Mánh khóe làm giả
Những năm trở lại đây, khi các ngành chức năng kiểm soát gắt gao việc săn bắt, vận chuyển, tiêu thụ thú rừng thì thịt heo rừng ngày một khan hiếm, giá bán trở nên đắt đỏ. Một số đầu nậu vì hám lợi đã tìm cách làm giả và lén lút hình thành nên những đường dây tiêu thụ liên tỉnh, đánh lừa người tiêu dùng có nhu cầu “ăn để lấy hên”.
Thời gian vừa qua, huyện Phù Cát (Bình Định) rộ lên công nghệ làm giả thịt heo rừng với sự xuất hiện của nhiều lò mổ lậu làm ăn bất chính. Công an huyện mới đây đã bắt quả tang 3 đối tượng: Châu Ngọc Khánh, Huỳnh Văn Hùng và Nguyễn Văn Thạnh đang có hành vi sơ chế động vật hoang dã không rõ nguồn gốc với khối lượng thịt tịch thu tiêu hủy lên đến hơn 1,7 tấn. Điều đáng nói là thị trường tiêu thụ của các đối tượng này không chỉ ở trên địa bàn huyện mà nó còn được “xuất” đi nhiều tỉnh thành khác trên cả nước.
Lò mổ lậu làm giả heo rừng của ông Huỳnh Văn Hùng đã tồn tại trái phép gần 4 năm qua. Heo nái già sẵn có lớp da dày trông như da heo rừng từ các vùng lân cận giá bình quân từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, Hùng mua chở về nhà thuê nhân công sơ chế rồi tung ra thị trường với số lượng “xuất xưởng” lên đến 400 kg/ngày, giá bán tăng lên 70.000 - 80.000 đồng/kg. Hai vợ chồng chỉ chuyên nghề mổ lậu, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã xây được nhà 3 tầng hoành tráng, tậu 2 chiếc ô tô; trong đó có 1 chiếc trị giá gần 1 tỉ đồng dùng đi giao dịch làm ăn, chiếc còn lại dùng chở thịt heo rừng giả đi bỏ cho các đầu nậu theo đơn đặt hàng.
Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, Hùng mua heo nái về xẻ làm đôi, dùng bình ga có gắn dây dẫn châm lửa đốt lớp lông cháy xám đen; sau đó vừa cạo vừa xối nước đến khi lộ lớp da săn vàng thì bỏ vào bao chở đi tiêu thụ. Trước lúc bán “đặc sản” cho người tiêu dùng, đầu nậu tiếp tục dùng súng bắn sợi cước găm vào da trông như thịt heo rừng thật.
Người tiêu dùng lãnh đủ
Chỉ tính riêng lò ông Hùng, sau 4 năm hành nghề đã làm giả tới gần 600 tấn thịt heo rừng. Số lượng này nếu chia đều cho 600 đầu nậu, thì cũng đã có đến 1 tấn/đầu nậu. Như vậy, đã có biết bao nhiêu thực khách đã phải xơi heo nái già lò ông Hùng nhưng phải trả tiền cho giá heo rừng mà không hề hay biết.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hiếu Hòa - Phó giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định - cho biết từ lâu ngành chức năng đã đưa ra cảnh báo không nên ăn thịt thú rừng bán lẻ ở các nhà hàng, bởi lẽ dù “ăn đúng hàng hiệu” cũng không tốt cho sức khỏe. Giới đi săn thường lên rừng theo chuyến đi dài ngày, săn được thú sẽ chôn xuống đất. Khi “hạ sơn” mới đào lên mang về xẻ thịt, ướp phoóc-môn, cấp đông tủ lạnh. Đến miệng người tiêu dùng ít nhất phải mất cả tháng.
Theo bác sĩ - Thầy thuốc Ưu tú Trang Xuân Chi (Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định), tác hại của việc “thưởng thức” thịt heo nái bắn cước giả heo rừng rất nặng nề. Người tiêu dùng rất dễ bị nhiễm độc vì ăn không tiêu, rối loạn tiêu hóa. Sợi cước có thể đâm thủng ruột và niêm mạc dạ dày gây xuất huyết trong đối với những người ăn số lượng nhiều.
Điều đáng nói là cơ quan chức năng khi phát hiện chỉ có thể xử phạt hành chính với mức phạt cao nhất là 8 triệu đồng/trường hợp vi phạm, vì các đối tượng trong đường dây tiêu thụ đã lách luật bằng cách “chia nhỏ” công đoạn chế biến.
Đình Phú
Bình luận (0)