Chất sắt được mọi người biết đến là tạo hồng huyết cầu giúp vận chuyển oxy từ phổi đến các mô trong cơ thể. Chức năng này phổ biến nhất. Tuy nhiên, chất sắt còn có nhiều chức năng quan trọng mà ít người biết.
Chất sắt là thành phần của nhiều enzyme quan trọng trong cơ thể, đóng vai trò vận chuyển điện tử trong tế bào, chuyển hóa năng lượng trong ti thể, tổng hợp nội tiết tố steroid và acid mật, giải độc gan, kiểm soát tín hiệu dẫn truyền thần kinh của hệ serotonin và dopamin...
Giảm trí nhớ, mau mỏi mệt...
Thiếu chất sắt dẫn đến thiếu máu. Nhưng đây chỉ là triệu chứng thiếu sắt ở giai đoạn trễ. Trong khi đó, thiếu sắt ở những giai đoạn đầu đã xuất hiện những bệnh lý khác cũng không kém quan trọng như: giảm khả năng hoạt động thể lực (vận động viên giảm thành tích khi luyện tập và thi đấu, người bình thường lao động mau mệt), giảm khả năng làm việc trí óc (giảm tập trung, giảm trí nhớ, giảm kết quả học tập), giảm chức năng miễn dịch (trẻ em hoặc người thiếu sắt dễ bị bệnh hơn người khác), một số rối loạn hành vi.
Các vấn đề sức khỏe này xuất hiện ngay cả khi chưa có tình trạng thiếu máu, và sẽ không hồi phục nếu không được bổ sung chất sắt kịp thời (đặc biệt là giai đoạn bào thai và giai đoạn sơ sinh).
Phụ nữ và trẻ em có nguy cơ thiếu sắt nhiều nhất. Trẻ em giai đoạn từ 6 tháng đến 6 tuổi cần lượng chất sắt rất lớn cho phát triển, nhu cầu chất sắt của trẻ sinh non tháng lại cần sớm hơn là vào khoảng tháng thứ hai sau sinh so với tháng thứ sáu ở trẻ sinh đủ tháng. Bên cạnh đó, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt là phụ nữ mang thai, là các đối tượng cũng có tăng nhu cầu chất sắt.
Nhiễm giun móc làm mất máu nhiều hơn kinh nguyệt
Nhiễm giun móc là một nguyên nhân gây thiếu sắt phổ biến ở nước ta - nơi mà tỉ lệ nhiễm giun móc rất cao. Khoảng ¼ dân số nước ta bị nhiễm giun móc, tập trung ở các vùng có thói quen đi chân đất nhiều. Giun móc làm mất máu nhiều hơn lượng máu mất của phụ nữ hành kinh.
Ngoài ra thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng cũng làm giảm hấp thu chất sắt, do làm tăng độ pH trong dạ dày là một yếu tố gây bất lợi cho việc hấp thu chất sắt. Mỗi ngày cơ thể mất đi khoảng 1mg chất sắt nằm trong các tế bào chết bong ra từ da, niêm mạc đường tiêu hóa, hô hấp, tiết niệu...
Uống sữa nhiều làm giảm hấp thu chất sắt
Chất sắt hấp thu qua chế độ ăn rất nhạy cảm và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Nếu cơ thể đang ở tình trạng thiếu máu nhiều, lượng chất sắt sẽ được hấp thu nhiều hơn và ngược lại. Canxi trong khẩu phần là một yếu tố ảnh hưởng đến việc hấp thu chất sắt. Nếu chế độ ăn quá nhiều sữa (hơn 800ml/ngày) hoặc uống sữa chung với bữa ăn sẽ làm giảm hấp thu chất sắt. Điều này đặc biệt quan trọng ở trẻ em giai đoạn từ 1-6 tuổi. Cần lưu ý một chế độ ăn cân bằng hơn là một chế độ ăn chỉ chủ yếu dựa vào sữa.
Khẩu phần ăn nhiều vitamin C, nhiều rau củ quả muối chua (dưa chua, cà pháo, kim chi, tỏi chua, ớt chua...) sẽ giúp tăng hấp thu chất sắt. Ngược lại khẩu phần ăn nhiều trà, cà phê, coca, rượu vang đỏ, thực phẩm chứa nhiều phytate (trong cám, một số loại đậu) sẽ làm giảm hấp thu chất sắt trong khẩu phần.
Bổ sung chất sắt Tẩy giun định kỳ mỗi năm từ 1-3 lần là biện pháp đầu tiên giúp tránh thiếu sắt. Chế độ ăn cân bằng, giàu chất sắt bao gồm thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn, thịt cừu...), kế đến là thịt gia cầm, sò, trai; trong thực vật sắt có nhiều ở các loại mộc nhĩ, nấm hương, đậu nành, đậu hủ, mè đen, mè trắng, rau câu, rau cần, rau đay, đậu hạt trắng, đậu đũa, hạt sen khô, đậu đen, rau dền, măng khô. Bổ sung chất sắt mỗi ngày ở phụ nữ mang thai và trẻ em giai đoạn dưới 2 tuổi, bổ sung chất sắt cách khoảng (1-2 lần mỗi tuần) ở trẻ em trên 2 tuổi và phụ nữ tuổi sinh đẻ để góp phần phòng tránh thiếu sắt. Cần liên hệ bác sĩ để đánh giá nguy cơ thiếu sắt và bổ sung với liều hợp lý, tránh tự ý bổ sung. |
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)