Thiếu trầm trọng giáo viên tiếng Anh: Mô hình ‘ứng cứu’ từ xa cho Mù Cang Chải

14/01/2023 17:54 GMT+7

H.Mù Cang Chải (Yên Bái) có 16 trường tiểu học với 9.235 học sinh nhưng hiện mới chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh. Xoay xở cách nào cũng khó nếu không có sự “ứng cứu” kịp thời...

Hỗ trợ dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp

Từ ngày 10.1, gần 3.600 học sinh khối 1 và khối 3 của 117 lớp học tại 16 trường tiểu học của H.Mù Cang Chải đồng loạt bắt đầu bài học tiếng Anh đầu tiên theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp.

Học sinh H.Mù Cang Chải học tiếng Anh theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp
Hằng Dung

Giáo viên chính tại Hà Nội dạy trực tuyến qua zoom tới 117 điểm cầu trên khắp H.Mù Cang Chải, tại đó các trợ giảng là giáo viên địa phương sẽ hướng dẫn học sinh học với một thao tác quan trọng duy nhất là… bấm nút.

Bài giảng số đã được cài đặt sẵn vào máy tính ở mỗi lớp học và mỗi bài học đã được kịch bản hóa đến từng giây để trợ giảng biết lúc nào bấm vào nút gì trên máy tính. Để “bấm đúng nút” các giáo viên địa phương mà hầu hết đều không biết tiếng Anh đã được đào tạo, tập huấn trực tiếp và trực tuyến nhiều buổi về phương pháp dạy mới, về cách sử dụng thiết bị, và đặc biệt là hiểu cách vận hành lớp học sử dụng bài giảng số.

Đây là dự án CSR (trách nhiệm xã hội) của iSMART (Tập đoàn Giáo dục EQuest), thực hiện tại một trong những địa bàn được coi là khó khăn nhất của cả nước về giáo dục, trong đó nổi lên vấn đề thiếu giáo viên môn tiếng Anh.

Ông Bạch Ngọc Chiến, Phó chủ tịch Tập đoàn Giáo dục EQuest, cho biết dự án kéo dài 5 năm và hoàn toàn miễn phí. “Tôi có một niềm tin sắt đá rằng, nếu được tiếp cận bình đẳng với nền giáo dục tốt và phương pháp giáo dục hiện đại thì học sinh dù ở đâu cũng có thể học tốt và thành người có ích, bất kể điều kiện kinh tế hay nguồn gốc xuất thân. Tôi muốn chứng minh điều đó tại Mù Cang Chải”, ông Chiến chia sẻ.

Theo ông Chiến, để thực hiện được dự án này, điều kiện tiên quyết là thái độ của chính quyền địa phương và rất may dự án của ông đã gặp sự nhạy bén và phản ứng nhanh trước những việc có lợi cho cộng đồng của lãnh đạo huyện và Phòng GD-ĐT H.Mù Cang Chải.

Mọi thủ tục cần thiết để thực hiện dự án đã được chính quyền và ngành GD-ĐT địa phương giải quyết rất nhanh, trong đó có cả việc phê duyệt chi ngân sách để mua sắm thiết bị cần thiết để hỗ trợ dạy học theo mô hình này. “Chúng tôi họp với Phòng GD-ĐT chiều hôm trước thì sáng hôm sau công văn của UBND huyện đã về đến Hà Nội rồi”, ông Chiến cho hay.

Nhu cầu thiết yếu: học tiếng Anh để phát triển du lịch

Lãnh đạo H.Mù Cang Chải sốt sắng với dự án này cũng vì nó phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, với trọng tâm là phát triển du lịch. Huyện đang triển khai các chương trình dạy tiếng Anh cho cả người lái xe ôm, người kinh doanh dịch vụ homestay và cả người bán hàng.

Học sinh chăm chú
hằng dung

Do đó, việc dạy tiếng Anh từ cấp tiểu học sẽ tạo ra các thay đổi cơ bản cho nguồn nhân lực tương lai. Lý do thiết thực khác đó là giải quyết được vấn đề phải dạy tiếng Anh là môn bắt buộc từ lớp 3 (với tối thiểu 4 tiết/tuần) của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong khi ngành giáo dục huyện thiếu nhiều giáo viên môn tiếng Anh.

