Ông Dương Quang Châu - phó giám đốc đầu tư Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) - cho biết việc thông xe cầu Bình Triệu 1 và 2 chỉ mới giải quyết ách tắc giao thông ở khu vực cầu.
Ở cửa ngõ ra vào TP đi các tỉnh miền Đông này vẫn còn ách tắc ở nút giao thông ngã tư Bình Triệu (quốc lộ 13 và đường Kha Vạn Cân) và ở nút giao thông ngã năm Đài liệt sĩ (Xô Viết Nghệ Tĩnh - quốc lộ 13 - Nguyễn Xí và Ung Văn Khiêm). Do số lượng xe lưu thông trên tuyến đường này ngày càng tăng cao nên mật độ kẹt xe ngày càng trầm trọng hơn.
Gây nhiều thiệt hại
Theo ông Đinh Nam Dinh - phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng xây dựng nâng cấp hạ tầng giao thông và mở rộng quốc lộ 13 nên không kẹt xe. Trong khi đó, cửa ngõ ra vào TP.HCM ở khu vực này bị kẹt xe thường xuyên do quốc lộ 13 của TP chưa được mở rộng.
Sẽ đề nghị hạn chế chạy tàu lửa giờ cao điểm Ông Bùi Xuân Cường cho biết Sở GTVT TP.HCM sẽ đề nghị ngành đường sắt phối hợp với sở bố trí giờ tàu chạy phù hợp, hạn chế tối đa chạy tàu lửa vào giờ cao điểm nhằm giảm áp lực giao thông cho nút giao thông ngã tư Bình Triệu. |
Cũng theo ông Dinh, tình trạng kẹt xe ở cửa ngõ trên đã gây nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp vận tải. Vì trước đây một ngày chở được hai chuyến hàng từ TP đến Khu công nghiệp Singapore, Khu công nghiệp Biên Hòa 2..., nay ba ngày mới chở được hai chuyến hàng.
Ông Đặng Đức Tiệp - giám đốc Công ty TNHH vận tải Đặng Tiến - cho biết xe chạy giao trễ một chuyến hàng không những gây thiệt hại cho đơn vị sản xuất ở khu công nghiệp tỉnh Bình Dương vì công nhân chờ việc mà doanh nghiệp vận tải còn bị chủ hàng phạt tiền. Từ Bình Dương chở một container về cảng biển TP.HCM lỡ một chuyến tàu thì mức bị phạt lên đến hàng trăm triệu đồng vì phải chuyển số hàng hóa đó đi bằng máy bay cho chủ hàng.
Chỉ mới đủ tiền lập dự án
* Quốc lộ 13 từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu dài 4,5km, rộng 53m cho bốn làn ôtô, hai làn xe buýt và hai làn xe thô sơ. Trên tuyến đường này sẽ xây dựng cầu Đúc Nhỏ, cầu Ông Dầu và ba cầu vượt cho người đi bộ. Kinh phí xây dựng 820 tỉ đồng. |
Tuy nhiên, điều khó khăn là TP.HCM không có kinh phí để giải tỏa mặt bằng. Hiện ngân sách TP mới cấp cho Q.Bình Thạnh và Q.Thủ Đức mỗi địa phương 500 triệu đồng trong năm 2010. Số tiền này chỉ đủ để lập dự án nên việc triển khai tiếp các tiểu dự án của dự án cầu đường Bình Triệu 2 rất khó khăn.
Ông Bùi Xuân Cường - phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM - cho biết việc thi công mở rộng quốc lộ 13 rất cấp bách và cần ưu tiên vốn đầu tư cho công trình trọng điểm này.
Hiện nay, ngân sách TP đang trang trải cho nhiều dự án hạ tầng đô thị như chống ngập, cải thiện môi trường... Trong khi đó ở dự án cầu đường Bình Triệu giai đoạn 2, kinh phí đền bù giải tỏa lên đến 5.000 tỉ đồng. Vì vậy, Sở GTVT đã kiến nghị UBND TP.HCM tách dự án cầu đường Bình Triệu giai đoạn 2 thành nhiều tiểu dự án nhằm tìm nhiều nguồn vốn khác ngoài nguồn vốn ngân sách để lo giải tỏa mặt bằng.
Cũng theo ông Cường, cần giải quyết trước ùn tắc giao thông ở hai khu vực chính là nút giao thông ngã năm Đài liệt sĩ và nút giao thông ngã tư Bình Triệu. Trong giai đoạn đầu sẽ thực hiện trước tiểu dự án xây dựng nút giao thông ngã năm Đài liệt sĩ, vì ở nút giao thông ngã tư Bình Triệu đang triển khai dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài. Dự án này sẽ xây dựng cầu vượt quốc lộ 13 qua đường Kha Vạn Cân, góp phần giảm bớt áp lực giao thông ở giao lộ này và dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào năm 2013.
Trong khi chờ triển khai các dự án, Sở GTVT đang tập trung kế hoạch chống ùn tắc giao thông ở các cửa ngõ ra vào TP bằng các kế hoạch phân luồng giao thông để khắc phục các khiếm khuyết của cơ sở hạ tầng.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)