|
Ngồi ghế chủ tọa phiên chất vấn, bà Đinh Thị Vân, Ủy viên thường trực HĐND tỉnh Ninh Thuận cho rằng việc cấp trùng hơn 20.000 thẻ BHYT gây thất thoát ngân sách nhà nước hàng chục tỉ đồng, ai chịu trách nhiệm? Ông Trần Anh Việt, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng trách nhiệm trước hết thuộc về ngành trong công tác quản lý, tuy nhiên do cấp thẻ BHYT có nhiều cơ quan, đơn vị tham gia; năng lực cán bộ cấp xã hạn chế nên trong quá trình lập danh sách không chính xác dẫn đến nhầm lẫn. Giải thích thêm về nội dung này, ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết qua công tác kiểm tra, rà soát cấp thẻ BHYT cho các đối tượng thuộc diện ngân sách nhà nước hỗ trợ, số liệu chính xác là 22.133 thẻ, với số tiền gần 10 tỷ đồng. Trong 13 đối tượng được cấp thẻ thì có 2 đối tượng cấp trùng nhiều nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn và trẻ em dưới 6 tuổi. Nguyên nhân cấp trùng là do có nhiều ban ngành đảm nhậm việc đề nghị cấp thẻ BHYT cho người dân. Đơn cử, như trẻ dưới 6 tuổi thuộc vùng đặc biệt khó khăn thì có 3 đơn vị đề nghị cấp thẻ. Theo ông Trường, Sở Tài chính đã làm việc với Bảo hiểm xã hội tỉnh (BHXH) và thống nhất sẽ hoàn trả lại cho ngân sách nhà nước, chứ không có tình trạng thất thoát.
Liên quan đến việc khám chữa bệnh cho người dân, đại biểu Hồ Tấn Lợi cho rằng Ninh Thuận là tỉnh nghèo, hàng năm chi ngân sách mua thẻ BHYT cho các đối tượng chính sách, người nghèo nhưng kết dư quỹ BHYT mỗi năm lên đến hàng chục tỷ đồng được chuyển lên tuyến trên; trong khi đó nhiều tỉnh thành có mức sống cao hơn nhưng kết dư quỹ BHYT lại thấp. Vì sao lại có tình trạng như vậy? Cùng quan điểm, nhiều đại biểu cho rằng mức trần BHYT tuyến bệnh viện cấp II thấp nên các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân; người có BHYT phân cấp về khám bệnh ban đầu tại tuyến xã, phường; trong khi đó ở đây điều kiện khám, chữa bệnh chưa đáp ứng được. Ngành y tế “mắc bệnh” sợ vượt trần nên dẫn đến người dân không thụ hưởng đầy đủ chính sách về BHYT. Giải thích các ý kiến này, ông Trần Xuân Phương, Giám đốc BHXH Ninh Thuận cho rằng, quy định của BHXH Việt Nam chi vượt trần không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT. Còn mức trần thanh toán BHYT không do BHXH xây dựng. Công tác tuyên truyền về chính sách BHXH chưa được thường xuyên dẫn đến người dân không hiểu rõ quyền được đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu. Mặt khác để tránh tình trạng quá tải tuyến trên nên ngành tham mưu cho UBND tỉnh ra văn bản đề nghị đăng ký khám bệnh ban đầu cho các đối tượng tại nơi cư trú. Chưa đồng tình với giải trình của vị giám đốc BHXH, ông Nguyễn Chí Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận, chủ tọa kỳ họp đề nghị Sở Y tế giải thích thêm. Theo ông Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế, lý do quỹ kết dư BHYT luôn cao là do việc xây dựng mức trần khám, điều trị BHYT ở bệnh viện tuyến II thấp. Ngoài ra, khi làm thủ tục cấp thẻ BHYT cho người nghèo, họ không được lựa chọn nơi khám bệnh ban đầu mà do BHYT tự chọn cho họ. Do việc quy định mức trần điều trị bệnh viện tuyến II của tỉnh rất thấp nên các bệnh viện luôn đối phó với mức trần này trong điều trị. Theo ông Định, trong thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính vẫn cho thanh toán nếu vượt mức trần quy định.
Kết thúc phiên chất vấn, ông Nguyễn Chí Dũng, cho rằng việc trả lời như vậy là thiếu trách nhiệm với người dân. BHXH và ngành y tế phải có trách nhiệm cao hơn trong thực hiện nhiệm vụ của mình đối với chính sách BHYT. Qua đó cho thấy các ngành chưa hiểu rõ các quy định về BHYT, vì vậy khi triển khai thực hiện không thống nhất, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT. Trong thời gian tới, đề nghị 3 ngành BHXH, Y tế, Tài chính cần thống nhất trong việc xây dựng mức trần BHYT cho phù hợp, đảm bảo tốt nhất quyền lợi khám, chữa bệnh cho người dân.
Thiện Nhân
Bình luận (0)