Thiếu trầm trọng lao động đi biển: Tàu cá tiền tỉ nằm bờ

Mạnh Cường
Mạnh Cường
24/10/2022 05:55 GMT+7

Theo ghi nhận của Thanh Niên , tình trạng thiếu lao động đi biển đang phổ biến ở khắp cả nước.

Đã vào mùa đánh bắt nhưng nhiều tàu cá tiền tỉ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn còn nằm bờ do chưa tìm đủ bạn tàu. Câu chuyện thiếu lao động tàu cá ngày càng trầm trọng có nguy cơ gây ra nhiều bất lợi trong thời gian tới.

Ứng tiền trước rồi “mất hút”

Những ngày này, tại khu neo đậu An Hòa và cảng Tam Quang (xã Tam Quang, H.Núi Thành, Quảng Nam), dù vào mùa đánh bắt chính nhưng nhiều tàu cá công suất lớn vẫn nằm im lìm, còn chủ tàu chạy đôn chạy đáo tìm lao động đi biển, nhưng “tìm miết vẫn không ra”.

Hàng loạt tàu cá neo đậu im lìm tại khu neo đậu An Hòa, H.Núi Thành (Quảng Nam)

Con tàu gỗ số hiệu QNa 91991 (công suất 420 CV) được đầu tư hơn 2 tỉ đồng của ông Bùi Xuân Thành (56 tuổi, ở thôn An Hải Tây, xã Tam Quang) phải nằm bờ thời gian dài. Hỏi ra mới biết lý do tàu không thể vươn khơi là do ông chưa tìm được lao động đi biển. Mỗi chuyến đi biển, con tàu này cần từ 14 lao động trở lên, ít quá thì không được vì công việc “thiếu trước, hụt sau”.

“Sau mỗi chuyến biển thì lao động ngày một rơi rớt. Vì không tìm ra lao động nên tôi buộc phải cho tàu nằm bờ. Trước kia, ai cũng muốn có tàu to, máy khỏe để vươn khơi cho yên tâm, giờ có cả rồi thì tìm đỏ mắt không ra lao động. Gần 40 năm bám biển nhưng chưa có thời điểm nào tôi thấy thiếu hụt lao động đi biển trầm trọng như hiện nay”, ông Thành nói.

Để “hút” bạn đi biển, ông Thành đã áp dụng cách trả công mới, hậu hĩnh hơn lúc trước nhiều lần. Với mỗi lao động đi theo tàu, trước mỗi chuyến biển ông đều cho ứng trước từ 10 - 20 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn tăng tỷ lệ ăn chia sau mỗi chuyến biển, nhưng vẫn khó giữ chân bạn tàu.

“Tình trạng lao động “mất hút” trước chuyến biển xảy ra như cơm bữa. Nhiều chuyến biển đã chuẩn bị nhiên liệu xong nhưng không thể liên lạc được với bạn tàu nên không đủ lao động, đành cho tàu nằm bờ. Điều đáng nói, nghề này chỉ hợp đồng lao động với nhau bằng miệng, không có giấy tờ nên không thể ràng buộc ai được. Nhiều lúc tiền ứng trước cũng “đi theo” bạn tàu nhưng mình không thể lấy lại được. Nhiều đãi ngộ hậu hĩnh như vậy nhưng tìm được lao động gắn bó với mình vẫn rất khó. Tôi cũng từng nghĩ đến chuyện bán con tàu này để nghỉ ngơi nhưng không tìm ra người mua, nếu có mua thì giá cũng rất thấp”, ông Thành ngao ngán.

Nỗi lo lao động trẻ không mặn mà đi biển

Cũng rơi vào hoàn cảnh không tìm được lao động, nên từ đầu năm đến nay, tàu QNa 91864 (công suất 420 CV) của ông Võ Văn Quang (57 tuổi, ở thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang) các chuyến vươn khơi chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Tàu tôi đi nghề lưới vây nên mỗi chuyến vươn khơi phải có ít nhất 12 - 14 lao động. Để có được số lao động này, tôi phải đi năn nỉ, nhờ vả từng người và kể cả phải “dụ dỗ” họ. Nghề này, tàu nào đi trúng mánh thì có nhiều bạn “trung thành”, còn tàu nào đi thua lỗ thì sau mỗi chuyến biển rơi rớt hết. Nghề này thu nhập bấp bênh nên người trẻ cũng không mặn mà”, ông Quang chia sẻ.

Gần 40 năm bám biển nhưng chưa khi nào ông Bùi Xuân Thành thấy thiếu lao động đi biển như hiện nay

MẠNH CƯỜNG

Theo ông Quang, đa phần ngư dân khi sắm một chiếc tàu công suất lớn đều vay ngân hàng đến 70%. Thời gian qua, do không có bạn đi biển, nhiều tàu phải nằm bờ nên một số ngư dân đành kiếm nghề khác để trả nợ ngân hàng. Việc thiếu hụt lao động đi biển xảy ra khá phổ biển trên địa bàn xã.

