Đừng để ngư dân phải “tự bơi”
Với 205 chiếc tàu cá, xã Quỳnh Lập (TX.Hoàng Mai, Nghệ An) là địa phương có số lượng tàu cá nhiều nhất ở Nghệ An, trong đó tàu công suất lớn có 165 chiếc. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, rất nhiều chủ tàu lâm cảnh thiếu hụt lao động trầm trọng.
Rất ít tàu cá ở Nghệ An sắm được tời thủy lực vì chi phí lớn |
K.HOAN |
Ông Lê Bá Kỷ, Phó chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Lập, cho biết từ đầu năm 2022 đến nay tại xã này đã có 256 người đi xuất khẩu lao động. Ngoài ra, nhiều ngư dân không đi xuất khẩu lao động cũng đã chuyển nghề khác khiến xã Quỳnh Lập đang thiếu khoảng 200 - 300 người đi biển.
Tại xã Sơn Hải (H.Quỳnh Lưu, Nghệ An), số lượng tàu đánh bắt xa bờ từ 200 tàu nay chỉ còn hơn 70 tàu trong vòng 4 năm qua, vì ngư dân phải bán tháo tàu do thua lỗ; các chủ tàu còn lại cũng rất vất vả để tìm người ra khơi. Ông Hoàng Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Hải, cho biết trước đây tại xã này có khoảng 3.000 lao động đi biển, nhưng nay chỉ còn khoảng 500 người. Rất nhiều chủ tàu phải chấp nhận ra khơi trong tình trạng thiếu hụt lao động.
Năm 2021, HĐND tỉnh Nghệ An ban hành nghị quyết về hỗ trợ nông nghiệp, trong đó hỗ trợ ngư dân 30% chi phí (nhưng không quá 100 triệu đồng) để lắp đặt hệ thống tời thủy lực trên tàu cá nhằm thay thế sức lao động. Đây được xem là biện pháp hỗ trợ cho các chủ tàu cá trong bối cảnh thiếu hụt lao động.
Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Hải, Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Lập, mức hỗ trợ này còn quá ít. Một hệ thống tời thủy lực có giá từ 350 - 400 triệu đồng, nhà nước chỉ hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng, số tiền còn lại ngư dân phải đầu tư nên rất ít người đủ khả năng trang bị.
Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Lập (Nghệ An) Phan Văn Hải, chủ 5 tàu cá, vẫn đang gặp khó khi mua tời thủy lực |
“Hầu hết ngư dân đều đang nợ ngân hàng (NH), NH lại siết cho ngư dân vay vì tàu cá đang bị mất giá, nên chúng tôi muốn vay cũng không dễ tiếp cận được”, ông Hải nói. Dù là “đầu tàu” của làng biển Quỳnh Lập, nhưng ông Hải vẫn phải sử dụng sức người để đánh bắt mà chưa dám mơ đến hệ thống tời này.
Nghệ An hiện có hơn 3.400 tàu cá, trong đó có 1.221 tàu hoạt động vùng khơi. Ông Chu Quốc Nam, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An, cho biết chính sách hỗ trợ 30% chi phí lắp đặt hệ thống tời thủy lực cho ngư dân là một nỗ lực của tỉnh. Nếu hỗ trợ cao hơn sẽ thuận lợi hơn cho ngư dân, nhưng nguồn lực của tỉnh còn khó khăn nên ngân sách không đáp ứng được. Sau khi có chính sách hỗ trợ này, một số ngư dân đã đăng ký mua, nhưng theo ông Nam, đến nay vẫn chưa có ngư dân nào tiếp cận để mua sắm tời thủy lực.
Để tháo gỡ bớt khó khăn này, ông Phan Văn Hải mong muốn Chính phủ chỉ đạo các NH cho ngư dân vay để mua tời thủy lực và có chính sách hỗ trợ một phần lãi suất NH để ngư dân có thể tiếp cận được nguồn vốn. Nếu không, ngư dân vẫn phải “tự bơi” và sẽ tiếp tục gặp khó khi số lượng lao động đi biển ngày càng giảm.
Cần cơ giới hóa, hiện đại hóa nghề cá
Bình Định là một trong những địa phương có số lượng tàu cá nhiều nhất nước nên cũng không tránh khỏi tình trạng thiếu lao động đi biển. Tuy nhiên, nhiều chủ tàu đã vượt khó bằng cách cơ cấu lại quy mô sản xuất và hiện đại hóa phương tiện để giảm sức lao động.
Theo ông Bùi Thanh Ninh (ở P.Tam Quan Bắc, TX.Hoài Nhơn, Bình Định), tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi nên các chủ tàu và ngư dân cũng cần cải tiến phương án sản xuất theo hướng giảm sức lao động, giảm chi phí để thích ứng.
