Thiếu trầm trọng nhân lực công nghệ cao

12/04/2009 10:31 GMT+7

VN chưa sở hữu hay làm chủ được bất kỳ công nghệ nguồn, công nghệ cốt lõi nào thuộc lĩnh vực công nghệ cao, mà mới chỉ dừng lại ở mức độ làm chủ được một vài công đoạn.

Không ít bất cập trong công tác đào tạo nhân lực công nghệ cao (CNC) khiến cho một trong những ngành được coi là mũi nhọn trong phát triển kinh tế đất nước lại phát triển quá chậm, trình độ quá thấp so với thế giới vừa được nêu lên tại hội thảo Quốc gia đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội, do Bộ GD-ĐT và Bộ Khoa học-Công nghệ tổ chức ngày 11-4, tại tỉnh Bình Dương.

Nhân lực không theo kịp nhu cầu

Trọng tâm của chính sách ứng dụng và phát triển CNC của nước ta là tập trung đầu tư vào một số lĩnh vực như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu và công nghệ tự động hóa. Theo ông Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ, hiện VN có trên 220.000 lao động làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, 6.000 cán bộ làm trong lĩnh vực công nghệ vật liệu, 5.000 người làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ tự động hóa.
 
Trong khi đó, lĩnh vực công nghệ sinh học tính đến năm 2007, VN mới chỉ đào tạo được khoảng 90 tiến sĩ, 400 thạc sĩ và 1.500 kỹ sư, riêng trong lĩnh vực gien thì chỉ tính con số hàng chục. “Rõ ràng nguồn nhân lực CNC còn thiếu nhiều, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ để có thể chuyển kiến thức thành công nghệ, chuyển kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm thành quy trình sản xuất CNC.

Đây là lý do khiến VN đi sau hàng chục năm so với nhiều nước đang phát triển” - ông Nguyễn Văn Lạng nói. Cũng theo ông Nguyễn Văn Lạng, đội ngũ nhân lực CNC không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng khi chưa theo kịp với nhu cầu xã hội.

Công nghệ cao mà trình độ thấp 

Theo tiến sĩ Bành Tiến Long, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho đến nay, VN chưa sở hữu hay làm chủ được bất kỳ công nghệ nguồn, công nghệ cốt lõi nào thuộc lĩnh vực CNC mà chỉ dừng ở mức độ làm chủ được một vài công đoạn, một số quá trình hoặc một số yếu tố công nghệ cao nào đó. Ví dụ, trong khi điện hạt nhân chiếm 15% sản lượng điện của thế giới, trở thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng với đóng góp hàng tỉ USD mỗi năm thì ở nước ta mới triển khai xây dựng đề án để phát triển nguồn nhân lực về lĩnh vực này, như vậy là quá chậm và bất cập.

Áp lực lớn trong đào tạo

Theo dự kiến đào tạo đội ngũ nhân lực CNC, đến năm 2020, các trường ĐH cần tuyển 30.000 sinh viên công nghệ thông tin, 25.000 sinh viên công nghệ sinh học, 25.000 sinh viên công nghệ tự động hóa và 25.000 sinh viên công nghệ vật liệu. Bên cạnh đó, phải đào tạo 28.000 người trình độ sau ĐH về các lĩnh vực này. Thế nhưng, hiện nay đội ngũ giảng viên tại các trường ĐH về CNC còn thiếu rất nhiều. Trong tổng số 5.094 giảng viên cơ hữu của 10 trường ĐH được thống kê, chỉ có khoảng 1.500 giảng viên đúng chuyên ngành CNC, chiếm tỉ lệ 29,9%; trong đó chức danh giáo sư chỉ có 11 người, phó giáo sư chỉ có 97 người, tiến sĩ chỉ có 270 người và 694 người có trình độ thạc sĩ. Đây quả thực là thách thức lớn và cũng là áp lực lớn đối với việc đào tạo nhân lực cho các ngành CNC.

Nguyên nhân, theo tiến sĩ Bành Tiến Long là do đầu tư cho CNC còn thấp, bí quyết công nghệ cao mà những tổ chức, quốc gia đang sở hữu luôn nắm giữ như một bí quyết cạnh tranh chủ yếu nên không muốn chuyển giao. Trong khi đó, mặc dù đã có những cơ hội hợp tác và phát triển về CNC nhưng chúng ta vẫn chưa sẵn sàng hoặc vẫn chỉ tập trung vào cách đi truyền thống của những nước khác, chưa tạo được bước đột phá...

Đại diện của Tập đoàn Intel tại VN cho biết trong thời gian qua, tập đoàn này đã tuyển được khoảng 60-70 sinh viên tốt nghiệp từ các trường ĐH nhưng đều phải gửi sang Malaysia đào tạo thêm từ 1 - 1 năm rưỡi mới có thể đảm nhiệm được công việc. Trong khi ông Nguyễn Văn Lạng cho rằng hiện các trường ĐH trong cả nước cung cấp cho thị trường nguồn nhân lực công nghệ thông tin trung bình 110.000 kỹ sư/năm, nhưng chỉ khoảng 10% sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể đáp ứng được yêu cầu công việc. 

Nâng tầm chất lượng đào tạo

Tiến sĩ Bành Tiến Long cho rằng để việc đào tạo nhân lực CNC hiệu quả, đáp ứng nhu cầu xã hội thì các chương trình đào tạo CNC cần được xem xét, điều chỉnh hợp lý với nhu cầu thực tế, bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cũng cần thành lập một hệ thống chứng nhận kỹ năng chuyên môn và chuẩn mực lao động kỹ thuật cao.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nêu 13 giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, theo Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, các cơ sở đào tạo cần tiếp thu nhu cầu của doanh nghiệp, đặt trọng tâm đào tạo vào đơn đặt hàng của các doanh nghiệp; nhanh chóng đưa trung tâm hỗ trợ đào tạo nhân lực CNC vào hoạt động; đẩy mạnh các chương trình đào tạo có chất lượng quốc tế. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xây dựng chuỗi phòng thí nghiệm CNC để tiếp thu tri thức mới của thế giới.

Theo Bài và ảnh: Thùy Vinh / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.