(iHay) Không phải là con tắc kè, loài bò sát với tiếng kêu 'tắc kè' buồn buồn trên đồng vắng. Đây là loại cá sống ở những vùng biển sâu, cái đầu hao hao con tắc kè bờ nên gọi vậy.
>> Canh cá căn dưa hồng ngon miễn chê
|
Những chiều hè, có dịp ghé một làng chài nào đó ở Quảng Ngãi, bạn sẽ thấy dưới bóng dừa buông lơi là rất nhiều ngọn khói chơi vơi của những bếp lò nướng cá tắc kè. Trẻ con nướng cá ăn cho đã đời, phụ nữ vài ba chị nướng cá ăn chơi chơi, tám chuyện là chính. Còn cánh ngư dân thì nướng cá rồi hú nhau lai rai chiều chiều giải mỏi sau một ngày trần lưng trên biển.
Nói “khói chơi vơi” cho có vẻ… điệu đà chứ thật thà mà nói, ngọn khói thơm lừng ấy cứ la đà ngang… tầm mũi. Và “nỗi niềm ẩm thực” bỗng dưng trỗi dậy, réo sôi cả bụng. Ngư dân trẻ làng tôi có nhiều anh thuộc câu lục bát “tôn vinh” cá tắc kè: “Cá thu, cá trích, cá mè. Im re khi gặp tắc kè nướng than”.
Hai chữ “nướng than”… phản ánh rằng cá tắc kè luộc hay hấp đều kém ngon so với nướng vì thịt cá sẽ nhạt đi trong môi trường nước. Với món nướng, tắc kè cũng không “thích” nướng trên bếp điện, bếp ga hay bếp từ, mà phải là bếp than.
Cho vào lò những hòn than nhỏ thôi, để than hừng ở mức độ riu riu, trở cá từ từ, nhẹ nhàng “tình cảm” cho cá chín đều. Nướng kiểu này, tinh chất của cá không thoát ra ngoài mà ở lại, ngọt lừ trong từng thớ thịt. Nướng trên lửa to, da cá cháy đen, nứt nẻ, thịt cá chín nhưng lòng cá mới “tám rưỡi” là hư sự. Nướng như thế là… manh động, là “xúc phạm” cá, là đốt cá chứ không phải nướng cá.
|
Cá tắc kè thường “đi” với rau răm. Có câu “rau răm hỏi thăm tắc kè” là vậy. Và chén muối ớt nữa chứ. Muối phải là muối sống giã với ớt xanh trộn tí bột ngọt mới ngon. Nếu nướng cá là cả một “nghệ thuật” thì ăn cá phải… phàm phu mới ngon. Trên mâm tắc kè không có đôi đũa nào. Nghĩa là phải “thủ công” toàn bộ.
Dùng tay bẻ đầu cá, lôi ra bộ lòng nóng hổi, hạ xuống chén muối ớt, một ít rau răm. Cái vị bùi bùi, beo béo, đăng đắng rất… dễ thương từ tim gan mật cá chầm chậm tiết ra, vấn vương trên mặt lưỡi. Thịt cá trắng phau, dai dai, càng nhai càng ngọt nên nhiều người gọi cá tắc kè là “gà biển”. Có lẽ chính cái tên vừa sang vừa lạ này khiến giá cá tắc kè trở nên đỏng đảnh. Tại bến bãi, một ký cá tắc kè 60.000 đồng. Trong nhà hàng 60.000 đồng chỉ được gần nửa ký mà thôi.
Rượu gạo tới 'tua' ta sẽ nhấp. Đây là kiểu uống rượu vòng thường thấy trong mâm nhậu ở nông thôn. Cá ngon quá, có anh lui cui “thực” mà quên “ẩm” liền bị người kế bên nhắc nhở: “Thượng điền tích thủy hạ điền khan”.
Những hôm trời trở gió, tàu giã cào cầm bờ, có anh nhớ ngẩn nhớ ngơ, nói thiếu cá tắc kè, thấy chiều hè trở nên nhạt nhẽo.
Trần Cao Duyên
>> Cá lóc đồng om chuối xanh
>> Món ngon từ loài cá biết bay
>> Cà tím nướng than thơm... nức mũi
Bình luận (0)