Thiếu sách lược về nhân tài, chúng ta có nguy cơ trở thành dân tộc làm thuê

20/06/2006 23:36 GMT+7

Cái gọi là thời cơ vàng của dân tộc, là vận khí quốc gia... nhất nhất đều phải dựa vào nội lực, mà nội lực phải được vận động nhờ nguồn lực nhân tài! Vì sao vậy? Thứ nhất, dựa vào thu hút chất xám bên ngoài là điều không tưởng. Chất xám thực tế chỉ chảy theo chiều từ khu vực kinh tế kém phát triển sang khu vực kinh tế phát triển hơn là do vậy. Người có thể đứng ra đãi sĩ rồi chiêu hiền, quyết không phải kẻ tầm thường mà làm được.

Thứ hai, dựa vào thành tựu chất xám bên ngoài - tức chờ cho thế giới phát triển về khoa học-công nghệ, sau đó hy vọng ta du nhập vào rồi tự khắc cũng có công nghệ mới, thì có thể dẫn đến hậu quả nguy hiểm không kém: nó dần biến chúng ta trở thành một dân tộc làm thuê, và về khoa học-công nghệ dĩ nhiên sẽ luôn đi sau thiên hạ.

1.  Nhân tài từ đâu và do đâu?

Mỗi người bình thường sinh ra đều khá bình đẳng về trí tuệ. Mỗi đứa trẻ đều có vài ba năng khiếu bẩm sinh nổi bật, nhưng ít khi nhận thấy rõ ràng. Sang giai đoạn tuổi mẫu giáo và thiếu nhi, thường chỉ còn lại một vài năng khiếu được lưu lại, hoặc ở dạng ẩn, hoặc lộ ra căn bản cho đến khi trưởng thành.

Những năng khiếu đó là giai đoạn phôi thai của tài năng sau này. Chúng được nuôi dưỡng nhờ những phương pháp tư duy (logic) hợp lý, và chúng phát triển nhờ tính logic của môi trường giáo dục.

Xét về bản chất, năng khiếu chia ra hai lĩnh vực chính: năng khiếu về khoa học tự nhiên, và năng khiếu về khoa học xã hội.

Trong giai đoạn năng khiếu hình thành và phát triển ở tuổi vị thành niên và cả sau này, có các yếu tố chính tác động gồm: môi trường tâm lý-gia đình; môi trường giáo dục (phổ thông-chuyên ngành); và môi trường xã hội-hoạt động (môi trường phát triển).

Ở tuổi thanh niên, thay cho yếu tố giáo dục phổ thông sẽ là giáo dục chuyên ngành (dạy nghề, cao đẳng hay đại học...). Giai đoạn này diễn ra sự chuyển đổi từ năng khiếu thành tài năng.

Nhân tài, xét nghĩa Hán-Việt, là người có tài năng, nghĩa dùng thuần Việt còn thêm yếu tố nhân, tức là người tài năng với cống hiến có ích cho xã hội, cho khoa học. Người tài mà sử dụng tài năng chỉ để mưu cầu lợi ích cá nhân, đôi khi còn gây hại cho lợi ích chung mà không nhận ra thì rất nguy hiểm, nếu địa vị càng cao thì nguy hại càng lớn. Thiếu chữ nhân thì quyết không thể gọi là nhân tài.

Từ cuối giai đoạn hình thành năng khiếu và định hình tài năng, tư duy cá nhân bắt đầu sử dụng đến sự tổng hợp và phân tích trong hoạt động để cho kết quả là những cái mới - phát minh. Sự phát triển nhận thức này tuân theo những quy luật của triết học, có sử dụng tư duy logic ở mức cao, được thúc đẩy nhờ môi trường phát triển. Đấy là những người có tài năng.

