗi người chỉ làm 1.363 giờ trong năm 2016, giảm từ mức 1.452 giờ năm 2000, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Con số này thấp hơn so với mức trung bình 1.763 giờ cả năm của người lao động tại 35 nước thành viên OECD và thấp hơn nhiều so với mức trung bình 2.255 giờ của người lao động Mexico.
Nền kinh tế khỏe mạnh, bền vững cộng với việc thiếu hụt người trong độ tuổi lao động khiến các doanh nghiệp Đức lo lắng về việc thu hút lao động hơn các nền kinh tế phát triển khác, theo cuộc khảo sát do ManpowerGroup thực hiện. Hơn một nửa các nhà tuyển dụng Đức chật vật tuyển nhân viên. Số liệu này trung bình trên thế giới là 45%. Các vị trí khó tuyển nhân sự nhất là kỹ sư, công nghệ và thương mại lành nghề.
|
Trong chuyến thăm Berlin gần đây, tỉ phú người Mỹ gốc Đức Peter Thiel cho hay những người trẻ quan tâm đến việc đi chơi câu lạc bộ đêm hơn là kiếm tiền, nói đùa rằng đây là kiểu sống “cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cuộc sống và cuộc sống”.
Song đây không phải là trường hợp của hãng Deutsche Bahn. Nhân viên hãng làm việc 1.600 giờ/năm, cao hơn so với mức trung bình ở Đức. Một tuần làm việc của hãng kéo dài 39 giờ thay vì 35 giờ như trong các hãng sản xuất xe và kỹ thuật.
Sau một loạt vụ đình công, liên minh IG Metall đại diện cho 3,9 triệu nhân công trong ngành công nghiệp vừa đạt được thỏa thuận cho phép nhân viên cắt giảm số giờ làm việc xuống còn 28 giờ/tuần trong đến hai năm để chăm sóc con cái và người thân. Trong khi đó, hãng viễn thông lớn nhất châu Âu Deutsche Telekom hồi tháng 4 đồng ý cung cấp cho người lao động tại các đơn vị hoạt động chính ở Đức thêm 14 ngày nghỉ.
Số lượng việc làm cần tìm nhân viên ở Đức tăng 128.000 chỗ trong năm 2017, để đạt 1,18 triệu người trong quý 4/2017. Deutsche Bahn cần thuê 19.000 nhân viên trong năm nay để thay thế làn sóng về hưu của những người thuộc thế hệ baby boomer, tức những người sinh ra trong giai đoạn 1946 - 1964. Năm ngoái, hãng đã thuê hơn 60.000 nhân viên mới. Hoạt động tuyển dụng phải chạy hết tốc lực trong tương lai gần, vì 44% nhân viên hãng trên 55 tuổi và 28% trên 55 tuổi.
Deutsche Bahn đã tạo một “chợ” kỹ thuật số để nhân viên có thể hoán đổi ca. Nhân viên cũng có thể mở tài khoản thời gian để tiết kiệm thời gian nghỉ phép hằng năm không sử dụng, hoặc thời gian làm thêm giờ để sử dụng cho các kỳ nghỉ lễ hoặc làm việc bán thời gian trong tương lai. Giờ làm việc linh hoạt có lợi cho các nhân viên có con nhỏ hoặc những người muốn làm việc bốn ngày dài, sau đó có được nghỉ cuối tuần lâu hơn.
Bình luận (0)