Thiếu show “đã đến - phải xem”
Theo nghiên cứu của thạc sĩ Trịnh Lê Anh, Phó chủ nhiệm bộ môn quản trị sự kiện, Khoa Du lịch, ĐH KHXH-NV Hà Nội, hiện tại chúng ta còn quá thiếu các Vietnam show có tầm vóc, xứng đáng trở thành sản phẩm du lịch đạt tiêu chí “đã đến - phải xem” như nhiều trường hợp thành công trên thế giới.
|
Các show diễn trên hầu hết đều dựa trên nền văn hóa dân tộc khá rõ nét. Thậm chí Làng tôi đã được công diễn nhiều năm ở châu Âu. “À ố và Làng tôi rõ ràng là 2 show diễn đã dùng ngôn ngữ xiếc kết hợp với âm nhạc, múa một cách điêu luyện trong việc phác họa lại tinh thần của làng quê VN. Đó là kỳ tích về sáng tạo và tổ chức vì đã ăn khách ở châu Âu, tức là nói lên được hồn Việt theo cách khán giả quốc tế có thể cảm nhận rõ rệt”, đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh nói, đồng thời phân tích về việc teo lại của các show diễn liên quan đến tuồng, chèo, múa rối: “Tôi nghĩ lý do vì chèo, tuồng đều cần sự hiểu về ngôn ngữ tiếng và sự cảm về văn hóa. Hiểu phải hiểu rõ và cảm cũng phải cảm rõ. Đã là du lịch ngắn ngày thì không có thời gian để hiểu rõ và cảm rõ được”.
Trong khi đó, theo ông Lê Anh, nhìn ra khu vực, các nước cũng đều có các show diễn “đã đến - phải xem”. Đến Thái Lan du khách khó mà bỏ qua show Siam Niramit Show kể về nền văn hóa cổ xưa đầy sắc màu của các dân tộc sinh sống trên đất nước Thái với hơn 150 diễn viên, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng hiện đại, đưa cả voi lên sân khấu. Thị trấn nghèo Dương Sóc, Quế Lâm, Trung Quốc có show diễn Ấn tượng chị Ba Lưu do Trương Nghệ Mưu đạo diễn. Hoặc một show nổi tiếng khác ở Hàng Châu cũng do Trương Nghệ Mưu đạo diễn là Tống Thành phô diễn nhiều giai thoại nổi tiếng của Trung Hoa đời Tống như chuyện tình Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, truyền thuyết Thanh xà - Bạch xà... với hiệu ứng ánh sáng, 3D, laser hiện đại, cùng với nước, lửa, mưa, tuyết... ngay tại sân khấu của gần 500 diễn viên. Hàn Quốc có Miso Show hội tụ tất cả vẻ đẹp tinh tế nhất của nghệ thuật biểu diễn nước này với các điệu múa truyền thống, những loại nhạc cụ tiêu biểu và trò chơi, tích truyện cổ dân gian Hàn Quốc. Món quà này người Hàn Quốc rất hãnh diện khi giới thiệu với bạn bè quốc tế trong những hội nghị diễn ra tại Seoul.
|
Không thể phó mặc cho tư nhân
Hiện tại, hầu hết những show diễn du lịch đều do tư nhân đầu tư như À ố, Làng tôi, Tứ phủ, Ionah và mới đây là Thuở ấy xứ Đoài. Các show của nhà hát nhà nước lại chưa đủ mạnh cụ thể như các show chèo, tuồng. Sản phẩm du lịch “trọng điểm” mà Bộ VH-TT-DL đang thiết kế cho Nhà hát Lớn Hà Nội cũng có nguy cơ đi vào vết xe đổ của các nhà hát nhà nước. “Tôi nghĩ các nhà hát muốn làm show du lịch phải có bộ phận chuyên về marketing”, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc chi nhánh phía bắc của Transviet, nói.
Về điều này, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan chia sẻ kinh nghiệm tổ chức tour nghệ thuật cách đây gần 20 năm của mình khi còn là Viện trưởng Viện Nghiên cứu âm nhạc. Khi đó, ông Loan chủ động gửi chương trình biểu diễn mà viện ông có thể tổ chức cho những người bạn làm lữ hành, các khách sạn ở Hà Nội. Dựa trên những hình vẽ và giải thích ông ghi ở đó, khách lựa chọn và đến viện ông xem. “Bên du lịch gọi tôi, ông Loan ơi khách xem cái này cái này. Thế là tôi gọi nghệ sĩ đó đến. Chúng tôi có một danh sách nghệ sĩ như vậy. Họ khoác cái áo diễn vào là diễn. Chúng tôi cũng không có sân khấu, chỉ có một phòng vài chục mét. Các cụ xưa cũng không cần sân khấu”, ông Loan nhớ lại.