Khi tham gia vào môi trường lao động của xã hội tức môi trường phát triển, những tài năng sẽ được hoàn thiện và thay đổi để thích ứng, và chỉ khi có cống hiến có ích thì tài năng mới có thể gọi là nhân tài. Với giai đoạn này, các yếu tố nêu trên vẫn giữ nguyên bản chất, chỉ có phần giáo dục là phụ thuộc chính vào ý chí và đam mê của cá nhân, bao hàm nội dung tự giáo  dục và tái giáo dục, đơm hoa kết trái trong môi trường phát triển phù hợp.

Nếu người có tài năng lại có cái tâm và chọn mục đích mang kết quả lao động của mình ra để phụng sự cho xã hội, cho tiến bộ khoa học, thì người đó có đủ tiền đề để trở thành nhân tài. Khi những đóng góp chưa có điều kiện thực hiện, họ vẫn chỉ là người có tài năng, còn nếu những đóng góp chứng tỏ giá trị, họ sẽ được công nhận là nhân tài.

Vậy thì, những tài năng và nhân tài đều có thể có trong mọi thời kỳ, và tập trung theo ba lĩnh vực khái niệm gồm:

- nhân tài - lãnh đạo (tham gia điều hành một tập thể với các chức vị lãnh đạo...)

- nhân tài - trí thức (cá nhân theo đuổi chuyên môn tự nhiên và xã hội: bác sĩ, kỹ sư, văn nghệ sĩ...)

- nhân tài trong lao động- sản xuất (công nhân, nông dân, thợ thủ công...)

Nguyên khí quốc gia phải dựa vào cả ba nguồn nhân tài trên, trong đó nhân tài-lãnh đạo đóng vai trò quyết định nhất đến sự thịnh suy của nguyên khí này.

Người xưa thường nói: Ba quân dễ kiếm, một tướng (giỏi) khó tìm là đề cao vai trò người đứng đầu trong công việc cụ thể. Thế nhưng, hiện nay ở nhiều nơi lại diễn ra tình cảnh ngược lại là: Trăm quan dễ kiếm, một thợ (giỏi) khó tìm. Tức là, người sẵn sàng làm quan thì nhiều, còn người có thể làm thợ, làm lính giỏi thì hiếm. Đôi khi, nếu có được một số người thợ hay trí thức có tài năng thì họ luôn sẵn sàng ra đi nơi khác để có được thu nhập hoặc sự tôn trọng thực chất hơn.

Tôi xin nhấn mạnh riêng vào khía cạnh nhân tài - lãnh đạo vốn có vai trò quyết định trong vấn đề sách lược về nhân tài vì hai lẽ:

Thứ nhất, chính những người tài mới có thể nhận biết, tôn trọng và sử dụng được người tài một cách đúng nhất.

Thứ hai, chỉ những người lãnh đạo tài năng mới có thể đưa ra và thực hiện được những quyết sách phù hợp về nhân tài (phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng tài năng...) một cách đồng bộ.

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy có nhiều nơi người lãnh đạo chỉ nhờ có cái tài khéo léo và nhân thân chính trị mà trở thành người đứng đầu đơn vị hay ngành nghề. Mối quan tâm thường trực của họ là có bậc lương cao nhất, đãi ngộ đầy đủ nhất, yên vị và thăng tiến được tốt nhất... Họ có tâm lý coi người giỏi nhất chính là người có địa vị cao nhất. Sự nguy hiểm trong cách dùng người của những lãnh đạo này là: đã tin dùng ai thì sử dụng cả mặt hay cũng như dở của người đó, còn người không thuộc diện tin dùng thì dù có tài năng mấy cũng chỉ đến mức vắt chanh bỏ vỏ mà thôi. Hiện tượng chảy máu chất xám bên trong hay bên ngoài cũng chủ yếu do nguyên nhân này.

Điều quan trọng là, nếu người lãnh đạo là người có tài và có tâm thực sự, thì họ sẽ có rất ít tính vị quyền, đố kỵ mà thay vào đó là cách xử sự-tác phong điều hành khoa học, hiểu biết và công bằng hơn.

