Bộ trưởng Bộ NN - PTNT ông Nguyễn Xuân Cường chỉ ra thực trạng trên khi nói về những yếu kém của lĩnh vực chế biến thịt lợn trong cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp kêu gọi giải cứu tình trạng lợn hơi dư thừa diễn ra sáng nay, 24.4, tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, giá lợn vẫn liên tục xuống thấp, thấp nhất trong nhiều năm qua. Bộ NN - PTNT đánh giá có 2 nhóm nguyên nhân dẫn tới tình trạng thịt lợn dư thừa hiện nay:
Thứ nhất, trong khoảng 10 năm qua, không riêng gì thịt lợn, sức sản xuất, khả năng cung ứng của nhiều ngành thực phẩm đang lớn hơn cầu của thị trường. Cụ thể là giá sữa, tăng trưởng gấp 15 lần, sản lượng trước đây chỉ có 51.000 tấn, giờ đạt 800.000 tấn. Thuỷ sản về nuôi trồng tăng 4,3 lần, từ 0,8 triệu tấn lên tới 3,6 triệu tấn. Thịt lợn tăng hơn 3 lần, từ 1,8 triệu tấn lên tới 5,4 triệu tấn, với trên 30 triệu con và 4,2 triệu con lợn nái.
Trong khi đó, cơ cấu thực phẩm trong bữa ăn đã có nhiều thay đổi. Nếu trước đây, tỷ lệ thịt lợn chiếm tới 65% thực phẩm trong bữa ăn, thì hiện nay người dân có thêm nhiều sản phẩm khác, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức tiêu thụ thịt lợn.
Nhóm nguyên nhân thứ hai là khâu tổ chức ngành hàng, tổ chức sản xuất trong chăn nuôi lợn đang có vấn đề. Tỷ lệ sản xuất quy mô trang trại chiếm tới 45% đàn lợn nuôi, còn lại 55% vẫn ở quy mô nhỏ lẻ. Cả nước có khoảng 3 triệu hộ nhỏ lẻ chăn nuôi lợn.
Khi sản xuất nhỏ lẻ, không làm theo chuỗi thì giá thành chi phí nguyên liệu đầu vào của chăn nuôi rất cao, giữa khâu sản xuất đến tiêu thụ, kết nối và nghiên cứu thị trường bị tách rời thì khó lên kế hoạch sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Đó là vấn đề khó khăn nhất của ngành chăn nuôi lợn hiện nay. Khi có khủng hoảng, dư thừa lợn như hiện nay, đối tượng chăn nuôi là nông hộ gánh chịu thiệt hại lớn.
tin liên quan
Mỗi ngày Đồng Nai tồn gần 3.000 con heoBộ NN-PTNT cho biết: Tính từ tháng 12.2016 - 1.2017, mỗi ngày tỉnh Đồng Nai tồn gần 3.000 con heo.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, chế biến đang là khâu yếu nhất trong ngành chăn nuôi. Ngành chăn nuôi lợn có sản lượng rất lớn, tăng trưởng nhanh nhưng chỉ có một số doanh nghiệp đi vào chế biến sâu, còn lại chủ yếu bán tươi là chính. Trong khi đó, khâu thị trường vẫn chưa làm được, thịt bán tươi nhiều nhất vẫn theo cách truyền thống, thông qua hệ thống chợ nông thôn nhỏ lẻ, không liên kết được với các chuỗi tiêu thụ lớn tại các siêu thị.
Đối với thị trường xuất khẩu lợn, Trung Quốc vẫn là nước tiêu thụ lớn nhất nhưng chúng ta chưa tổ chức được thị trường, chủ yếu xuất qua đường tiểu ngạch, còn xuất khẩu lợn qua những nước khác chủ yếu là thịt lợn sữa với số lượng không đáng kể. Ở nhiều thị trường khác như khu vực Đông Nam Á, nhu cầu thịt lợn rất lớn nhưng chưa thể xúc tiến xuất khẩu được.
Từ phân tích trên, ông Nguyễn Xuân Cường kêu gọi các doanh nghiệp phải tăng cường thu mua giết mổ cấp đông để chế biến sâu, vì nhu cầu thị trường sản phẩm chế biến còn rất lớn. “Thịt lợn nhiều mà chế biến chỉ có luộc, xào, kho như trước đây là không còn phù hợp, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng trẻ hiện nay là sản phẩm xúc xích, dăm bông, thịt nguội… nhưng sản phẩm lại không đa dạng”, ông Cường nói.
Ngay sau cuộc gặp này, lãnh đạo Bộ NN - PTNT sẽ tiếp tục làm việc với lãnh đạo các địa phương có lượng lợn tồn đọng lớn như Đồng Nai, TP.HCM... và các doanh nghiệp đầu mối lớn có khả năng tiêu thụ, chế biến thịt lợn, để có phương án cụ thể hỗ trợ người dân.
Bình luận (0)