Thiếu vốn tái canh cà phê

17/06/2013 03:15 GMT+7

Chương trình tái canh cà phê đang cần sự chung tay của nhà nước, ngân hàng, cùng các doanh nghiệp.

Nếu chậm trễ tái canh, cà phê VN sẽ mất ngôi vị hàng đầu về sản lượng xuất khẩu trong thời gian không xa. Đó là khẳng định của nhiều chuyên gia trước thực trạng diện tích cà phê của VN bị lão hóa, năng suất thấp ngày càng gia tăng. Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Cục Trồng trọt  Bộ NN-PTNT, trong 5 - 10 năm tới, cả nước có khoảng 140.000 - 160.000 ha cà phê già cỗi cần phải thay thế trong tổng số gần 600.000 ha, dẫn đến nhu cầu nguồn vốn đầu tư khá lớn.


Phá bỏ vườn cà phê già cỗi để tái canh ở H.Krông Pắk, Đắk Lắk - Ảnh: T.N.Q 

Đắk Lắk là tỉnh chuyên canh cà phê lớn nhất trong cả nước, với 202.000 ha; trong đó, nhiều diện tích vườn cây già cỗi đang có nhu cầu tái canh cấp thiết. Ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, cho biết giai đoạn 2013-2020, tỉnh này có đến 65.355 ha cà phê già trên 20 năm, hết chu kỳ kinh doanh, hoặc trồng từ giống thực sinh không đạt chuẩn, năng suất kém; trước mắt, từ năm 2013-2016, có 25.625 ha cần phá bỏ, cải tạo để tái canh. “Những năm gần đây, mỗi năm Đắk Lắk chỉ thực hiện tái canh được khoảng 2.000 - 2.600 ha, trong khi nhu cầu tái canh chừng 7.000 - 8.000 ha. Nguyên nhân triển khai chậm chủ yếu do nông dân thiếu vốn. Theo tính toán, để tái canh cần thời gian 5 - 6 năm, đầu tư đến 150 triệu/ha cho các khâu cải tạo đất, cây giống, phân bón, chi phí chăm sóc… Riêng khâu cải tạo đất mất từ 2 - 3 năm để tránh sâu bệnh, tuyến trùng, thêm 3 - 4 năm trồng lại cà phê cho thu hoạch. Mất thu nhập trong nhiều năm cũng khiến người dân ngần ngại tái canh”, ông Thành phân tích.

Cần sự chung tay

 

Các DN, đặc biệt là DN cung ứng vật tư, dịch vụ nông nghiệp, thu mua, chế biến cà phê, cũng cần chung tay với nông dân trong chương trình tái canh, thể hiện ở việc bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ, có chính sách ưu đãi về giá đối với hộ nông dân thực hiện tái canh, chuyển đổi cải tạo giống cà phê

Ông Võ Huỳnh, Giám đốc chi nhánh Agribank Đắk Lắk

Tại hội nghị về tái canh cà phê tại Đắk Lắk mới đây, nút thắt về nhu cầu vốn đầu tư phần nào được tháo gỡ khi lãnh đạo Ngân hàng NN-PTNT VN (Agribank) cam kết hỗ trợ gói tín dụng 3.000 tỉ đồng trong 4 năm 2013-2016.

Ông Hoàng Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nhận định gói tín dụng này là cú hích quan trọng đẩy nhanh tiến độ tái canh cà phê của các doanh nghiệp (DN), hộ nông dân trên địa bàn; góp phần thực hiện chương trình phát triển cà phê bền vững của tỉnh này trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo Chi nhánh Agribank Đắk Lắk, so với nhu cầu thực tế gần 4.650 tỉ đồng để tái canh 25.625 ha cà phê của tỉnh này thì nguồn vốn của Agribank vẫn chưa đủ, chỉ mới chiếm 64,6%. Trong khi đó, với địa bàn hoạt động là tỉnh nông thôn miền núi còn khó khăn, vốn huy động tại chỗ của Agribank không thể đáp ứng nhu cầu vay đầu tư tái canh.

Ông Võ Huỳnh, Giám đốc chi nhánh Agribank Đắk Lắk, cho biết đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước VN thực hiện tái cấp vốn 100% (tương ứng khoảng 3.000 tỉ đồng) để bảo đảm cung ứng vốn cho chương trình tái canh; đồng thời đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk tạo điều kiện để Agribank tiếp cận các nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của ngân sách và các chương trình, dự án khác ở địa phương nhằm tăng khả năng cân đối vốn và hạ lãi suất cho vay đối với người trồng cà phê.

Ông Huỳnh cũng chia sẻ: “Các DN, đặc biệt là DN cung ứng vật tư, dịch vụ nông nghiệp, thu mua, chế biến cà phê, cũng cần chung tay với nông dân trong chương trình tái canh, thể hiện ở việc bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ, có chính sách ưu đãi về giá đối với hộ nông dân thực hiện tái canh, chuyển đổi cải tạo giống cà phê”. 

Trần Ngọc Quyền

>> Thay vườn cà phê già cỗi - lực bất tòng tâm
>> Làm rõ vụ doanh nghiệp bán vườn cà phê của dân
>> Phá vườn cà phê để trả thù?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.