Tài năng lãnh đạo là thứ tài năng khó có được nhất, vì là tổng hợp của những cái tài cần thiết về cả mặt khoa học xã hội cũng như khoa học tự nhiên. Đặc biệt là khi cần còn đòi hỏi có sự hy sinh cá nhân về thu nhập-vật chất. Trong một nền kinh tế lành mạnh thực sự, vị trí lãnh đạo trong chính quyền thường mang lại nguồn lợi vật chất kém hơn trong lĩnh vực kinh doanh tư nhân, và vì thế đòi hỏi người lãnh đạo phải vừa có tài năng, vừa có cái tâm với quốc gia. Đổi lại, họ sẽ có được sự suy tôn của lịch sử.

Người ta chỉ có thể phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, sau đó nuôi dưỡng và tạo điều kiện cho tài năng phát triển, từ đó sẽ có nhân tài xuất hiện. Có chăm cây thì mới có ngày hái quả, thế nhưng không nên hiểu phiến diện là có thể đào tạo nhân tài vì về bản chất, nhân tài xuất hiện khi và chỉ khi có các điều kiện (tâm lý-giáo dục-môi trường) phù hợp mà thôi. Chúng ta đã có hàng chục ngàn kỹ sư học ở nước ngoài về mọi chuyên ngành có thể có trên thế giới này, kể cả về nguyên tử và vũ trụ, nhưng nguồn tài năng này đã và đang được sử dụng ra sao? Thậm chí, hiện nay có nơi còn giống như bị bỏ rơi (loạt bài gần đây về lời kêu cứu của những du học sinh trên Báo Thanh Niên). Chúng ta đã có chương trình đào tạo hàng trăm thạc sĩ-tiến sĩ hiện đại, hy vọng từ đó sẽ có nhân tài xuất hiện, nhưng kết quả đầu tiên thì đã rõ: ai đã và sẽ sử dụng họ? Chúng ta đề ra chính sách trọng dụng chất xám người Việt ở nước ngoài, nhưng thực tế mới chỉ có được chút vốn đầu tư, còn sử dụng - tôn trọng chất xám của họ như thế nào và ra sao thì vẫn là vấn đề bỏ ngỏ!

Nếu có sách lược phù hợp cho năng khiếu - tài năng hình thành và phát triển, có các điều kiện tốt của môi trường hoạt động, thì không lo về việc khi nào, ở đâu sẽ có nhân tài xuất hiện. Nhưng điều kiện đầu tiên và chắc chắn phải có, đó là cần lắm những tài năng-nhân tài lãnh đạo trước đã!

Một xu thế xưa nay vốn luôn làm mòn mỏi những tài năng đích thực, đó là cất nhắc những người có mặt chuyên môn giỏi (và cả không giỏi mặt nào) lên đảm nhận các chức vị lãnh đạo, vốn đòi hỏi một dạng tài năng lãnh đạo khác về bản chất so với các tài năng chuyên môn mà họ có. Nguyên nhân thứ nữa là cái cơ chế-chính sách chung chung luôn được mang ra để giải thích cho mọi thất bại cũng như tội lỗi, giấu giếm đến cùng trách nhiệm cá nhân, và chủ nghĩa lý lịch nhiều khi được sử dụng như một thứ vũ khí: khi là thanh kiếm, lúc là lá chắn cho mục đích cá nhân. Chức vị có thể trở thành mục tiêu phấn đấu của một số người ít tài năng mà thừa tham vọng, mà chính họ luôn coi đó là thước đo của thành đạt và tài năng !

Thực hiện Sách lược về nhân tài để khơi dậy nguyên khí quốc gia, tôi cho rằng hiện nay, đó là nhiệm vụ cấp bách nhất của dân tộc Việt!

(còn tiếp)

L.H.A (TP.HCM)

Bài vở tham gia diễn đàn, xin gửi về thanhhang@thanhniennews.com

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.