“U.60 như tôi giờ còn thuộc diện lao động biển có độ tuổi trung bình. Bởi, hiện nay lớp trẻ không mặn mà với nghề này nữa. Việc người trẻ không chịu nối nghiệp cha ông là một điều đáng lo ngại. Mình bám biển, ngoài kinh tế thì có một điều thiêng liêng hơn, là bảo vệ vùng biển của Tổ quốc. Nếu người trẻ không tiếp nối nghề này thì sau này khi chúng tôi già đi, ai sẽ thay thế để bảo vệ vùng biển thiêng liêng này”, ông Quang ngậm ngùi.

Chính quyền địa phương “cũng thấy khó”

Ông Ngô Đức An, Phó chủ tịch UBND H.Núi Thành, cho biết nguyên nhân khiến lao động đi biển giảm sút mạnh là do nghề biển thường đi dài ngày, khá nhiều rủi ro nên lao động trẻ không còn mặn mà, dần dà bỏ nghề. Trong khi đó, số lao động đi biển còn lại thì ngày càng già, không còn đủ sức tiếp tục bám trụ với nghề nên dẫn tới thiếu hụt lao động.

“Có một thực tế là lao động đi biển ngày một ít nhưng tàu thuyền công suất lớn lại ngày một phát triển quá nhiều. Chính vì vậy, lao động vốn đã thiếu, ngày càng thiếu nhiều hơn”, ông An nói.

Theo ông An, những năm qua, nhà nước đã có nhiều chính sách để khuyến khích ngư dân bám biển, bảo vệ ngư trường. Địa phương cũng chỉ động viên, khuyến khích ngư dân yên tâm bám biển. “Riêng việc nói đào tạo ngư dân để lấp “khoảng trống” thiếu lao động là không thể, bởi họ theo nghề là bằng kinh nghiệm thực tế. Nếu có thì cũng chỉ bồi dưỡng kiến thức trên biển thôi, việc đi câu mực, đánh cá thì không có gì phải đào tạo cả. Nghề này thậm chí người tay ngang khi xuống biển vẫn làm được”, ông An khẳng định.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Võ Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, cho biết thời gian qua giá dầu tăng cao, sản lượng đánh bắt lại ngày một giảm sút, khiến thu nhập của các chủ tàu không còn cao như trước. Việc đánh bắt không được, chi phí lại cao thì lợi nhuận chia cho bạn tàu sẽ thấp đi.

Bài toán chưa có lời giải

Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Nam có 9 nghiệp đoàn nghề cá với 720 tàu và 4.879 lao động; cùng 158 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển với 1.040 tàu và 8.063 lao động.

Ông Trần Quang Kiến, Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam, cho rằng việc thiếu hụt lao động đi biển là do quá trình chuyển biến kinh tế - xã hội. Ngành nghề nào phát triển, có thu nhập ổn định sẽ thu hút được nhiều lao động. Mặt khác, chính việc phê duyệt cho đóng mới tàu trong lúc đội ngũ lao động không đáp ứng được cũng sinh ra lãng phí. Thiếu lao động đi biển trên các tàu, thuyền hiện nay vẫn là bài toán chưa có lời giải.

“Lâu nay đều có chủ trương đào tạo máy trưởng, máy phó để có chứng chỉ đáp ứng việc vận hành tàu máy. Còn đối với bạn tàu thì chủ yếu họ trưởng thành qua quá trình kinh nghiệm thực tiễn lâu nay là chính”, ông Kiến nói.

“Thu nhập thấp, tàu nằm bờ dài ngày thì buộc nhiều lao động đi biển phải “nhảy việc”, lên bờ kiếm việc khác có thu nhập ổn định hơn để nuôi vợ con. Ngoài ra, có một thực tế là hiện nay lao động trẻ không còn mặn mà với nghề biển nên hầu hết đều đi làm công nhân, có người đi xuất khẩu lao động để kiếm nguồn thu nhập ổn định hơn. Đây cũng là một nguyên nhân khiến lao động đi biển ngày càng thiếu hụt”, ông Long nói.

Theo ông Long, để khắc phục tình trạng này, các sở, ngành trên địa bàn tỉnh đang phối hợp với các cơ quan T.Ư tìm ngư trường đánh bắt để giúp ngư dân giảm thiểu thời gian tìm kiếm các đàn cá, có như vậy mới giảm được nhiên liệu, tăng thêm thu nhập.

“Chỉ có tăng thu nhập thì mới thu hút được lao động đi biển trở lại. Chi cục cũng đang nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với một số nghề. Đồng thời, tuyên truyền, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc đánh bắt để giảm chi phí, tăng sản lượng trong quá trình đánh bắt cho ngư dân. Dẫn chứng như, trước đây đa phần ngư dân đi đánh bắt đều phán đoán đàn cá bằng kinh nghiệm nên lúc trúng mẻ cá, lúc không. Tuy nhiên, nếu dùng máy dò cá thì độ chính xác dường như tuyệt đối”, ông Long chia sẻ. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.