Năm 2014, đội tàu của ông Ninh có 16 chiếc với tổng công suất gần 8.000 CV, hơn 180 người tham gia đánh bắt cá ngừ, thu về hàng chục tỉ đồng mỗi năm. Khi nhận ra lao động đi biển ngày càng khan hiếm, nghề đánh bắt ngày càng khó khăn, ông Ninh đã tính toán, cơ cấu lại phương án sản xuất. Ông bán dần những con tàu nhỏ để dồn tiền đóng tàu to hơn, trang bị hiện đại hơn nhằm giảm dần sức lao động của ngư dân. Hiện ông Ninh còn đứng tên làm chủ 8 tàu cá với tổng công suất trên 4.000 CV.
Ông Ninh còn thực hiện biện pháp để gắn kết giữa chủ tàu, thuyền trưởng và người lao động như: cho thuyền trưởng góp cổ phần vào con tàu mình đang điều khiển, lập quỹ hỗ trợ những lao động có hoàn cảnh khó khăn, sẵn sàng ứng tiền cho ngư dân khi có việc cần... Hiện nay, dù đánh bắt gặp khó khăn nhưng trước mỗi chuyến đi biển, các ngư dân trên đội tàu của ông Ninh đều được ứng trước 4 triệu đồng. Nếu chuyến biển đánh bắt đạt năng suất, số tiền ứng trước sẽ được trừ vào tiền lương, còn đánh bắt không đạt thì chủ tàu mất số tiền này, và nếu trúng lớn thì lao động trên tàu được thưởng thêm...
“Khi nghề đánh bắt được mùa, nhiều chủ tàu kêu bạn từ những lao động nông nhàn, người làm phụ hồ, bốc vác... Họ thấy đi biển thu nhập cao hơn trên bờ thì tham gia, giờ nghề biển không còn hấp dẫn nữa thì những lao động này quay vào bờ, làm lại nghề cũ. Trước đây họ đi biển mỗi năm 12 tháng thì giờ đi khoảng 5 - 6 tháng vào thời điểm đánh bắt hiệu quả, các tháng còn lại làm việc trên bờ nên thu nhập vẫn ổn định. Còn ngư dân đi biển chuyên nghiệp, không có ruộng, không có nghề nào khác thì vẫn đi biển quanh năm, nếu không đi tàu này thì sẽ đi tàu khác. Do đó, chủ tàu sẽ gặp khó khăn nếu không biết cách thu hút, giữ chân lao động đi biển”, ông Ninh nói. (còn tiếp)
Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, tình trạng thiếu lao động đi biển ở tỉnh này diễn ra vài năm trở lại đây nhưng các chủ tàu vẫn thu xếp được để ra khơi bám biển, chưa đến mức phải để tàu cá nằm bờ hàng loạt. Đặc biệt, nhiều chủ tàu tổ chức được các tổ đội đánh bắt hiệu quả nên đã giữ chân được lao động đi biển.
Ông Bình cho rằng nguyên nhân thiếu lao động đi biển là do nghề đi biển vất vả, nguy hiểm mà thu nhập không cao hơn các nghề khác. Gần đây, công nghiệp lại phát triển mạnh tạo ra nhiều việc làm hơn nên đã thu hút được nhiều lao động là ngư dân. Hơn nữa, kinh tế phát triển, con em ngư dân cũng được học hành đến nơi đến chốn, rồi kiếm được việc làm ở các thành phố...
Trong khi lao động đi biển ngày càng giảm thì liên tục nhiều năm số lượng tàu thuyền đánh bắt hải sản ở Bình Định tăng quá nhanh, có thời điểm lên đến 6.434 tàu cá, tổng công suất trên 1,78 triệu CV, với khoảng 45.000 lao động nghề biển. Đến năm nay, qua rà soát lại thì tỉnh Bình Định vẫn còn hơn 5.800 tàu đánh cá các loại.
“Cần có chính sách giảm bớt số lượng tàu thuyền, đặc biệt là nghề cá ven bờ, vùng cạn, vùng lộng, và phải đào tạo chuyên môn hóa, giúp ngư dân ứng dụng công nghệ, đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại để áp dụng cơ giới hóa nhằm giảm bớt sức lao động”, ông Bình nói.
Để giải quyết bài toán thiếu lao động đi biển, theo ông Bình, còn cần đẩy mạnh hình thành các chuỗi, mô hình liên kết đánh bắt trên biển, phát huy hiệu quả các tổ đội đánh bắt đoàn kết, cùng chia sẻ, tìm kiếm ngư trường. Các tàu và các lao động trong tổ đội luân phiên nhau giữa đánh bắt và đi về đất liền để bán hải sản, tiếp tế nhiên liệu, lương thực... thì sẽ góp phần tăng hiệu quả đánh bắt, giảm bớt được sức lao động.
Bình luận (0)