Chế biến cá tra ở Công ty CP Gò Đàng (Tiền Giang) - Ảnh: An Lạc
Thua lỗ, hết vốn…
An Giang, Đồng Tháp và TP.Cần Thơ là những nơi có diện tích nuôi cá tra nhiều nhất ở ĐBSCL. Những ngày này, giá cá nguyên liệu nhích lên được 23.000 đồng/kg nhưng nhiều hộ tỏ ra ngao ngán bởi không còn vốn để đầu tư nuôi cá. Ông Võ Văn Đệ (ở P.Thuận An, Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) than: “Hơn 2 năm nay, giá cá thấp khiến người nuôi thua lỗ, nợ chất chồng. Gia đình tôi phải vay hỏi nhiều nơi để giải quyết nhưng tới nay vẫn còn kẹt 300 triệu đồng ở ngân hàng. Hôm nghe Chính phủ có chủ trương khoanh nợ và cho vay mới để tái đầu tư nuôi cá, tôi liền làm đơn gửi chính quyền địa phương xác nhận xin được khoanh nợ, nhưng chờ cả tháng nay không nghe ai nói gì?”.
Bà Đinh Thị Hường (ngụ P.An Thạnh, TX.Hồng Ngự, Đồng Tháp) cho biết: “Dân xứ này gắn bó với con cá tra từ mấy chục năm nay nên bỏ nghề thì tiếc, còn nuôi tiếp lại không có vốn đầu tư. Hồi tháng 4.2014, nghe Nhà nước có chính sách đầu tư cho cá tra khiến nông dân như mở cờ trong bụng. Nhưng đã hơn 4 tháng trôi qua, chẳng thấy ngân hàng nói năng gì; thậm chí những hộ nợ quá hạn buộc phải bán tài sản để trả cho ngân hàng”.
Không chỉ có nông dân, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra cũng thấm mệt vì sản xuất kinh doanh không hiệu quả. Một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu ở An Giang tiết lộ: “Hiện tại hàng loạt doanh nghiệp thiếu năng lực về vốn, dẫn đến tình trạng cạnh tranh bán giá thấp nhằm nhanh chóng quay vòng nguồn tiền để duy trì hoạt động. Lợi dụng vấn đề thiếu vốn, nhiều đối tác nước ngoài ép giá cá tra xuống thấp, gây thiệt hại lớn”.
Liên kết vực dậy nghề cá
Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty CP Gò Đàng, nhìn nhận: “Dù Chính phủ đã có Quyết định 540 gỡ khó về vốn cho con cá tra, nhưng phía ngân hàng lại có cái lý của họ. Do nghề cá tra mấy năm gần đây có nhiều biến động, trong đó có không ít doanh nghiệp vỡ nợ đã tạo ra tâm lý “dè dặt” từ các ngân hàng. Vì vậy, để tiếp cận được nguồn vốn thì doanh nghiệp phải chứng minh được sản xuất kinh doanh hiệu quả, có tài sản thế chấp, có uy tín… Bằng ngược lại, việc vay vốn sẽ vô cùng khó khăn”. Ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và xuất khẩu thủy sản An Giang, cho rằng: “Cả doanh nghiệp và người nuôi đều thiếu vốn như nhau. Song để tiếp cận được nguồn vốn thì người nuôi phải chứng minh được phương án sản xuất hiệu quả. Đây là vấn đề rất khó bởi nghề cá đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng, rồi giá cả phập phù lên xuống thất thường cũng khiến ngân hàng ngại đầu tư”.
Theo Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL, để nuôi 1 ha cá tra cần vốn khoảng 11 tỉ đồng/vụ, trong đó chi phí thức ăn chiếm hơn 70%; với số tiền khổng lồ trên nông dân không tài nào lo nổi, còn trông vào ngân hàng sẽ không mấy lạc quan. Giải pháp hiện nay là nông dân liên kết với cơ sở sản xuất thức ăn và doanh nghiệp xuất khẩu theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Ông Phạm Văn Bên, Giám đốc Công ty thức ăn Cỏ May (Đồng Tháp), ủng hộ mô hình này, bởi đây được xem là hướng đi phù hợp nhất trong thời điểm nhiều ngân hàng tháo chạy khỏi ngành cá tra. Theo ông Bên, nhà máy sản xuất thức ăn sẽ cung ứng thức ăn cả vụ cho người nuôi thông qua sự bảo lãnh của doanh nghiệp xuất khẩu. Đến kỳ thu hoạch cá tra thì doanh nghiệp lấy cá của nông dân và trả tiền đầu tư thức ăn cho nhà máy, phần tiền dư ra sẽ trả cho nông dân. Cách làm này, nông dân nhẹ lo về vốn, còn nhà máy sẽ bán được thức ăn, trong khi doanh nghiệp chế biến đảm bảo được nguồn cá nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Đây là cách làm mà cả 3 bên đều được lợi. Một khi mô hình này đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả thì sẽ thu hút được nhiều ngân hàng nhảy vào đầu tư cho cá tra một cách bền vững.
An Lạc
>> Lập lại trật tự ngành cá tra
>> Hướng đến cá tra sạch
>> Cần siết chặt chất lượng cá tra xuất khẩu
>> Tái cấu trúc ngành cá tra
Bình luận (0)