Những buổi diễn như thế, mỗi tiết mục chỉ khoảng 15 phút. “Khách chỉ xem thế thôi vì họ còn đi xem cái khác nữa. Nói chung tiết mục rất linh hoạt, phụ thuộc nhu cầu khách. Chúng tôi cũng giải thích, ví dụ như tuồng thì phải nói về mặt nạ”. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, theo ông Loan là lựa khách. Khách phương Tây thích cái gì “cổ lai hy”, càng cổ càng thích. Vì họ chán cái hiện đại rồi. Khách Trung Quốc thì không nên giới thiệu tuồng vì họ đã có kinh kịch, nhưng họ lại thích văn hóa Tây nguyên. Với khách Malaysia không nên giới thiệu múa rối vì họ quá siêu môn này.
|
Chuyên gia marketing Phạm Vũ Tùng lại nhấn mạnh vào yếu tố giải trí của một show biểu diễn du lịch. “Show của Trương Nghệ Mưu có rất nhiều tính chất nghệ thuật đương đại trong đó. Cả một tòa nhà lớn xoay phải xoay trái trên mặt nước. Xiếc cũng nên làm như À ố, vì vẫn là xiếc nhưng phải có tính đương đại và tính giải trí trong đó. Người nghiên cứu và tìm hiểu văn hóa thích xem tiết mục nguyên bản, nhưng số lượng đó không nhiều bằng khách thông thường thích xem giải trí. Vì thế phải chú ý tính chất này”, ông Tùng nói.
Cũng theo ông Tùng, để có buổi diễn du lịch lớn tầm quốc gia như vậy, nhà nước cần đầu tư. Tại Trung Quốc, show của Trương Nghệ Mưu quá tốn kém nên nhà nước đã đầu tư. Về điều này, ông Loan cho rằng những đầu tư tương tự của nhà nước thường lãng phí. Chẳng hạn, khi Bắc bộ là cả vùng rối nước còn chưa hút khách thì Bộ trưởng VH-TT-DL lúc đó là ông Hoàng Tuấn Anh lại lệnh cho Viện Âm nhạc xây sân khấu rối vài trăm triệu đồng rồi không dùng được. “Mỗi lần các tỉnh làm chương trình khai mạc năm du lịch đều chi đến chục tỉ. Nếu lấy tiền đó để đầu tư cho show nhỏ là ổn”, ông Loan nói.
Những chương trình lý tưởng
Tại Huế, trong khuôn khổ Festival Huế có chương trình Đêm hoàng cung. Trong chương trình đó, toàn bộ không gian đại nội Huế như một không gian lịch sử đầy ký ức và hoạt động. Hàng trăm diễn viên được huy động để đóng vai từ anh lính lệ tới ông hoàng bà chúa. Nến thắp trên những lối đi gạch Bát Tràng tạo vẻ uy nghiêm. Đêm hoàng cung còn có biểu diễn nghệ thuật và thưởng thức những món ăn cung đình Huế. Hiện tại, vào những ngày không phải festival, Huế cũng đã mở cửa đại nội vào tối và có một số chương trình nghệ thuật, tuy nhiên mức độ cầu kỳ tinh tế không được như Đêm hoàng cung.
Tại Sóc Sơn, Hà Nội, Thuở ấy xứ Đoài cũng là một chương trình hoành tráng đang được kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm du lịch văn hóa tốt. Vở diễn trên mặt nước này có sự tham gia của 150 diễn viên nông dân, tái hiện lại cuộc sống xưa kia ở đồng bằng Bắc bộ.
Đây có thể xem là những gợi ý tốt để đầu tư thành những show diễn “đã đến - phải xem”
|
Ý kiến:
Cần đặt show diễn trong cả chuỗi dịch vụ
Ngay từ khi làm show chúng ta cũng phải xác định cả chuỗi đó vì chẳng ai điên đến mức đi hàng chục, hàng trăm cây số, rời điều hòa nhiệt độ vào mùa hè chỉ để xem một cái show, trong khi show đó không phải lừng lẫy đến mức không xem thì thiệt cả đời. Vì thế quang cảnh khu làm show cũng phải đồng bộ từ đường đi lối lại, quà lưu niệm kiểu như Hội An ấy. Hội An mà có show ở bên sông Hoài nữa thì tuyệt, và hiện họ cũng có những buổi bài chòi nhỏ ở bên bờ sông.
Bạn hãy nhìn sang các tour diễn ở các nước khác. Kể cả lẫy lừng như các vở của Cirque du solei cũng phải dựa vào các casino hoặc khu du lịch nào đó, chứ nó không thể đứng một mình.
Đinh Công Đạt, họa sĩ thiết kế mỹ thuật
Show diễn phải gần khán giả hơn
Show hút khách nhất bây giờ vẫn là múa rối nước vì nó vui, cũng không dài quá, chỉ độ 40 phút, lại rẻ chỉ có 100.000 đồng. Địa điểm lại thuận lợi ngay hồ Hoàn Kiếm. Nên khách thấy xem cũng thú vị, thuận tiện.
Tôi cũng nói chuyện với đạo diễn đã làm nhiều show cho khách du lịch ở Hàn Quốc thì họ nói là nghệ thuật truyền thống cũng có cái khó là trầm trầm như vậy. Vì thế nên cần phải làm nhẹ nhàng nó đi, dễ hiểu hơn. Nhất là hiệu ứng về thị giác rất cần phải đẩy lên thật mạnh. Tóm lại, các show diễn phải gần với khán giả hơn.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Transviet chi nhánh phía bắc
Ngữ Yên (ghi)
|
Bình luận (0)