Ông Nguyễn Anh Thủy, Trưởng phòng GD-ĐT H.Mù Cang Chải, cho biết: “Huyện đang còn thiếu rất nhiều giáo viên tiếng Anh, nhiều trường "trắng" giáo viên môn học này. UBND tỉnh Yên Bái đã dành sự quan tâm ưu tiên tuyển dụng nhưng không có nguồn để tuyển. Năm học 2022 - 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo biệt phái 9 giáo viên tiếng Anh từ TP.Yên Bái và một số huyện vùng thấp lên tăng cường cho H.Mù Cang Chải nhưng đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt”.

Do vậy, theo ông Thủy, chương trình này không chỉ giải quyết được vấn đề thiếu giáo viên mà còn giải quyết được một vấn đề vốn rất khó khăn là phát âm của học sinh. Hiệu quả ban đầu có thể “đong đếm” khi nhìn thấy các em nhỏ ở miền núi vốn rất rụt rè, đặc biệt với những điều mới lạ, nhưng đã hào hứng nhảy, hát theo nhạc và rất sôi nổi tham gia các phần thực hành trong buổi học tiếng Anh.

Hào hứng tương tác với giờ học tiếng Anh kết hợp hai hình thức trực tuyến và trực tiếp
hằng dung

Ông Thủy còn có một niềm vui khác, đó là việc đào tạo, nâng cao năng lực cho giáo viên của ông qua chương trình này. “Nhờ chương trình, giáo viên của chúng tôi cũng sẽ thay đổi và tiến bộ hơn do được huấn luyện và tiếp cận phương pháp dạy mới với các học liệu mới, hiện đại”, ông Thủy nói.

Từng là giáo viên dạy tiếng Anh, ông Bạch Ngọc Chiến cho rằng, các giáo viên tiếng Anh của Việt Nam chú trọng dạy ngữ pháp hơn là dạy phát âm nên chất lượng phát âm, khả năng nói đúng và nói hay của học sinh Việt Nam khá hạn chế. Trong chương trình dạy tiếng Anh ở Mù Cang Chải, học sinh được “nhúng” vào bài giảng số với các tình huống cuộc sống và phát âm của người bản ngữ. Theo thời gian, các em sẽ hấp thu một cách tự nhiên cách phát âm của người bản ngữ và trình bày các vấn đề và kiến thức học được một cách rất tự nhiên.

“Lạc quan một cách thận trọng”

Tuy nhiên, những người thực hiện dự án này thể hiện sự lạc quan một cách thận trọng vì họ nhìn nhận thấy khó khăn và thách thức phía trước. Nhiều giáo viên địa phương ngại thay đổi, nhất là phải học các kỹ năng công nghệ mới. Đặc biệt, một số cô giáo rất e ngại vì không biết tiếng Anh.

Các thầy cô vốn đã rất bận rộn với việc dạy và chăm các con vì hầu hết các trường là bán trú, nay lại thêm “gánh nặng” trợ giảng này. Nhưng lo hơn cả là các thầy cô không biết các con có phát âm đúng không.

Giáo viên tại địa bàn sử dụng bài giảng số để hỗ trợ cho giờ dạy tiếng Anh
hằng dung

Ông Hoàng Đình Quế, Giám đốc dự án, cho hay sẽ tiếp tục theo dõi phản hồi và sẽ điều chỉnh phương pháp cho phù hợp nhất. Học sinh sẽ được kiểm tra đánh giá định kỳ như học sinh ở các nơi khác. Việc đánh giá và kiểm tra được thực hiện cả trực tuyến và trực tiếp. Công nghệ có thể giải quyết được cả việc chấm điểm tự động.

Trưởng phòng GD-ĐT H.Mù Cang Chải Nguyễn Anh Thủy thì bày tỏ mong muốn mô hình hỗ trợ dạy tiếng Anh cho địa bàn khó khăn như Mù Cang Chải sẽ giúp trẻ em được làm quen với tiếng Anh, với phương pháp dạy và học mới và giúp từng bước tạo lập và phát triển môi trường giao tiếp tiếng Anh trong các trường của huyện.

Thiếu trầm trọng giáo viên tiếng Anh

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho biết, để dạy ngoại ngữ theo Chương trình giáo dục phổ thông mới cho lớp 3 năm học 2022 - 2023, cả nước cần thêm 5.322 giáo viên, còn cho 2 năm tiếp theo lần lượt là 2.207 và 2.061.

Để đủ cho cả 3 năm sẽ cần thêm 9.589 giáo viên, việc thiếu cục bộ xảy ra ở nhiều tỉnh (Yên Bái hiện thiếu 148 giáo viên, Tây Ninh thiếu 105, Lai Châu thiếu 164, Bình Phước thiếu 204, Hà Giang thiếu gần 300…).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.